Trong cuốn sách “Bạn đang nghịch gì với đời mình”, Krishnamurti nói: “Dường như trong ai cũng chất chứa thật nhiều nỗi khổ vì mất đi người thân, vì không thể thực hiện tham vọng, vì không thỏa được ham muốn, vì đau đớn thể xác, âu lo tâm lý, vì mặc cảm tội lỗi, vì hy vọng rồi thất vọng. Chúng ta cố gắng tránh né, trốn chạy khỏi nỗi buồn hoặc đàn áp nó với ảo tưởng lớn lao về mình, hoặc là ta uống rượu, tìm đến người tình… để đối phó hoặc để quên đi cảm giác lo âu, khổ sở, tuyệt vọng, cô đơn và chán nản ấy”.
Đó là lý do vì sao con người dẫu đã tồn tại hơn hai triệu năm nhưng chưa từng nguôi đau buồn. Những nỗi muộn phiền chồng chất theo ta như hình với bóng.
Nếu một người nào đó có đời sống phong phú họ sẽ không thấy rối loạn, sẽ nhìn nhận mọi thứ như chúng là, và bằng lòng với những gì mình có. Vì đã thông suốt nên người ấy cũng không băn khoăn về mục đích của cuộc sống mà với họ, chính sự sống là khởi đầu và cũng là kết thúc. Nhưng để đạt được sự thấu suốt ấy hẳn không dễ dàng, nhất là khi tâm trí của ta là kết quả của hoàn cảnh sống và truyền thống qua hàng thế kỷ; của cái gọi là nền văn hóa, kinh tế và môi trường; của những ý tưởng hay giáo điều hằn sâu trong xã hội…
Theo Krishnamurti, chúng ta không phải là những cá nhân riêng lẻ mà là kết quả của cuộc chiến giữa toàn nhân loại và sự ảo tưởng, những thú vui và ham muốn, thói ngờ nghệch, sự xung đột và mâu thuẫn, nỗi khốn khổ,... Và chúng ta đã được thuyết phục để tin vào những quan điểm sẵn có từ thời ấu thơ. Chúng ta cũng bị ràng buộc vào các giáo điều, các tín ngưỡng cũng như các giả định. Mỗi người đều chịu ảnh hưởng và bị giới hạn trong vô thức theo nhiều cách, từ đó tư tưởng ta phát triển theo nhiều lối khác nhau.
Chính sự ràng buộc ấy đã dẫn tâm trí con người đến những muộn phiền không dứt, như Krishnamurti đã suy ngẫm: “Cái chết đâu chỉ đến khi sự sống kết thúc, nó còn đến khi chúng ta mãi không có được một câu trả lời thỏa đáng, mãi không tìm ra một lối thoát cho mình. Sự cô đơn này cũng là một dạng thức của cái chết vậy; nó là chốn ngục tù của những hoạt động lấy mình làm trung tâm liên tu bất tận. Khi bạn vướng kẹt trong những ý nghĩ riêng mình, trong nỗi khổ riêng mình, trong sự mê muội, trong sự khinh suất và trong chuỗi thói quen bất di bất dịch thường nhật; sự giam hãm đó cũng là cái chết, đâu phải chỉ khi thân xác bạn trút hơi thở cuối cùng”.
Vậy làm sao để chúng ta có thể thoát ra khỏi những ràng buộc ấy?
Theo Krishnamurti, cách đơn giản nhất là chỉ nhìn vào đời sống mà không hề nghĩ ngợi gì. Bạn có thể làm như vậy không? Không nghĩ ngợi không có nghĩa là bạn để tâm trí mình trống rỗng mà là nhìn vào cuộc sống một cách đơn thuần, không để cái tôi can dự vào. Như Krishnamurti đã đúc kết: “Nếu tâm trí không còn bị ràng buộc bởi cái tôi nữa thì ta sẽ cảm nhận được một niềm hạnh phúc kéo dài từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Niềm hạnh phúc ấy tự nó xuất hiện mà không viện đến sự tìm cầu của bạn; nó cũng không thể được gom góp, tích trữ, dành dụm, và cũng chẳng phải là điều mà ta có thể nắm giữ”.