Ngay từ lúc bước chân vào nhà trường, bằng những tác nhân hữu hình hay vô hình, những đứa trẻ đã “được học” về những nỗi sợ hãi: sợ không bằng bạn bè, sợ thầy cô trách phạt, sợ cha mẹ so sánh với những đứa trẻ khác… Nỗi sợ ngày càng lớn dần và nó trở thành thói quen, triệt tiêu mọi sự sáng tạo.
Vẫn nằm trong mạch cảm xúc về đề tài giáo dục, nhưng lần này, “Cuộc đời phía trước’’ của J. Krishnamurti cho ta góc nhìn hoàn toàn mới mẻ và cách tiếp cận trực diện về việc dạy và học.
Nhiệm vụ của giáo dục là giúp cá nhân thoát khỏi sợ hãi
Tinh thần chủ đạo mà J. Krishnamurti muốn gửi gắm đến bạn đọc là hãy nhìn sâu vào bản chất của giáo dục để biết đâu là những vấn đề gốc rễ mà giáo dục cần phải giải quyết. Và từ đây, ông đã đưa ra mệnh đề giống như một “tuyên ngôn” về sứ mệnh của giáo dục: Giải thoát các em khỏi sợ hãi, chứ không chỉ chuẩn bị để các em thi cử. Sâu tận trong cốt tủy, đó phải là mục đích sống còn của giáo dục và của mọi người thầy. Vì thế, thầy cô và cha mẹ phải cùng nhau hợp sức giải quyết nỗi sợ hãi này.
Với những kiến giải sâu sắc và trực diện, J. Krishnamurti đã đặt ra khái niệm “sợ hãi” trong giáo dục và xem đó chính là sợi dây trói buộc, ngăn cản sự sáng tạo của cả học sinh và người thầy.
Đặc biệt, tác giả đã “điểm mặt” những hệ quả của nỗi sợ hãi mà đôi khi, chính chúng ta cũng không nhận ra được: bắt chước sống theo, nói theo người khác; không dám xem xét, hỏi han, khám phá; ngại truy vấn để tìm ra sự thật. Ngay trong thái độ kính trọng một ai đó cũng có cả yếu tố sợ hãi. Tham vọng vượt lên trên người khác cũng là một dạng của sợ hãi, “bởi vì họ sợ cái mà họ đang là, sợ mình chính là mình” Krishnamurti giải thích.
Chính những cảm xúc tiêu cực này đã đi theo những đứa trẻ cho đến lúc chúng trưởng thành, và lúc bấy giờ, những nỗi sợ khi xưa chuyển mình, trở thành những nỗi sợ to lớn hơn: sợ thất bại, sợ không hoàn hảo, sợ bị cô lập…
Từ đây J. Krishnamurti đề xuất “Ngay từ đầu học sinh phải được hướng dẫn để nhìn cuộc sống như một cái toàn thể, với tất cả những vấn đề về tâm lý, tri thức và cảm xúc, thì các em sẽ không còn khiếp sợ cuộc đời nữa.”
Đặc biệt ông đã đi sâu vào biểu đạt khái niệm trí não tiềm ẩn. Đó chính là cái phần tâm trí ẩn giấu bên trong chứ không phải cái phần cạn cợt trên bề mặt. Khi phát huy được cái phần bên trong quan trọng này thì trí não mới đủ sức giải quyết nhiều vấn đề của cuộc sống, nhất là dám đối mặt với nỗi sợ hãi và không khuất phục trước nó.
Về phía nhà trường và gia đình, Krishnamurti đã có những quan điểm rất thẳng thắn. Theo ông, phụ huynh lẫn nhà giáo phải học nghệ thuật cộng tác và tuyệt đối không đối đầu nhau. Phụ huynh cần phải thấu hiểu ý nghĩa của đường lối mà nhà trường hoạch định cho giáo dục. Về phía người thầy, đòi hỏi không chỉ khả năng về mặt tri thức, mà còn phải có lòng nhẫn nại và tình thương yêu vô hạn. Riêng người thầy phải thấy được nhiệm vụ của giáo dục là giúp cá nhân thoát khỏi sợ hãi, sao cho cá nhân có thể trở nên trí tuệ. Nó đồng nghĩa với việc tự thân người thầy phải thực sự thoát khỏi sợ hãi.
Bằng những mẫu trao đổi dạng hỏi đáp, tác giả đã chia sẻ với các bạn trẻ những đề tài hết sức bổ ích, thú vị. Trước hết, trong học tập, muốn vượt qua nỗi sợ hãi phải tăng cường việc truy vấn và học hỏi. Học ở đây không phải là nhồi nhét kiến thức mà chính là đáp ứng nhu cầu thấu hiểu. Thế nhưng, muốn truy vấn thì phải biết lắng nghe, nếu không sẽ trở thành người sốc nổi. Độc lập trong suy nghĩ nhưng phải chấp nhận sự đa dạng và tính khác biệt. Kiên định nhưng không cố chấp…
Sự bàn luận không chỉ dừng lại ở Giáo dục
Krishnamurti cũng không ngần ngại trao đổi với các bạn trẻ những vấn đề của người trưởng thành như: Phải chấp nhận cô đơn, nỗi buồn và cái chết để từ đó thấu hiểu chúng bằng chính hành động khám phá. Nói về tình yêu, J. Krishnamurti cũng có cái nhìn khá tươi mới. Theo ông, ở đâu có sợ hãi thì ở đó không có tình yêu. Tình yêu giống như một chất xúc tác giúp thanh tẩy mọi tội lỗi khỏi trí não. Kiến thức mà không có tình yêu thì sẽ trở thành phương tiện hủy diệt, hay nói như Krishnamurti, “một trí não săn đuổi kiến thức mà không tình yêu là một trí não cư xử tàn nhẫn”. Bởi tình yêu sẽ mang đến sự tinh tế, nuôi dưỡng những đam mê, khát vọng.
Ngoài ra những câu hỏi của các bạn trẻ đặt ra như: Tình yêu là gì? Xã hội là gì? Tôn giáo là gì? Hạnh phúc là gì? Đau khổ là gì?... đều được ông giải đáp một cách sâu sắc và dễ hiểu.
Đối với những ai yêu thích thiền định, tác giả đã dành hẳn phần phụ lục để luận bàn về bản chất thực sự của thiền. Theo ông, thiền không nhằm mục đích đạt chứng điều gì mà chủ yếu là nuôi dưỡng tính hồn nhiên và mẫn cảm của tâm trí. Thiền không mong cầu một đích đến hay sự chứng đắc mà nó tựa như cả một đại dương - không có điểm đầu, điểm kết, cũng chẳng bao giờ cạn. Thiền là thoát khỏi tư tưởng, thoát khỏi niệm tưởng và sống động trong cảnh giới cực lạc của chân lý.
“Cuộc đời phía trước” chứa đựng những thông điệp tích cực mà J. Krishnamurti muốn trao gửi đến thế hệ trẻ. Nó gói gọn trong tâm niệm: Nếu các em còn sợ hãi, các em không bao giờ có thể tự do. Chính các em phải là những người tạo ra một thế giới mới, một thế giới mà trong đó, tất cả chúng ta sẽ chung sống hạnh phúc với nhau, với điều kiện các em được giáo dục một cách đúng đắn.
“Cuộc đời phía trước” là ấn phẩm hết sức ý nghĩa dành cho những bạn trẻ chuẩn bị vào đời. Đồng thời, nó cũng đặt ra cho những người làm giáo dục, các bậc phụ huynh nhiều điều đáng suy ngẫm khi chúng ta đang hướng đến một nền giáo dục khai phóng và nhân bản.