Nhiều người nói rằng truyện của Kim Dung được hâm mộ là bởi ông có cách miêu tả nhân vật phụ và chính rất đặc sắc. Nhiều nhân vật phụ có võ công mạnh gấp nhiều nhân vật chính. Họ chẳng có nổi một chương nói về bản thân, thậm chí chỉ được coi là nhân vật "lót đường" cho nhân vật chính tỏa sáng. Họ là những ai?
Tuy được coi là nhân vật mạnh nhất trong tiểu thuyết của Kim Dung nhưng Đông Phương Bất Bại vẫn phải nằm trong danh sách... nhân vật phụ. Đông Phương Bất Bại thuộc hàng những nhân vật có võ công khủng khiếp nhất trong truyện Kim Dung, võ công của y đã đạt tới cảnh giới kinh thiên động địa. Khi Nhậm Ngã Hành lên Hắc Mộc Nhai tìm Đông Phương Bất Bại để báo thù, dù một mình kháng cự với cả bốn cao thủ đất Trung Nguyên đương thời là Nhậm Ngã Hành, Hướng Vấn Thiên, Thượng Quan Vân và Thánh Cô Nhậm Doanh Doanh nhưng Đông Phương bất Bại thần thái vẫn lạnh lùng, vô hồn. Thậm chí, Lệnh Hồ Xung dù đã được chân truyền Độc cô cửu kiếm – pho kiếm pháp của Kiếm Ma Độc Cô Cầu Bại nhưng vẫn thua xa vị giáo chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo này.
Đáng tiếc dù võ công rất mạnh nhưng tần suất xuất hiện của Đông Phương Bất Bại trong tiểu thuyết rất ít.
Nhắc tới Hoàng Thường có thể nhiều người không biết nhưng cái tên Cửu âm chân kinh thì fan nguyên tác chắc chắn không xa lạ gì. Theo lời kể của Lão Ngoan Đồng, người viết nên môn võ học này là Hoàng Thường. Ông vốn là một quan văn trong triều dưới thời vua Tống Huy Tông. Hoàng Thường theo lệnh của hoàng đế Huy Tông thu thập hết sách của Đạo gia 5.481 quyển viết thành bộ sách Vạn thọ Đạo tàng. Nhờ trí thông minh và kiên trì, ông đã học được toàn bộ các bí kíp võ học Đạo gia và trở thành một cao thủ võ lâm.
Sau đó, vì mối thù với một số cao thủ cao thủ nên ông đã chạy lên núi quyết rèn luyện võ công cao cường để trả thù. Tuy nhiên, vì thời gian trôi quá lâu, tất cả các đối thủ đều đã qua đời, thậm chí con cái đối thủ cũng đã già nữa, Hoàng Thường hết ý định trả thù, nhưng tiếc những kiến thức võ học Đạo gia mà mình học được viết thành bộ Cửu âm chân kinh gồm 2 quyển: Quyển Thượng bao gồm các bí kíp rèn luyện nội công căn bản của Đạo gia, Quyển Hạ gồm các chiêu thức khắc địch và bảo vệ thân thể.
Sau khi Hoàng Thường qua đời, Cửu âm chân kinh lưu lạc trong nhân gian. Đây là bộ tuyệt kỹ ẩn chứa sức mạnh vô biên, có thể giúp các cao thủ xưng hùng xưng bá giới võ lâm. Chính vì sự lợi hại của Cửu âm chân kinh nên trong giang hồ luôn xảy ra những cuộc chém giết để tranh giành ác liệt để sở hữu bí kíp tuyệt đỉnh này.
Trong tiểu thuyết của Kim Dung, Vương Trùng Dương chỉ xuất hiện qua lời kể của Châu Bá Thông và các môn đồ phái Toàn Chân. Vương Trùng Dương sở hữu võ công vô địch thiên hạ khi dễ dàng đánh bại cả 4 đại cao thủ là Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái để giành được Cửu âm chân kinh – bí kíp võ công cả giang hồ thèm khát.
Nói đến võ công của Vương Trùng Dương, mạnh nhất phải kể đến Tiên Thiên công. Đây là môn nội công không có tầng cuối cùng do Vương Trùng Dương sáng tạo ra. Vương Trùng Dương đánh giá, người luyện Tiên Thiên công cầm chắc 4 chữ " thiên hạ vô địch" trong tay, nên không cần tốn thời gian luyện thêm Cửu âm chân kinh. Ngoài Tiên Thiên công, Vương Trùng Dương còn nổi tiếng với bộ Toàn Chân kiếm pháp. Trong kỳ Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, Vương Trùng Dương chỉ dựa vào bộ kiếm pháp này đã có thể khuất phục quần hùng. Vương Trùng Dương cũng là người sáng tạo trận pháp Bắc Đẩu Thất Tinh uy chấn giang hồ.
Vô Danh Thần Tăng chỉ là một nhân vật phụ lướt qua trong phân đoạn rất nhỏ của Thiên long bát bộ. Thậm chí, ông còn không có tên, cái tên Vô Danh Thần Tăng hay Tảo Địa tăng là cách gọi của đặc biệt của người hâm mộ kiếm hiệp dành cho nhân vật này. Ông xuất hiện ở hồi thứ 43, khi quần hùng hội tụ Thiếu Lâm Tự, chính lúc Tiêu gia và Mộ Dung gia chuẩn bị kết thúc ân oán ở Tàng Kinh Các Thiếu Lâm Tự thì lão tăng vô danh xuất hiện.
Tuyệt thế võ thuật của lão tăng này chính là làm được những việc không ai làm được. Hai chưởng đánh gục Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn nhẹ như lông hồng, dùng một tay đỡ đòn Hàng long thập bát chưởng của Kiều Phong mà chỉ lui vài bước đủ để thấy võ công của Vô Danh Thần Tăng cao thâm tới mức nào.
Độc Cô Cầu Bại là một trong những nhân vật có võ công mạnh nhất trong các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. "Độc cô cầu bại" có nghĩa là "cô độc cầu mong bại trận". Độc Cô Cầu Bại chỉ được đề cập qua lời kể một số nhân vật trong hai bộ tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ, Tiếu ngạo giang hồ và rất ngắn gọn trong bộ Lộc đỉnh ký. Độc Cô Cầu Bại chưa từng xuất hiện trong các tình tiết của tiểu thuyết Kim Dung mà chỉ để lại những kiếm lý đặc sắc về kiếm thuật. Kim Dung không mô tả nhân vật này sống vào giai đoạn nào, nhưng dựa trên các chi tiết được nói tới thì có thể xác định nhân vật này sống sau các sự kiện trong Thiên long bát bộ và trước các sự kiện trong Anh hùng xạ điêu.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, theo lời kể của Phong Thanh Dương, Độc cô Cầu Bại là một người thông minh tuyệt đỉnh, là người đã sáng tạo ra Độc cô cửu kiếm, và nhờ kiếm pháp vô địch thiên hạ này, Độc Cô Cầu Bại cũng không có địch thủ. Độc cô cửu kiếm đặc tính dùng vô chiêu chiến thắng hữu chiêu. Uy lực của nó cũng gần như bao trùm mọi loại võ công khác trên thiên hạ, khi có thể khắc chế mọi môn binh khí, chưởng pháp, nội công. Đệ tử của Độc Cô Cầu Bại là Dương Quá, Lệnh Hồ Xung và Phong Thanh Dương đều là những nhân vật rất nổi tiếng trong võ lâm thiên hạ. Mỗi người đều có câu chuyện riêng rất chi tiết về cuộc đời mình.
*Bài viết tổng hợp dựa trên các ý kiến chia sẻ quan điểm về những tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung từ trang tin Sina, Sohu.