Robertson đã không ngừng nghiên cứu chủ nghĩa khắc kỷ và áp dụng nó trong công việc của mình suốt hai mươi năm qua. Ông cũng là tác giả của cuốn sách "Nghĩ như hoàng đế La Mã - Triết lý khắc kỷ của Marcus Aurelius”.
Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius đã ứng dụng chủ nghĩa khắc kỷ để đối phó với cơn đau mãn tính và bệnh tật. Trong những năm trước khi được tôn làm hoàng đế, ông đã đề cập đến các vấn đề sức khỏe với người thầy, đồng thời là người bạn của mình là Marcus Cornelius Fronto: “Anh có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng sức khỏe của tôi từ những nét chữ run rẩy. Đúng là sức lực của tôi đang hồi phục và chỉ còn bị đau ở ngực, nhưng vết loét đang ảnh hưởng đến khí quản của tôi.”
Nhà sử học La Mã Cassius Dio xác nhận rằng Marcus gặp vấn đề sức khỏe ở ngực. Ngoài ra, vị hoàng đế còn gặp vấn đề về dạ dày và và “chỉ ăn rất ít và luôn ăn vào ban đêm”. Ông nói rằng Marcus đã sử dụng hợp chất truyền thống được gọi là theriac, chứa một lượng nhỏ thuốc phiện, để giúp ông chịu đựng sự khó chịu do các vấn đề sức khỏe này gây ra.
Tình trạng của Marcus có lẽ đã xấu đi khi ông phải rời Rome sau cuộc chiến Marcomannic lần thứ nhất nổ ra, để chỉ huy quân đoàn ở Thượng Pannonia, tức nước Áo ngày nay. Khí hậu lạnh làm triệu chứng của ông trở nên tồi tệ hơn. Marcus đã phát biểu với quân đoàn của mình rằng:
“Vì lợi ích của Đế chế mà ta tiếp tục làm việc và đối mặt với hiểm nguy và đã rời xa quê nhà nhiều ngày, mặc dù đã già và yếu, ăn uống khó nhọc, giấc ngủ chập chờn.”
Rối loạn giấc ngủ dường như đã làm phiền ông trong nhiều năm, tình trạng này dường như là do các vấn đề sức khỏe khác của ông gây ra. Trong cuốn “Suy tưởng”, ông nhắc đến nhiều chứng bệnh của mình, nhưng cuốn sách cũng là nơi ông tạ ơn các vị thần “vì đã báo mộng cho con các biện pháp chữa bệnh, đặc biệt là điều trị chứng ho ra máu và chóng mặt”. Không thể chẩn đoán chính xác các vấn đề sức khỏe của Marcus trong quá khứ nhưng ông có lẽ đã gặp nhiều chứng bệnh khác nhau trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Tuy nhiên, một số học giả hiện đại đã suy đoán rằng ông bị loét dạ dày mãn tính, cùng với các vấn đề khác.
Historia Augusta cho rằng thể chất của Marcus ngày một yếu đi sau khi dành quá nhiều thời gian cho việc học tập, nghiên cứu các lĩnh vực như luật pháp, hùng biện và triết học. Cassius Dio cũng đồng ý với điều này và thêm rằng:
“Chắc chắn rằng thể lực của ông không tốt, tuy nhiên ông đã rèn luyện cơ thể yếu ớt của mình thành một cơ thể có khả năng chịu đựng tốt nhất.”
Có nghĩa là dù thể chất của Marcus yếu ớt, mắc nhiều chứng bệnh, ông vẫn kiên cường một cách đáng kinh ngạc. Ông sống lâu hơn nhiều người cùng thời, thọ gần 60 tuổi, mặc dụ bị bủa vây bởi dịch bệnh trong cuộc chiến tranh Marcomannic. Tôi tin rằng, một phần nào đó, thể chất và tinh thần của Marcus trở nên kiên cường hơn nhờ rèn luyện Chủ nghĩa Khắc kỷ.
Marcus Aurelius đối mặt với nỗi đau như thế nào
Trong cuốn "Nghĩ như hoàng đế La Mã” có một chương dành riêng cho Chủ nghĩa Khắc kỷ. Ông đã cung cấp cho bạn bản tóm tắt về những phương pháp mà ông đã áp dụng. Đương đầu với nỗi đau là chủ đề được vị hoàng đế nhắc lại khá thường xuyên. Thay vì mổ xẻ những gì ông nói trong cuốn “Suy tưởng”, tôi sẽ chỉ cung cấp cho bạn một số chiến lược chính. Những kỹ thuật này giống với kỹ thuật được sử dụng trong liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT) hiện đại để kiểm soát cơn đau. Đồng thời, tôi cũng sẽ xen kẽ một số nhận xét về cách thực hành chúng dựa trên kinh nghiệm của bản thân tôi với tư cách là một nhà trị liệu tâm lý nhận thức.
Thứ khiến chúng ta khó chịu không phải là sự vật, sự việc mà là những đánh giá của ta về chúng. Đây là điều mà Bá tước Shaftesbury, một nhà Khắc kỷ thời kỳ đầu hiện đại, gọi là “nguyên tắc tối cao” của Chủ nghĩa Khắc kỷ. Marcus sẽ tự nhủ rằng cơn đau chỉ là một “cảm xúc khó khăn” trong cơ thể. Nó không thể khiến chúng ta trở thành một người tốt hơn hay tồi tệ hơn nhưng cách chúng ta phản ứng với nó thì có thể.
Nguyên tắc cơ bản tuyệt đối của đạo đức Khắc kỷ là cảm giác đau đớn (hoặc dễ chịu) không tốt cũng không xấu mà mang tính trung lập, ít nhất là đối với mục tiêu tối cao của cuộc đời chúng ta. Nhưng theo bản năng, chúng ta không muốn trải qua cảm giác đau đớn hoặc mắc các chứng bệnh.
Tuy nhiên, một khi chúng đã xảy ra với mình thì chúng ta nên chấp nhận sự thật thay vì trở nên khó chịu hay thất vọng.
Do đó, những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ thường tạm dừng những đánh giá về giá trị của các sự kiện bên ngoài, bao gồm cả nỗi đau và những cảm giác khác của cơ thể. Nếu chúng ta tránh áp đặt những phán xét mạnh mẽ về giá trị lên những cảm giác khó chịu thì sẽ loại bỏ được lớp cảm xúc đau khổ trong trải nghiệm của mình, cho phép chúng ta đối phó tốt hơn với những cảm xúc “khó khăn”.
Có rất nhiều kỹ thuật trị liệu nhận thức khác nhau có thể giúp bạn thực hiện điều này. Tuy nhiên, hầu hết những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ hiện đại sẽ tự nhủ: “Cảm giác này không phải là thứ khiến mình khó chịu, mà thái độ của mình với nó mới khiến mình khó chịu.”
Trong các liệu pháp hiện đại, chúng tôi thực hiện những việc tương tự để giúp xây dựng động lực thay đổi, điều mà nghiên cứu cho thấy thực sự là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công. Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ thường xuyên đề cập đến một kỹ thuật tương tự. Họ thường nhắc nhở bản thân về nghịch lý: sự tức giận hoặc nỗi buồn thường gây hại cho chúng ta nhiều hơn những điều khiến chúng ta khó chịu.
Đa số mọi người đều cho rằng nỗi đau là có hại, bởi vì nó gây đau đớn. Tuy nhiên, các nhà Khắc kỷ cho rằng nỗi đau không phải lúc nào cũng gây hại cho chúng ta vì nó không ảnh hưởng đến tư cách đạo đức của chúng ta trừ khi chúng ta cho phép nó làm như vậy. Tác hại thực sự đến từ việc cho phép bản thân đắm mình trong nỗi đau.
Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trước một ngã ba đường dẫn đến tương lai. Bên trái là con đường “đam mê” (sẽ có những đau khổ về mặt cảm xúc). Nếu đi trên con đường này, bạn phải đắm mình trong nỗi đau hoặc cảm thấy tức giận hay thất vọng. Hãy nghĩ xem con đường đó sẽ dẫn đến đâu nếu bạn tiếp tục bước đi.
Còn ở “bên phải” là tương lai của bạn với con đường “lý trí” và đức hạnh Khắc kỷ – con đường của trí tuệ, tính kỷ luật tự giác và sức chịu đựng. Nếu đi theo hướng này thì có gì khác.
Theo tháng năm, bạn có thể cảm nhận rõ ràng về sự tương phản đó, giữa hậu quả lâu dài của cách đối phó tốt và xấu, có thể giúp chúng ta tìm ra động lực cần thiết để thay đổi, điều thường đòi hỏi nỗ lực và kiên trì.
Nỗi đau ấy có thực sự là ngày tận thế đối với bạn không?
Khi buồn bã, chúng ta có xu hướng trầm trọng hóa sự việc. Các nhà trị liệu nhận thức mô tả điều này là “Suy nghĩ thảm khốc”. Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ xác định mức độ đau đớn không thể chịu đựng được bằng cách tự hỏi liệu họ có khả năng chịu đựng những điều tồi tệ hơn không.
Có lẽ bạn đã từng trải qua điều tồi tệ hơn trong quá khứ? Có lẽ những người khác đã phải chịu đựng điều tồi tệ hơn. Xét theo cách này, đôi khi có thể giúp bạn giảm bớt sự khó chịu theo một cách tương đối.
Có một cách khác để làm điều này, có thể gọi là “Giảm suy nghĩ thảm khốc bằng phân tích”, đòi hỏi bạn chia trải nghiệm thành các phần càng nhỏ càng tốt mà bạn có thể xử lý từng phần. Cũng có thể gọi phương pháp này là “chia để trị” sự đau khổ. Tập trung vào thời điểm hiện tại có lẽ là cách đơn giản nhất để cô lập trải nghiệm. Tập trung vào sự ngắn ngủi của cảm giác có thể hữu ích, chẳng hạn, bạn có thể nhắc nhở bản thân rằng cơn đau sẽ biến mất hoặc nó xuất hiện trong một khoảng thời gian nhất định.
Thông thường, nỗi đau sẽ bớt nghiêm trọng hơn nếu chúng ta chỉ tập trung vào việc đối phó với hiện tại và quên đi những gì nằm ngoài hiện tại. Marcus nhiều lần đề cập đến một câu nói nổi tiếng của Epicurean rằng cơn đau nghiêm trọng nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (cấp tính) hoặc mãn tính nhưng không nghiêm trọng lắm.
Nghĩa là, mọi người đối phó bằng cách tập trung vào nhận thức rằng cảm giác đau đớn chỉ là tạm thời hoặc chúng có thể tồi tệ hơn nhiều. Dù sao đi nữa, như Marcus tự nhủ,không có gì là thực sự không thể chịu đựng được.
Một trong những lý thuyết nhận thức sớm nhất về căng thẳng, do Richard Lazarus phát triển, được gọi là mô hình giao dịch hay mô hình “bập bênh”. Khái niệm này nói rằng sự đau khổ về tâm lý thường là do mất cân bằng hoặc chênh lệch giữa hai yếu tố: khả năng nhận thức để đối phó và mức độ nhận thức được đe dọa mà chúng ta phải đối mặt. Nếu bạn tin rằng mối đe dọa là nhỏ và khả năng đối phó của bạn rất mạnh thì bạn sẽ không bị căng thẳng. Ngược lại, nếu bạn tin rằng một mối đe dọa là cực kỳ nghiêm trọng (Đây là một thảm họa!) và rằng bạn hoàn toàn không có khả năng đối phó (“Tôi không thể xử lý được nó!”) thì bạn có lẽ bạn sẽ hoảng sợ.
Chúng ta đã thấy cách các nhà Khắc kỷ thách thức và đánh giá lại mức độ nhận thức sự nghiêm trọng hoặc khủng khiếp của một mối đe dọa, chẳng hạn như nỗi đau thể xác hoặc bệnh tật. Đồng thời, họ cũng tự hỏi bản thân hai loại câu hỏi về cách đối phó: “Người mà bạn ngưỡng mộ sẽ đối phó với cùng một vấn đề như thế nào?” và “Bạn được ban tặng những nguồn lực nào sẽ giúp bạn đương đầu?”
Một số người đối phó tốt với nỗi đau và bệnh tật, nhưng những người khác thì không. Marcus đã nhận thấy vấn đề và chọn dành thời gian suy ngẫm một cách cẩn thận và có hệ thống về những người có cách đối phó tốt. Ông đã nghiên cứu tính cách và cách suy nghĩ của họ và tìm cách mô phỏng những gì ông học được từ họ. Chẳng hạn, trong cuốn “Suy tưởng”, ông ghi lại cách người thầy Khắc kỷ Apollonius của mình luôn duy trì cam kết với lý trí và đức hạnh, không phàn nàn, mặc dù phải chịu đựng cơn đau dữ dội và bệnh tật kéo dài.
Nếu chúng ta dành thời gian để suy ngẫm về cách người khác thể hiện khi phải chịu đựng các vấn đề về sức khỏe, chúng ta có thể tìm được cảm hứng và học hỏi từ thái độ của họ. Làm như vậy cũng có thể làm tăng sự tự tin của chúng ta hoặc khả năng nhận thức để đối phó, dẫn đến giảm căng thẳng và đau khổ về mặt cảm xúc. Nhìn vào những cách chúng ta đã giải quyết được những vấn đề tương tự trong quá khứ và những kỹ năng hoặc nguồn lực tiềm năng mà chúng ta có thể áp dụng bây giờ sẽ có tác động tích cực tương tự đến sự tự tin của chúng ta.
Nói tóm lại, chúng ta càng suy nghĩ về cách đối phó tốt hơn thì chúng ta càng cảm thấy tự tin hơn và ít khó chịu hơn, ngay cả khi trải qua những thử thách lớn như đau đớn mãn tính hoặc bệnh tật.
- Theo Daily Stoic