Mình trước rồi mới đến người khác
Quan tâm đến sự tiến bộ của mình, quan tâm công ăn việc làm của mình, quan tâm gia đình nhỏ của mình, vươn lên địa vị tốt hơn, nhiều quyền uy hơn, thống trị nhiều người hơn... đó là điều phần đông chúng ta quan tâm – tôi trước hết, rồi mới đến mọi người khác.
Chúng ta quan tâm đến cái góc hẹp mà trong đó ta sống, không chỉ bên ngoài mà cả ở bên trong nữa. Ta quan tâm đến nó, nhưng ta không bao giờ tự thừa nhận điều đó một cách tử tế, trung thực. Bạn thấy rằng sống mà quá quan tâm đến bản thân là không thỏa mãn, mà làm việc giúp đỡ người khác thì mới khiến ta hài lòng hơn là chỉ nghĩ đến mình.
Nhưng rõ ràng nếu bạn tìm kiếm sự thỏa mãn trong việc giúp đỡ người khác thì bạn vẫn còn quan tâm chính mình, quan tâm những gì sẽ cho bạn một sự thỏa mãn lớn lao hơn. Tại sao nói cái này thì thỏa mãn còn cái kia thì không? Tại sao không nói: Tôi thật sự muốn được thỏa mãn, dù là trong tình dục, trong tự do hay việc giúp đỡ người khác, trong việc trở thành một bậc thánh nhân hay một chính khách, một kỹ sư, luật sư. Tất cả đều có cùng một tiến trình, thỏa mãn bằng nhiều cách, cả tinh vi và cụ thể, đó là điều ta muốn. Đa phần chúng ta đều mong muốn, khao khát, tìm kiếm, thèm muốn được thỏa mãn. Vậy, Thỏa mãn là gì?
Cái ăn làm bạn thỏa mãn. Bởi vì tôi đói, thật tốt khi loại bỏ được cảm giác bụng rỗng. Nâng lên thêm chút nữa, lên đến vấn đề tình dục. Vô cùng thỏa mãn, rõ ràng quá rồi. Kế đến, có một địa vị mà ở đó bạn có thể thống trị người khác, việc đó cũng rất thỏa mãn, không phải sao? Bạn cảm nhận mình có quyền lực, bạn cảm thấy mình ở địa vị có thể ra lệnh cho kẻ khác và thế là vô cùng thỏa mãn.
Tôi khao khát có cái ăn và tôi ăn. Nhưng phần đông chúng ta muốn có địa vị – như là kỹ sư tài giỏi nhất, luật sư danh tiếng nhất, hay chủ tịch của một hội đoàn nào đó, hoặc thế này thế nọ. Ngoài tiền bạc kiếm được từ đó, ngoài phần tiện nghi vật chất có được từ đó, tại sao có sự khát khao này? Bởi nếu bạn không có địa vị, bạn là kẻ vô danh tiểu tốt, không ai biết bạn là ai.
Vậy có phải ta sợ mình là người tầm thường và vì thế ta mới khát khao địa vị? Muốn được coi là một học giả lớn, một triết gia, một bậc thầy? Nếu bạn thấy mình đạt được địa vị đó, bạn sẽ vô cùng thỏa mãn – tên bạn được in trên báo, và người ta tìm đến bạn. Có phải vì thế mà ta làm tất cả những điều này không? Tức là ở nội tâm, ta chỉ là người bình thường, với phiền não, đau khổ, xung đột, đấu tranh trong gia đình, thất vọng, âu lo và sợ hãi không bao giờ dứt. Có được một địa vị bên ngoài xã hội, tôi được công nhận là một công dân cực kỳ đáng kính, điều đó khiến tôi vô cùng thỏa mãn. Mọi người đều muốn có địa vị. Có sự khát khao đó. Tại sao?
Vì sao bạn gây hấn?
Bạn có một sân đầy gà; bạn có bao giờ để ý thấy luôn có con gà này mổ con gà khác? Có trật tự của việc mổ đó. Có lẽ ta đã thừa kế điều này – thống trị, gây hấn, thù địch, tìm kiếm địa vị là một hình thức gây hấn, gây thù địch. Sợ hãi có thể là nguyên nhân của sự thù địch này, bởi vì xã hội được cấu tạo sao cho một công dân có địa vị đáng kính được đối xử cực kỳ nhã nhặn, trong khi một người không có địa vị thì bị đá đi. Phải chăng vì ta sợ làm người tầm thường? Hoặc ta sợ hãi vì nó đã trở thành một thói quen. Nếu chính nỗi sợ khiến ta hung hăng, gây hấn, thì đó là một lẽ. Nhưng có thể chính động năng của xã hội đã khiến bạn gây hấn.
Người ta đã làm một cuộc thí nghiệm, nhốt những con chuột, hàng ngàn con, trong một căn phòng rất nhỏ. Và khi ở đó, chúng mất hết ý niệm về sự cân xứng. Sắp sinh con, nhưng chuột mẹ cũng chẳng quan tâm, bởi vì áp lực của không gian, việc thiếu không gian, việc có quá nhiều chuột sống chung khiến chúng điên loạn. Giống như vậy, nếu người ta sống quá đông đúc trong một thành phố và không có đủ không gian, điều đó khiến ta cũng trở nên hết sức hung hăng, gây hấn, khiến ta trở nên bạo lực.
Động vật cần không gian để săn mồi, để kiếm ăn; chúng có chủ quyền lãnh thổ, như chim chóc. Chúng thiết lập lãnh thổ của chúng và chúng sẽ săn bất cứ con vật nào khác xâm nhập vào lãnh thổ đó. Vậy là chúng có chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền về tình dục – mọi loài động vật đều có những chủ quyền này. Chủ quyền về tình dục không quan trọng bằng chủ quyền về lãnh thổ.
Vậy, ta có lẽ gây hấn bởi vì không có đủ không gian quanh ta về mặt vật lý. Và đây có thể là một trong các lý do khiến ta gây hấn. Một gia đình sống trong một căn phòng nhỏ hẹp, hay một căn nhà chật chội với cả chục người sống trong đó, bạn sẽ nổ tung, trở nên giận dữ chẳng vì đâu. Thế nên, con người phải có không gian, và không đủ không gian vật lý có thể là một trong các nguyên nhân làm sinh ra gây hấn. Và con người cũng có thể gây hấn vì sợ hãi.
Sợ hãi hay gây hấn?
Vậy, phải chăng, hãy bảo đảm sự an toàn cơ thể cho tôi, rồi tôi sẽ không gây hấn nữa. Ở đây, bạn có thể có đôi chút an toàn nhưng nơi nào có chiến tranh, nơi đó không có sự an toàn; khi một trận động đất xảy ra, nó hủy diệt tất cả. Bạn hãy tự tìm hiểu điều này nơi chính mình, và khám phá xem liệu có phải sự hung hăng, gây hấn là sinh ra từ sợ hãi không, hay từ thực tế rằng bạn bị giam nhốt kín mít, cả bên ngoài lẫn bên trong?
Ở bên trong, bạn không có tự do – về mặt tri thức, bạn chỉ lặp lại những điều người khác đã nói. Những sáng chế kỹ thuật công nghệ, xã hội, cộng đồng, tất cả những điều đó được cảm nhận như một áp lực thường trực đè lên bạn, khiến bạn không đủ khả năng đối mặt, do đó bạn bùng nổ, bạn cảm thấy tuyệt vọng.
Vậy, bạn thuộc loại người nào? Nếu bạn thuộc loại người sợ hãi, và do đó, bạn hung hăng gây hấn, thì bạn xử lý sự sợ hãi như thế nào? Và nếu bạn thoát khỏi nỗi sợ, phải chăng bạn sẽ đánh mất niềm vui thú do sự hung hăng, gây hấn đem lại? Và vì biết rằng bạn sẽ đánh mất niềm vui gây hấn, nên bạn không bận tâm đến nỗi sợ nữa. Sợ hãi vốn không đem lại niềm vui thú và sự hung hăng gây hấn lại vui thú hơn nhiều. Do đó, tôi không bận tâm việc mình sợ hãi chút ít, bởi vì thái độ hung hăng gây hấn cùng với niềm vui thú của nó đã cân bằng nỗi sợ.
Bạn có thể thích gây hấn hơn, nhưng đồng thời cũng sợ hãi. Vậy, bạn thật sự không bận tâm mình sợ hãi hay gây hấn.
Kỳ tới: Có thể sống không sợ hãi không?