"Đó là một lời nhắc nhở hữu ích để chúng ta thấy cần phải kiểm soát bản thân, phải mạnh mẽ và kiên định. Nó ủng hộ logic thay vì sự bốc đồng; nó không bàn tới những lý thuyết phức tạp về thế giới mà chỉ tập trung vào việc vượt qua những cảm xúc tiêu cực. Nó khuyến khích chúng ta chỉ lo lắng về những gì cần lo lắng, chứ không phải về những giả định “nếu như” và những điều vượt tầm kiểm soát.”
Đó là chia sẻ của tác giả Susan Kahn trong cuốn sách Sức bật tinh thần, với mong muốn giúp bạn có thể luôn đứng dậy nếu biết cách đối mặt và tự tin vượt qua được nỗi sợ thất bại, phát triển sức bật tinh thần và năng lực đương đầu với khó khăn, mất mát và sự thay đổi.
Để nói đầy đủ chi tiết hơn về chủ đề này, cuốn sách Chủ nghĩa khắc kỷ tác giả Donald Robertson, một nhà tâm lý trị liệu, một tác giả sách nổi bật trong lĩnh vực này từng chia sẻ về cuốn sách của chính mình:
"Cuốn sách này được viết dưới dạng sách tự học (Teach Yourself). Tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng khi bỏ qua nhiều trích dẫn, nhằm biến nó thành một cuốn sách dễ đọc và có tính ứng dụng cao. Cuốn sách này viết về chủ nghĩa Khắc kỷ, một trường phái triết học được đề xướng bởi Zeno xứ Citium tại Athen vào khoảng năm 301 trước Công nguyên. Chủ nghĩa Khắc kỷ tồn tại như một trào lưu triết học hoạt động mạnh mẽ trong suốt gần năm trăm năm và mới phục hồi tiếng tăm của nó trong vài thập niên qua.
Tuy nhiên, đây cũng là một cuốn cẩm nang, hy vọng hướng dẫn được cho bạn những cách thức mà chủ nghĩa Khắc kỷ đã đưa ra, hoặc chí ít là đóng góp vào “triết lý sự sống” cho thế giới hiện đại – một nghệ thuật sống Hạnh Phúc gồm cả lý trí và sức khỏe. (Cuốn sách này không giống với những cuốn sách khác cùng chủ đề vì nó theo thể loại tự học, chia nội dung thành các phần dễ học, thiết kế theo cách hỗ trợ người học và lặp lại các thông tin quan trọng nhằm mục đích dễ ghi nhớ hơn.)
Nếu bạn hỏi các triết gia hiện đại “ý nghĩa cuộc sống là gì?”, đa số họ có thể chỉ nhún vai và nói rằng đó là một câu hỏi không có câu trả lời. Tuy nhiên, từ xưa, mỗi trường phái triết học chủ chốt của triết học cổ đại đều đã đưa ra những câu trả lời mang tính cạnh tranh cho câu hỏi đó. Tóm lại, người theo thuyết Khắc kỷ cho rằng mục tiêu (telos, “kết cục”, hay “mục đích”) của cuộc sống là sống một cách nhất quán trong sự hài hòa và hòa hợp với Tự nhiên, và nêu bật bản tính của chúng ta – những thực thể có lý trí và có tính xã hội.
Điều này cũng được mô tả là “sống theo đức hạnh” (aretê), dù rằng bạn sẽ thấy tốt nhất nên hiểu từ này với ý nghĩa ưu tú, trong một hàm nghĩa rộng hơn so với ý nghĩa thông thường của từ “đức hạnh” – điều này tôi sẽ giải thích sau. Nó cũng đồng nghĩa với sống khôn ngoan.
Từ “khắc kỷ” (stoic) (không viết hoa) ngày nay vẫn được sử dụng với ý nghĩa là bình tĩnh, tự chủ khi đối diện với khó khăn. Đáng ngạc nhiên là tính từ “philosophical” (có nghĩa là tính triết học, cũng có nghĩa là bình thản, tự tại) ít nhiều cũng bao hàm ý nghĩa tương tự, chẳng hạn như: “Anh ấy mắc bệnh nặng nhưng vẫn bình thản trước những biến cố”. Từ điển Anh ngữ Oxford có những định nghĩa khá tương đồng sau đây:
Philosophical. tt. Bình thản, tự tại trước nghịch cảnh
Stoical. tt. Bình tĩnh hoặc tỏ ra cực kỳ tự chủ trước nghịch cảnh
Ngạc nhiên chưa? Cứ như thể khi thật sự sống một cách triết học (bình thản, tự tại) hơn là chỉ nói về triết học, thì hai từ này gần như là đồng nghĩa. Bạn có thể nói chủ nghĩa Khắc kỷ là tinh hoa của tư tưởng “triết học như là một cách sống” (của phương Tây).
Tuy nhiên, đối với những người không theo học thuyết nào, thuật ngữ “khắc kỷ” cũng có nghĩa là “vô cảm” hoặc “khô khan”, với ý nghĩa thô là kìm nén cảm xúc. Tuy nhiên, đó chắc chắn không phải là nghĩa gốc của từ này. Nói cách khác, đó không phải là ý nghĩa của chủ nghĩa Khắc kỷ (viết hoa). Do vậy, những người coi khắc kỷ (tính cách) và chủ nghĩa Khắc kỷ (một trường phái triết học Hy Lạp) là một vốn đã có nhiều nhầm lẫn.
Như chúng ta sẽ thấy, triết học Khắc kỷ, giống như hầu hết các triết lý phương Tây khác, thừa nhận mục tiêu cuộc sống là Hạnh Phúc (eudaimonia).
Những người theo thuyết Khắc kỷ tin rằng điều này đồng nghĩa với yêu bản thân một cách có lý trí và thái độ thân thiện, yêu mến người khác – đôi khi được mô tả là “lòng bác ái” Khắc kỷ, hoặc tình yêu nhân loại. Như vị Hoàng đế theo chủ nghĩa Khắc kỷ Marcus Aurelius viết trong nhật ký của mình, liên tục nhắc nhở bản thân hãy “yêu nhân loại tự đáy lòng” trong khi hoan hỉ làm điều thiện cho người khác và coi đức hạnh là phần thưởng (Meditations, 7. 13)."