Trong phần trước, chúng ta đã bàn đến vai trò của Tượng binh và trận đánh quy mô đầu tiên của Tượng binh. Để thỏa mãn kiến thức của độc giả, phần này xin kể về lịch sử sơ khai của voi chiến.
Việc sử dụng voi đầu tiên của con người bắt đầu khoảng 4.000 năm trước ở Ấn Độ. Voi ban đầu thường được sử dụng cho mục đích nông nghiệp. Với sức mạnh vô địch trong các loài trên cạn, voi có thể nhổ cây khỏi mặt đất, phát quang những khu vực rộng lớn để trồng trọt và xây cất. Bởi vì chúng nhanh chóng chứng tỏ khả năng có thể huấn luyện cũng như sức mạnh của mình trong hoạt động phối hợp với con người nên việc voi bị trưng dụng vào sử dụng trong quân sự chỉ là vấn đề thời gian. Theo các nguồn tiếng Phạn, quá trình chuyển đổi voi từ mục đích dân sự sang quân sự diễn ra vào khoảng năm 1100 trước Công nguyên.
Nhiều người cho rằng những con voi bị bắt tham gia chiến trận đều là những con đã được thuần hóa. Thực tế không hẳn là như vậy. Vì nhiều lý do (có lẽ lý do tài chính là quan trọng nhất), voi hiếm khi được nuôi trong điều kiện nuôi nhốt như các loài gia súc khác.
Trên thực tế, phần lớn voi chiến đã bị bắt trong tự nhiên rồi được huấn luyện. Những con voi đực vốn có tính hung dữ nên được sử dụng để chiến đấu nhiều hơn. Trong khi đó, voi cái theo bản năng có xu hướng bỏ chạy khi đối mặt với một con voi đực đang lao tới. Nếu điều này xảy ra trong những trận đấu voi trên chiến trường thì rất nguy hiểm cho đội dùng voi cái.
Có nhiều cách truyền thống để bắt voi. Một phương pháp khéo léo được cư dân ở Thung lũng Indus (Ấn Độ xưa) là "mỹ voi kế". Người Indus đào một con hào sâu bao quanh một gò cạn và đặt một cây cầu tạm bắc qua hào để đến gò. Trên gò, họ buộc một con voi cái đang đến mùa giao phối. Con đực sẽ bị thu hút bởi mùi hương và âm thanh của voi cái. Khi con đực băng qua cầu tìm đến voi cái ở gò để ve vãn thì người ta sẽ tháo cây cầu tạm và voi đực sẽ bị giam lỏng trên gò.
Voi rất thông minh và có khả năng chịu huấn luyện tốt. Nhưng dù có chuẩn bị và được huấn luyện tốt đến đâu, voi vẫn có bản tính hoang dã. Điều này đặt ra vấn đề khá đau đầu cho việc sử dụng chúng trong chiến đấu. Đã nhiều lần, voi hoảng sợ và giẫm đạp những người lính phe mình trong các cuộc đối đầu. Vì vậy, không có gì lạ khi người quản tượng phải mang theo đục để gõ vào tủy sống của con vật nếu nó bắt đầu hành động trái với mong muốn của người điều khiển voi.
Nhiều loại voi đã được quân đội khắp Đông bán cầu sử dụng. Phần lớn, loại voi được sử dụng đều liên quan đến phân bố địa lý, tức là những loại voi dễ kiếm nhất thường được sử dụng thường xuyên nhất. Mặc dù đã có nhiều tranh luận về các loại voi chiến cụ thể, nhưng bằng chứng DNA hiện nay cho thấy hai loài voi châu Phi khác nhau cũng đã được sử dụng: voi rừng (Loxodonta cyclotis) và voi thảo nguyên, hay voi bụi rậm (Loxodonta africana).
Một loài khác (một số người cho đó là phân loài) của voi châu Phi, là voi Bắc Phi (Loxodonta pharaoensis) cũng đã được sử dụng một thời gian, nhưng nó đã tuyệt chủng vào khoảng thế kỷ thứ hai sau Công nguyên. Có lẽ việc dùng tượng binh cũng góp phần khiến loài voi này vốn có số lượng ít, bị đẩy vào cảnh tuyệt chủng.
Sự khác biệt rõ ràng nhất giữa các loài voi là kích thước. Một con voi thảo nguyên châu Phi điển hình có chiều cao 3 mét, nhưng một số con đã được ghi nhận cao tới 4 mét. Trong khi đó, voi rừng có kích thước khoảng 2,5 mét vì sống trong môi trường cây rậm khiến chúng khó phát triển kích thước. Voi Bắc Phi nhỏ hơn một chút so với các loại voi rừng khác, có lẽ là do lượng nước vùng cận sa mạc khá hiếm.
Voi châu Á hoặc voi Ấn Độ (Elephas maximus) cũng được sử dụng khá nhiều cho các chiến dịch quân sự ở châu Âu thời Trung cổ. Voi châu Á cao phổ biến từ 2 đến 4 mét, nhưng nhìn chung chúng thường nhỏ hơn voi thảo nguyên châu Phi. Mặc dù kích thước chắc chắn có ảnh hưởng trong xung đột nhưng lớn hơn không phải lúc nào cũng có nghĩa là tốt hơn.
Trong trận chiến Raphia ở Palestine, vào năm 217 trước Công nguyên, đã xảy ra cuộc đụng độ đẫm máu giữa tượng binh của Antiochus Đại đế dùng voi Ấn Độ (sau chiến thắng của Alexander Đại đế trước vua Porus năm 326 trước Công nguyên, người Hy Lạp thu nhận tượng binh như món quà cho người chiến thắng) và tượng binh Ptolemy của Ai Cập dùng voi châu Phi.
Trận đó, quân của Ptolemy có 70.000 bộ binh, 5.000 kỵ binh, 73 voi chiến tuyển từ châu Phi. Còn quân của Antiochus có 62.000 bộ binh, 6.000 kỵ binh, 103 voi chiến.
Sau 5 ngày giao tranh nhỏ, hai vị vua quyết định mang voi ra giao chiến. Có thể ví như đây là trận đấu tăng Kursk thời trung cổ. Khi bày trận, họ đặt lính trang bị nhẹ và lính đánh thuê ở đằng trước voi, thậm chí xa hơn ở 2 cánh cùng với kị binh của mình. Ptolemy ở bên trái của đội hình quân mình còn Antiochus ở bên phải đội hình của mình.
Vào lúc bắt đầu trận đánh,những con voi được bố trí ở cánh quân Ai Cập đã tạo "binh biến". Phần lớn voi châu Phi bên phía Ptolemy do thiếu kỷ luật đã rút lui trong hoảng sợ trước không khí chiến tranh như tiếng hò reo kèn trống của người, tiếng gầm rít của voi Ấn Độ. Chúng chạy xô vào hàng quân phía sau, gây ra sự rối loạn trong đội ngũ quân Ptolemy.
Tranh thủ thời cơ, Antiochos xua quân truy kích những kẻ đang bỏ chạy khỏi đội hình phía Ptolemy và chủ quan tin vào một chiến thắng ngày hôm đó. Nhưng ở trung tâm, quân Ptolemy không bị rối loạn đã phản kích dữ dội trong khi Antiochos cách quá xa đội hình nên kết quả thua ngược.
Mặc dù Antiochus thua trận nhưng nếu xét riêng trận đấu tượng binh thì voi Ấn Độ đã chiếm ưu thế do chúng được huấn luyện kỹ hơn và chiến thuật tốt hơn.