‘Đánh thức trí thông minh’ - Con người phải thay đổi nếu muốn thay đổi thế giới

Thu An26/07/2023 09:00
‘Đánh thức trí thông minh’ - Con người phải thay đổi nếu muốn thay đổi thế giới

Nếu bạn đã từng đọc “Như ta là” của J. Krishnamurti, bạn sẽ dễ dàng thẩm thấu những mẫu đối đáp “kỳ lạ”, thú vị mà rất thâm sâu, thông tuệ và luôn mới mẻ của ông với những người đối thoại trong cuốn sách “Đánh thức trí thông minh”.

Ta là thế giới và thế giới là ta

Thế giới mà chúng ta đang sống có rất nhiều vấn đề và bản thân mỗi người đang sống cũng vậy. Những vấn đề đó ở đâu ra? Bạn sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, và phải vận động trí não liên tục khi đọc những phân tích, những dẫn dắt của triết gia Krishnamurti về vấn đề này. Không phải bằng các hiểu biết sách vở, các triết thuyết đã từng được biết xưa nay, mà bằng một thực tiễn chiêm nghiệm đáng kinh ngạc.

Tác giả đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng: Trong một xã hội hư hoại, thối nát như thế này, ở châu Âu, Ấn Độ và bất cứ đâu khác, cần phải có một cuộc thay đổi cơ bản trong chính cấu trúc của xã hội. Và nếu con người cứ duy trì mãi tình trạng suy đồi trong chính mình, trong hoạt động của mình, họ sẽ phá hoại bất kỳ cấu trúc nào, dù hoàn hảo đến đâu đi nữa; cho nên một điều rất khẩn thiết và tuyệt đối thiết yếu là con người phải thay đổi. Nhưng để thay đổi chính mình, để có một cuộc cách mạng nội tâm thật sự, theo Krishnamurti, ta phải ngày càng nhạy cảm, càng tỉnh táo và thông minh; ta phải đánh thức trí thông minh, và phải thật sự thấu hiểu chính mình.

Theo Krishnamurti, trí thông minh chỉ hình thành, được “đánh thức” khi có sự hòa hợp thật sự giữa thân, tâm và trí não. Vì trong thực tế, khi nhìn các sự vật, hiện tượng, và cả khi nhìn chính bản thân mình, chúng ta chỉ nhìn từng phần, nhìn trong sự chia cắt, xung đột, trong những khái niệm, những qui định bó hẹp, khuôn mẫu. Bởi vì ta không nhìn mọi thứ trong một thể thống nhất, nhìn khi trí thông minh được đánh thức, nên đó sẽ là cái nhìn từng phần, phiến diện, thiếu khách quan, thiên vị, đầy định kiến. Với cái nhìn như vậy, ta không thể làm một cuộc cách mạng nội tâm thật sự, và không thể góp phần “thay đổi thế giới” như nhiều người vẫn nghĩ. Lời khuyên của Krishnamurti  là hãy quay lại bên trong, quay lại với chính mình.

Không ít người đã lúng túng khi Krishnamurti đặt câu hỏi: “Ta có thấu hiểu chính ta không?”. Theo ông, vấn đề tự biết mình là vấn đề nhìn thấy. Nhìn mà không có sự phân chia manh mún, không có cái “tôi“.

Ông cho rằng: ”Ta không bao giờ có thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào trong số này nếu không thật sự hiểu được chính mình, bởi vì thế giới chính là ta; và nếu tôi hiểu bản thân thì sẽ có cuộc sống ở một chiều nhận thức hoàn toàn khác. Liệu mỗi người chúng ta có thể thấu hiểu chính mình, không chỉ ở cấp độ nông cạn của trí não mà còn phải thâm nhập vào các cấp độ sâu sắc của con người chúng ta?”

Krishnamurti cũng cho rằng, để giải quyết các xung đột ta phải thấu hiểu “Ta là thế giới và thế giới là ta”. Phải nhìn thấy thế giới là mỗi người chúng ta. Việc cảm nhận được điều đó, thật sự gắn kết với điều đó chứ không với bất kỳ điều gì khác, mang lại cảm giác có trách nhiệm lớn lao và một hành động không thể là sự phân chia manh mún, mà toàn vẹn.

Và như thường thấy trong các cuộc diễn thuyết của Krishnamurti, ông thường dẫn dắt để người đối thoại phải nhìn lại chính mình, tự vấn chính mình, tự tìm ra giải pháp cho mình trong mọi vấn đề.

Hãy nhìn sâu hơn nữa vào con người

Khi trí thông minh được đánh thức, khi con người nhìn sâu hơn nữa vào chính mình không bằng các khái niệm, qui định khuôn mẫu; không bằng sự chia cắt, xung đột; không bằng cái “tôi” kiêu ngạo; không bằng sự so sánh, đánh giá, phán xét… ta sẽ nhận ra nhiều điều bản chất sâu sắc hơn. Như  về các mối quan hệ giữa con người với con người. Về “trò xiếc đấu tranh của con người”. Về xung đột. Về thiện và ác. Về thời gian, không gian. Về nỗi sợ. Về sự sống và cái chết. Về thiền định.. Tất cả đều được Krishnamurti bàn luận cụ thể, thuyết phục nhưng cũng rất khách quan, tôn trọng người đối thoại, với những câu trao đổi, đại loại: “Đừng vội nghe tôi, hãy lắng nghe chính mình…”

Bạn đọc sách, và sẽ có cảm giác mình cũng đang được tham gia bàn luận, được dừng lại để suy nghĩ, chiêm nghiệm, để phản biện, để thắc mắc… và phần nào thỏa mãn với những kiến thức thâm sâu mà đầy tính thực tiễn từ cuốn sách.

Bạn sẽ bắt đầu suy nghĩ khi Krishnamurti đặt vấn đề “mối quan hệ là gì? Bởi vì cuộc sống của ta, cuộc sinh tồn của ta, được xây dựng trên mối quan hệ”; khi tác giả nói “khủng hoảng không nằm ở thế giới bên ngoài mà nằm trong chính ý thức. Và đến khi nào ta hiểu được cuộc khủng hoảng, không phải một cách nông cạn, hời hợt, không phải rập khuôn theo một triết gia nào, mà thật sự thấu hiểu một cách thâm sâu bằng cách nhìn vào và xem xét nó, ta mới có thể tạo ra một cuộc thay đổi”.

Chắc chắn sẽ còn nhiều cảm nhận khác nhau từ người đọc. Riêng tôi, bất chợt có một cảm xúc thật tích cực khi đọc những trang cuối của cuốn sách, với những câu chữ như thế này: “Nếu thân thể có nhận thức, thứ nhận thức không bị thúc ép, lúc đó nó sẽ trở nên cực kỳ nhạy cảm, giống như một công cụ cực tốt. Trái tim cũng vậy, nó không bao giờ bị tổn thương và cũng không bao giờ làm tổn thương người khác. Không gây tổn thương và không bị tổn thương, đó là sự hồn nhiên của trái tim. Một trí não không còn sợ hãi, không đòi hỏi khoái lạc - không phải trí não mà bạn không thể tận hưởng cái đẹp của cuộc sống… - có niềm vui lớn lao trong đó…”. Và “Trí thông minh đó tạo ra trật tự, tức là đức hạnh, một thứ đang sống động, không máy móc”.

Và với tôi, “Đánh thức trí thông minh” là một cuốn sách rất đáng để đọc.


Gửi bình luận
(0) Bình luận