Bạn có đồng ý không, rằng khi mới chào đời, chúng ta chẳng có gì trong tay. Khi ấy, chúng ta chỉ vô tư hít lấy bầu không khí thanh sạch của cuộc đời, chẳng có ước vọng hay mong cầu gì. Nhưng rồi khi lớn lên, gia đình và xã hội đã tác động lên chúng ta với bao kỳ vọng lẫn trách nhiệm. Những thứ ấy làm tâm trí chúng ta trở nên mệt nhoài. Và những ước vọng, mong cầu của cái tôi cũng góp phần khiến tâm trí chúng ta ngày càng nặng nề.
Chúng ta tự đem bản thân đi so sánh với người khác, và rồi mặc cảm, tự ti vì thấy mình không bằng họ. Thế là chúng ta phấn đấu để trở thành một hình mẫu nào đó tốt đẹp hơn, đủ đầy hơn. Khát vọng tiến về phía trước chẳng có gì là sai cả, nhưng nếu cứ trông đợi vào một hình mẫu nào đó, chẳng mấy chốc chúng ta sẽ để những dục vọng, mong cầu ấy dẫn dắt và lạc lối.
Như đại đức Thích Đồng Tâm đã viết trong cuốn sách “Tịch tịnh”: “Cuối cùng người cũng sẽ nhận ra một sự thật vượt lên trên tất cả, đó là ta không thể nào đạt được một cái gì hết. Không có bất cứ thứ gì có thể chứng đạt và nắm giữ trong vũ trụ này. Chúng ta đi loanh quanh trải nghiệm, tìm kiếm, khổ đau rồi nhận ra sự thật, buông bỏ rồi lại trở về với sự thấy biết sáng tỏ của mình, về với bản chất thực tại, với nguồn trí tuệ sáng chói có sẵn nơi ta. Ai thấy ra sớm thì sớm kết thúc khổ đau, ai chưa thấy thì tiếp tục trải nghiệm khổ đau để thấy! Nguồn trí tuệ ở mỗi người vốn dĩ là bản thể trong vắt, vắng lặng, tịch tịnh, không có gì có thể phá vỡ hay làm thương tổn”.
Nếu chưa hiểu và yêu thương được mình thì ta sẽ khó mà hiểu và yêu thương ai được trọn vẹn. Nhưng điều này vốn không dễ. Bởi lẽ chấp nhận sự khác biệt từ người khác đã khó, chấp nhận được bản thân mình như "nó đang là" càng khó hơn. Do vậy mà đại đức Thích Đồng Tâm cho rằng chúng ta không cần cố gắng thay đổi để trở thành một điều gì khác, chỉ cần nhận ra quá trình thay đổi tự nhiên đang diễn ra thế nào trong thân tâm mình là đủ.
Trong “Sát na này là thiên thu”, Thích Đồng Tâm viết: “Mong cầu, ước vọng những thứ ngoài tầm với là ngọn nguồn của mọi đau khổ, trầm luân, tuyệt vọng. Bớt một chút mong cầu, đời bỗng hóa nhẹ tênh, bớt một chút hờn ghen, đường đời bỗng thênh thang rộng lớn”.
Một đời người không quá dài nhưng cũng chẳng ngắn. Nhưng thường chúng ta chỉ xoay quanh bản thân mình giữa cái được và cái mất. Nếu bỏ lại hết những chức vụ, danh vọng, tài năng, học thức hay nhãn nhiều thì chúng ta thực sự chẳng còn gì. Người có ít mong cầu thì ít đau khổ, ít hy vọng thì ít ưu tư, người chẳng muốn thay đổi thế sự nhân gian thì đời người sẽ không gặp nhiều cam go, phiền lụy. Trên đời này, không phải cứ “có được” mới hạnh phúc. Hạnh phúc đích thực chính là dù có hay không vẫn có thể an nhiên, tự tại với chính mình.
“Cái gì hướng vào trong, kết tụ thì cô đặc và vững chãi, lâu bền, cái gì hướng ra bên ngoài thì không an tịnh, giãn nở, tán loạn và bấp bênh. Hành trình của hạnh phúc và bình an cũng thế! Đó là hành trình trở về, hướng nội và đi tới tận cùng cốt lõi của tâm để tìm ra đâu là bản chất của sinh diệt, đâu mới là hạnh phúc chân thực của mình” - đại đức Thích Đồng Tâm đúc kết trong "Đủ duyên ta lại tương phùng".