Trước hết, để nghiên cứu vấn đề này, ta không nỗ lực giải quyết nó như một nỗi sợ mang tính tập thể, ta cũng không thảo luận về nó như một hình thức trị liệu nhóm để loại bỏ nỗi sợ. Mà ta sẽ tìm hiểu xem sợ hãi là gì, bản chất và cấu trúc của nó; liệu nỗi sợ hãi sâu thẳm nơi gốc rễ con người chúng ta có thể được thấu hiểu không; và liệu trí não có bao giờ thoát được nỗi sợ không. Bạn tiếp cận vấn đề này như thế nào? Bạn có bất kỳ nỗi sợ nào về thể lý hay tâm lý không? Nếu bạn có những nỗi sợ hãi về tâm lý – thì bạn đối phó với chúng bằng cách nào?
Giả sử tôi sợ sẽ đánh mất địa vị, uy thế: Tôi phụ thuộc vào cử tọa, vào các bạn, để ủng hộ tôi, tôi phụ thuộc vào các bạn để có được sinh khí bằng cách nói chuyện. Tôi sợ rằng khi già đi, tôi sẽ trở nên suy yếu. Tôi sẽ phải đối mặt với hư không và tôi sợ. Nỗi sợ hãi này là gì? Hoặc tôi sợ rằng tôi phụ thuộc vào bạn và sự phụ thuộc đó khiến tôi bám lấy bạn, thế là tôi sợ mất bạn.
Hoặc tôi sợ vì tôi đã làm điều gì đó trong quá khứ khiến tôi ân hận hay xấu hổ, và tôi không muốn bạn biết; vì thế, tôi sợ bạn biết và tôi cảm thấy tội lỗi. Hoặc tôi cảm thấy cực kỳ âu lo về cái chết, về cuộc sống, về những gì người ta nói hay không nói, về cách họ nhìn tôi. Tôi có một linh tính sâu xa, một nỗi âu lo, một cảm giác thấp kém. Và trong nỗi âu lo về cái chết, khi sống một cuộc đời vô nghĩa, tôi tìm kiếm sự bảo đảm từ ai đó thông qua mối quan hệ con người với nhau. Hoặc ngoài nỗi âu lo của mình, tôi còn tìm kiếm cảm giác an toàn trong một niềm tin nào đó, trong một ý thức hệ nào đó, nơi Thượng đế, vân vân.
Tôi cũng sợ rằng mình sẽ không làm được mọi thứ tôi muốn làm trong cuộc đời này. Tôi không có năng lực cũng như trí thông minh, nhưng tôi lại có tham vọng to lớn để thực hiện điều gì đó; thế nên điều đó cũng khiến tôi sợ. Và tất nhiên, tôi sợ chết; và tôi sợ sống có độc, không được yêu thương, thế nên tôi thiết lập một mối quan hệ với ai khác, trong đó, sự sợ hãi này, nỗi âu lo này, cảm giác cô độc này, sự chia ly này không tồn tại. Tôi cũng sợ bóng tối, sợ đi thang máy – vô số nỗi sợ kích thích thần kinh!
Nỗi sợ hãi này là gì? Tại sao bạn, tại sao bất kỳ ai đó, lại sợ hãi? Phải chăng nỗi sợ dựa trên việc không muốn bị tổn thương? Hoặc phải chăng vì ta muốn được an toàn tuyệt đối, và vì không thể tìm thấy sự an toàn đó – cái cảm giác tuyệt đối chắc chắn, được chở che về thể lý, cảm xúc, tâm lý – nên ta trở nên âu lo khủng khiếp về cuộc sống? Vậy là có cảm giác bất an này. Tại sao có sự sợ hãi?
Một trong những vấn đề chính yếu của ta là sự sợ hãi, dù ta có nhận thức được nó hay không, dù ta lẩn tránh hay cố gắng khuất phục nó, cố gắng chống cự lại nó, trở nên can đảm hơn, thì nỗi sợ hãi vẫn còn đó. Tôi tự hỏi mình và tôi cũng hỏi bạn, có phải trí não mong manh, nhạy cảm đến mức từ thuở nhỏ, nó đã không muốn bị tổn thương. Và vì không muốn bị tổn thương, ta xây dựng một bức tường.
Ta rất nhút nhát, hoặc hung hăng; trước khi bạn tấn công, tôi đã sẵn sàng tấn công bạn bằng lời nói hoặc bằng tư tưởng. Tôi đã bị tổn thương quá nhiều trong cuộc sống của mình, mọi người đều làm tổn thương tôi, mọi người đều giẫm lên chân tôi và tôi thì không muốn bị tổn thương. Phải chăng đó là một trong những lý do khiến sợ hãi tồn tại?
Bạn đã bị tổn thương, phải không? Và vì sự tổn thương đó, bạn làm mọi thứ. Ta kháng cự dữ dội; ta không muốn bị xáo trộn; từ cảm giác tổn thương đó, ta bám vào thứ mà ta hy vọng sẽ che chở mình. Do đó, ta trở nên hung hăng, chống lại bất cứ điều gì tấn công thứ mà ta bám lấy để được che chở.
Với tư cách là một người đang ngồi ở đây, muốn giải quyết vấn đề sợ hãi này, bạn đang sợ điều gì? Đó có phải là nỗi sợ về thể lý – sợ cái đau thân thể? Hay nỗi sợ tâm lý, tức sợ bị hiểm nguy, sợ bất an, sợ lại bị tổn thương? Hay sợ không thể tìm thấy một sự an toàn trọn vẹn, tuyệt đối? Có phải đó là nỗi sợ bị thống trị, nhưng ta đang bị thống trị đấy thôi? Vậy, bạn sợ điều gì? Bạn có nhận thức được nỗi sợ của mình không?
Theo Đánh thức trí thông minh của tác giả J.Krishnamurti