Bây giờ hãy lùi lại một chút, bạn có thấy khi còn bé chúng ta luôn dễ dàng vui vẻ trước mọi thứ không? Lúc ấy, chỉ cần một viên kẹo nhỏ, một chiếc áo mới, hay chỉ đơn giản là một nụ cười, một cái ôm của những người thân yêu cũng khiến cõi lòng chúng ta ngập tràn vui vẻ. Theo thời gian, chúng ta lớn lên với biết bao kỳ vọng và trách nhiệm. Chúng ta được đẩy ra ngoài xã hội với cái mác “người trưởng thành”. Nhưng lúc này, nhiều thứ trong cuộc sống dần mất đi ý nghĩa và tâm trí ta trở nên sáo mòn, vô cảm hơn từng ngày.
Một vài người cố gắng tìm đến sự tận hưởng bằng cách ép mình ngắm những bức tranh, đọc một vài quyển sách và cố gắng tìm trong đó những ý nghĩa sâu xa, những lời hay ý đẹp đáng lưu tâm. Số khác thì tìm kiếm niềm vui từ những sự công nhận, từ địa vị, uy quyền. Tuy nhiên, chẳng có thứ gì trong đó giúp tìm thấy niềm vui đích thực. Ngày qua ngày, chúng ta cứ xoay vòng trong guồng quay mệt nhoài ấy và cho rằng cuộc sống luôn khó khăn, phức tạp như vậy
Nhưng rốt cuộc là cuộc sống khó khăn hay chính bạn làm cho cuộc sống của mình trở nên khó khăn?
Krishnamurti - một trong những triết gia, nhà tư tưởng vĩ đại nhất thế giới - cho rằng không phải cuộc sống mà chính những phản ứng của ta trước những gì xảy ra mới là nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Như khi bạn nhìn thấy một thứ vô cùng xinh đẹp, bạn liền muốn chiếm hữu và giữ chặt lấy nó. Bạn muốn gọi đó là cái cây của tôi, con chim của tôi, căn nhà của tôi, chồng tôi, vợ tôi. Nhưng chính vì ham muốn đó mà niềm vui thích biến mất cùng lúc với sự nảy sinh tính lệ thuộc, nỗi lo sợ, nhu cầu phòng vệ; và rồi, cảm nhận thuần túy về vẻ đẹp bỗng chốc tiêu tan, bạn cảm thấy cuộc sống ngày càng trở nên ngột ngạt.
Và khi ham muốn này không còn đủ thỏa mãn, chúng ta đi tìm một điều khác thay thế. Chúng ta không ngừng thay đổi từ đối tượng ham muốn này sang đối tượng ham muốn khác mà ta nhận thấy là to lớn hơn, cao quý hơn, tinh tế hơn, nhưng tinh tế đến đâu đi chăng nữa thì ham muốn vẫn cứ là ham muốn. Chỉ khi nào thoát khỏi sự ràng buộc đó, người ta mới đạt được trạng thái hạnh phúc ngây ngất, mới biết được niềm vui đích thực và thôi khổ đau, thôi rạn vỡ.
Vậy ra, không phải việc trưởng thành làm hao mòn đi niềm vui của con người đối với cuộc sống mà chính vì tâm trí tham lam của chúng ta đã làm cho niềm vui ngày càng trở nên khó tìm. Tuy nhiên, điều nên làm không phải là triệt tiêu hay đàn áp ham muốn của mình, thay vào đó, bạn cần phải học cách thấu hiểu ham muốn cũng như tâm trí của mình một cách trọn vẹn. Krishnamurti cho rằng nếu tâm trí chúng ta có thể nhận biết, đồng thời đừng khước từ, kén chọn, hay kết tội toàn bộ chuỗi cảm xúc ham muốn, thì tâm trí sẽ trở nên vô cùng tĩnh lặng. Khi đó, các ham muốn xảy đến với ta nhưng không tác động và cũng chẳng có ý nghĩa gì quan trọng. Vì không còn bén rễ trong tâm trí ta, các vấn đề cũng ngừng hiện hữu.
Trong cuốn sách “Bạn đang nghịch gì với đời mình”, Krishnamurti suy ngẫm: “Ta đánh mất hạnh phúc là do ta khát khao tìm kiếm hạnh phúc vĩnh cửu. Nếu tâm trí không còn bị ràng buộc bởi cái tôi nữa thì ta sẽ cảm nhận được một niềm hạnh phúc kéo dài từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Niềm hạnh phúc ấy tự nó xuất hiện mà không viện đến sự tìm cầu của bạn; nó cũng không thể được gom góp, tích trữ, dành dụm, và cũng chẳng phải là điều mà ta có thể nắm giữ”.