Xúc chạm cơ thể
Giống như những đứa trẻ trải qua tình trạng bị bỏ bê vào giai đoạn sơ sinh, Connor không thể chịu nổi những xúc chạm cơ thể. Với trẻ sơ sinh, xúc chạm là một kích thích lạ lẫm và gây căng thẳng. Vào giai đoạn này, những xúc chạm yêu thương vẫn chưa có mối liên hệ với cảm giác vui vẻ, dễ chịu. Chỉ khi trải qua một thời gian dài được vỗ về trong vòng tay của những người chăm sóc đầy yêu thương và luôn có mặt, ta mới trở nên quen thuộc với những xúc chạm và liên kết nó với cảm giác an toàn, thoải mái.
Có vẻ như khi nhu cầu được âu yếm vỗ về của một đứa trẻ không được thỏa mãn, thì mối liên hệ giữa việc gắn kết với người khác và cảm giác vui vẻ, thoải mái sẽ không được thiết lập, và những xúc chạm cơ thể có thể mang đến cảm giác cực kỳ khó chịu.
Để giúp Connor vượt qua cảm giác khó chịu này và mang đến cho cậu bé những kích thích bị thiếu hụt, chúng tôi đã đưa cậu bé đến gặp một nhà trị liệu mát-xa. Đầu tiên, chúng tôi sẽ tập trung đáp ứng nhu cầu tiếp xúc da kề da của cậu bé; kế đến, chúng tôi hy vọng có thể bắt đầu giải quyết đến tình trạng nhịp điệu cơ thể thiếu đồng bộ của cậu bé.
Như đã thấy, khi một đứa trẻ mới chào đời, không phải thị giác, khứu giác, vị giác hay thính giác, mà chính những hệ thống giác quan liên quan đến xúc giác mới là những hệ thống được phát triển đầu tiên và hoàn thiện đầy đủ nhất. Các nghiên cứu ở trẻ sinh non cho thấy sự tiếp xúc da kề da nhẹ nhàng sẽ giúp các em tăng cân, ngủ yên giấc và lớn nhanh hơn. Trên thực tế, những đứa trẻ sinh thiếu tháng được mát-xa nhẹ nhàng có thể xuất viện sớm hơn khoảng một tuần so với thời gian nằm viện trung bình. Ở cả những đứa trẻ lớn hơn lẫn ở người lớn, mát-xa cũng cho thấy tác dụng làm giảm huyết áp, xoa dịu căng thẳng và hỗ trợ điều trị trầm cảm thông qua tác động làm giảm lượng nội tiết tố căng thẳng do não tiết ra.
Nghiên cứu cho thấy, những bậc cha mẹ biết các kỹ thuật mát-xa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có mối quan hệ khắng khít hơn đồng thời cảm thấy gần gũi hơn với con cái của mình. Với những đứa trẻ có hội chứng tự kỷ hay gặp một số vấn đề khiến các em trở nên xa cách với người khác, chiến lược này có thể giúp cải thiện nhanh chóng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, từ đó giúp các phụ huynh kiên trì hơn với tiến trình điều trị.
Nghiêm khắc hay chiều hư con
Điều này đặc biệt quan trọng trong trường hợp của Connor, bởi vì mẹ cậu bé đang vô cùng lo lắng về hướng điều trị của chúng tôi. Trước đó, những nhà tâm lý, bác sĩ tâm thần, tham vấn viên học đường, những người hàng xóm và cả các giáo viên có thiện ý đều khuyên cô không nên chiều theo những hành vi “trẻ con” của Connor và nên phớt lờ những cơn cáu giận của cậu bé. Họ nói rằng Connor cần đến khuôn khổ và giới hạn chứ không phải những cử chỉ âu yếm vỗ về.
Những người khác đều nói rằng Connor thiếu trưởng thành và người lớn cần phải buộc cậu bé chấm dứt những phương pháp tự trấn an mang tính bản năng như lắc lư hay rên rỉ những âm thanh vô nghĩa. Thế mà giờ đây chúng tôi lại khuyên cô hãy đối xử với cậu bé thật dịu dàng – hành động mà đối với cô có thể được xem là chiều hư con.
Thay vì phớt lờ Connor trong những lúc cậu bé sắp cư xử mất kiểm soát như khuyến nghị của các nhà trị liệu hành vi, chúng tôi đã đề xuất người nhà của cậu bé hãy “khen thưởng” cậu bé những lúc như thế bằng cách mát-xa cho em. Cách tiếp cận này có vẻ quá sức khác thường, nhưng bởi vì không còn cách nào khác, Jane đành đồng ý thử.
Sau khoảng sáu đến tám tháng, Connor bắt đầu thích nghi và dễ chịu với việc được tiếp xúc cơ thể với người khác. Thời điểm tôi biết Connor đã sẵn sàng chuyển sang giai đoạn điều trị kế tiếp là khi cậu bé bước về phía tôi và chìa tay ra, như muốn bắt tay tôi. Cuối cùng, cậu bé chỉ vỗ vỗ lên mu bàn tay tôi, giống cử chỉ thường thấy của một bà cụ với một đứa trẻ.
Với Connor, cách bắt tay có phần kỳ quặc này vẫn là một sự tiến bộ. Trước đây, cậu bé không bao giờ trông chờ những tiếp xúc về thể chất, và chắc chắn càng không chủ động gợi ý việc tiếp xúc cơ thể. Trên thực tế, cậu bé sẽ tìm mọi cách tránh né việc tiếp xúc.
Kỳ tới: Hòa hợp cơ thể các em với nhịp điệu sự sống