Đầu tiên, bạn cần phải biết cuộc sống của mình được định nghĩa như thế nào. Hẳn sẽ có người bảo rằng cuộc sống lý tưởng là khi chúng ta đạt được những thứ mình muốn. Rằng nếu ta muốn một chiếc xe hơi, một bộ đồ mới, một chuyến nghỉ dưỡng dài ngày ở nước ngoài, hoặc bất cứ thứ gì khác như sự thành đạt hay danh vọng - nếu ta đạt được chúng thì sẽ hoàn toàn hạnh phúc, bằng không ta liền thấy bất hạnh. Đây dường như là mong ước của phần lớn chúng ta, cả người giàu lẫn người nghèo. Nhìn chung, ai cũng đều mong muốn một trạng thái hạnh phúc, bình an nào đấy. Chẳng hạn như một nơi nương náu bình yên giữa thế gian huyên náo, đầy rẫy những cuộc chiến tranh, bất hòa, xung đột.
Thế nhưng, phần lớn thứ mà chúng ta tìm được là sự thỏa mãn chứ không phải hạnh phúc thật sự. Theo Krishnamurti, chúng ta đọc vô số sách vở, tham dự vô số hội nghị, góp mặt vào những cuộc thảo luận, trở thành thành viên của các tổ chức khác nhau hòng tìm thấy một phương cách hóa giải những xung đột, đau khổ trong cuộc sống của mình. Hoặc nếu không làm tất cả những điều đó, có lẽ chúng ta cho rằng mình đã tìm ra câu trả lời ở một tổ chức đặc biệt, một người thầy đặc biệt, một quyển sách đặc biệt nào đó, chúng ta đã thỏa mãn và tìm thấy điều mình muốn, rồi chúng ta khép kín lòng mình và mắc kẹt lại luôn trong đó.
Trong cuốn sách “Bạn đang nghịch gì với đời mình”, Krishnamurti suy ngẫm: “Chúng ta không ngừng tìm kiếm, nhưng lại chưa từng tự hỏi lý do ta làm vậy. Hiển nhiên là vì chúng ta luôn không thỏa mãn, không hạnh phúc, không vừa lòng; chúng ta cô đơn, lẻ loi, và đầy sợ hãi. Thế nên chúng ta cần thứ gì đó để bám víu và ai đó có thể che chở cho mình – có thể là cha mẹ ta hay những người khác – cứ thế chúng ta mải miết kiếm tìm.”
Trong khi đó, nếu một người có đời sống phong phú thì họ sẽ không thấy rối loạn, sẽ nhìn nhận mọi thứ như chúng là, và bằng lòng với những gì mình có. Vì đã thông suốt nên người ấy cũng không băn khoăn về mục đích của cuộc sống. Với họ, chính sự sống là khởi đầu và cũng là kết thúc.
Vậy nên, điều quan trọng là chúng ta phải làm cho cuộc sống của mình thêm phong phú, không phải với tiền bạc hay những thứ tương tự, mà với sự giàu có của tâm hồn. Bởi lẽ, nếu đi tìm sự bình an, người ta có thể thấy nó dễ dàng khi dâng hiến bản thân một cách mù quáng cho một mục đích hay ý hướng nào đó và trú ngụ luôn ở đó. Nhưng cô lập chính mình trong một ốc đảo khép kín chẳng thể giúp giải quyết sự xung đột. Chỉ khi chúng ta hiểu điều mình mong muốn từ trong ra ngoài thì vấn đề mới được giải quyết.
Như Krishnamurti đã đúc kết: “Ta đánh mất hạnh phúc là do ta khát khao tìm kiếm hạnh phúc vĩnh cửu. Nếu tâm trí không còn bị ràng buộc bởi cái tôi nữa thì ta sẽ cảm nhận được một niềm hạnh phúc kéo dài từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Niềm hạnh phúc ấy tự nó xuất hiện mà không viện đến sự tìm cầu của bạn; nó cũng không thể được gom góp, tích trữ, dành dụm, và cũng chẳng phải là điều mà ta có thể nắm giữ”.