Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, trước khi nhiều người kịp nhận ra, thì trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), và mạng xã hội đã tạo ra rất nhiều thay đổi trong cuộc sống của con người. Tiến trình công nghệ biến đổi xã hội được thúc đẩy bởi các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech), được cho là sẽ xảy ra ngày một nhanh hơn và không thể đảo ngược.
Dù bạn đã sẵn sàng hay chưa, việc nâng cao những hiểu biết về công nghệ mới cũng như cách thức vận hành của các Big Tech chắc chắn sẽ là sự chuẩn bị cần thiết cho tương lai. Dưới đây là 4 cuốn sách nổi bật trong lĩnh vực công nghệ dành cho những ai muốn bắt đầu hành trình khám phá của mình để sớm thích nghi trong kỷ nguyên số.
Đầu tiên, chúng ta cần nắm bắt những kiến thức cơ bản về dữ liệu - loại “dầu mỏ” mới của nền kinh tế kỹ thuật số.
Trong cuốn sách “Chiến lược dữ liệu” (tựa gốc: “Data Strategy”), tác giả Bernard Marr đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về việc tận dụng dữ liệu trong các tổ chức. Với lối viết súc tích, dễ hiểu, những kiến thức chuyên môn được trình bày trong sách trở nên đơn giản và dễ đọc, ngay cả với những người không am hiểu nhiều về công nghệ.
Mở đầu tác phẩm, Bernard Marr cho rằng ứng dụng dữ liệu là xu hướng công nghệ mà các công ty không nên trì hoãn. “Các nhà lãnh đạo và các nhà quản lý doanh nghiệp có khá ít thời gian cho sự hoài nghi”, Marr viết, “Những công ty nhìn nhận dữ liệu như là một tài sản chiến lược là những công ty sẽ tồn tại và phát triển mạnh”.
Tuy nhiên, để chiến lược này thực sự có ích, dữ liệu cần phải giải quyết được các nhu cầu cụ thể và giúp cho tổ chức đạt được mục tiêu chiến lược. Vì lẽ đó, tác giả cho rằng, doanh nghiệp nên bắt đầu từ việc xây dựng chiến lược, thay vì bắt đầu từ chính bản thân dữ liệu.
Bên cạnh đó, các mục tiêu chiến lược liên quan đến dữ liệu cũng được tác giả đề cập rất chi tiết xuyên suốt 11 chương sách, bao gồm: cải thiện các quyết định kinh doanh, cải thiện hoạt động và quy trình kinh doanh (quy trình sản xuất; hoạt động kho bãi và phân phối; kế toán, dịch vụ khách hàng, phát hiện sự gian lận trong các giao dịch, bán hàng và marketing…), tạo ra doanh thu từ dữ liệu sẵn có…
Ngoài ra, trong “Chiến lược dữ liệu”, Marr còn bàn đến các chủ đề cốt yếu khác, như: tìm nguồn cung ứng và thu thập dữ liệu, hình thành công nghệ và cơ sở hạ tầng dữ liệu, xây dựng về năng lực về dữ liệu trong tổ chức, và sau cùng là đảm bảo cho dữ liệu không vi phạm vấn đề về pháp lý.
Tiếp theo, đây là cuốn sách có thể mang đến cho bạn những hiểu biết sâu sắc nhất về mạng xã hội. Trong “Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram” (tựa gốc: “No Filter”), phóng viên Sarah Frier của Bloomberg News đã đem lại nhiều khám phá bất ngờ về cách vận hành bên trong ứng dụng Instagram (và cả Facebook), những ẩn ý đằng sau việc phát triển các thuật toán mới, và cả cách nhiều người đã đổi đời thành công nhờ “cỗ máy sản xuất người nổi tiếng” của Instagram.
Nền kinh tế influencers (influencer: người ảnh hưởng) được hình thành dựa trên sự phát triển của Instagram là một ví dụ rõ rệt nhất cho việc công nghệ mới giúp tạo nên những cách làm giàu mới. Những phân tích kỹ lưỡng của Sarah Frier trong quyển sách là kiến thức vô cùng đắt giá đối với những ai đang muốn tận dụng ưu thế của mạng xã hội để tạo sức ảnh hưởng, nâng cao địa vị bản thân cũng như tăng doanh thu cho doanh nghiệp của mình.
Tất nhiên, đi cùng với ảnh hưởng tích cực của Instagram còn có những hệ luỵ phức tạp, như: chứng nghiện kỹ thuật số, các căn bệnh tâm lý, sự lan truyền nội dung độc hại… Mạng xã hội là nơi chúng ta tương tác với những AI thô sơ nhất, và những gì Sarah Frier trình bày trong tác phẩm “Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram” là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về tác động khó lường của AI lên nhận thức con người.
Cuốn sách “Đừng trở nên xấu xa” (tựa gốc: “Don’t Be Evil”) đem lại góc nhìn bao quát nhưng cũng đầy chi tiết về cách các phát minh công nghệ mới đang được Big Tech sử dụng một cách khôn khéo theo những mục đích tốt đẹp lẫn xấu xa ra sao.
Đọc sách, ta có thể thấy những công ty như Google, Facebook, Amazon… tìm mọi cách để thu hút thời gian và sự chú ý của người dùng, từ đó tạo ra kho dữ liệu khổng lồ về thói quen, hành vi của khách hàng, nhằm bán quảng cáo cho bên thứ ba và thu tiền về đầy túi. Vì lẽ đó, tác giả Rana Foroohar đã gọi những Big Tech này là “thương gia kinh doanh sự chú ý”. Và “dường như những người giàu có nhất trong kỷ nguyên số này đều là các thương gia kinh doanh sự chú ý”, cô nhận định.
“Đừng trở nên xấu xa" khiến người đọc bất ngờ với những thông tin ngồn ngộn về "thế giới" Big Tech - những đóng góp cùng những "mặt tối" của nó trong việc thao túng xã hội. Cuốn sách còn chỉ ta cách né tránh những tác động tiêu cực từ các “ông trùm” công nghệ, nhưng đồng thời cũng học hỏi một phần “luật chơi” của họ để vận dụng cho bản thân và doanh nghiệp.
Cuối cùng, có lẽ đây là cuốn sách mang lại nhiều sự lạc quan nhất, khi nó nói đến kiểu “quyền lực thần kỳ” mà con người được trao cho trong thời đại Big Tech, chính là “khả năng khai thác sức mạnh từ một đám đông kết nối”, hay “quyền lực mới”, theo cách gọi của hai tác giả Jeremy Heimans và Henry Timms trong cuốn sách.
Hãy nghĩ về sự phát triển của phong trào #MeToo (PV – phong trào chống quấy rối vào bạo hành tình dục) được lan truyền rộng rãi bắt nguồn từ hashtag #MeToo trên Twitter; diễn đàn PatientsLikeMe trở thành thành mạng lưới chăm sóc sức khỏe trực tuyến cho phép hàng ngàn bệnh nhân chia sẻ kinh nghiệm, lời khuyên và dữ liệu y tế cá nhân với những người bệnh giống mình; hay De Corresspondent - một tờ báo trực tuyến của Hà Lan được ra đời và vận hành nhờ vào tiền tài trợ của độc giả chứ không phải từ doanh thu quảng cáo.
Sự thành công từ những trường hợp kể trên cho thấy, nếu quyền lực cũ thuộc về một hệ thống khép kín gồm các nhà lập pháp, bác sĩ hay chuyên gia và người nổi tiếng, thì quyền lực mới lại nằm trong tay tất cả chúng ta - những người truy cập và sử dụng internet hằng ngày.
Cuốn sách “Quyền lực mới” (New Power) phác họa sự thay đổi quyền lực trong thế kỷ 21 nhờ vào sự bùng nổ công nghệ số. Qua đó, chúng ta có thể tận dụng mạng xã hội và các nền tảng mở để kêu gọi sự tham gia của số đông, đưa tiếng nói của công chúng tác động mạnh mẽ đến những quyết định của chính quyền, doanh nghiệp, tờ báo, hay tổ chức xã hội... Nhờ vậy, bất cứ cá nhân, tổ chức nào tạo ra được sự lan tỏa cũng có thể lan truyền những ý tưởng tốt đẹp, khởi tạo các phong trào xã hội, huy động vốn, đổi mới tổ chức. Nói cách khác, giờ đây con người có thể tận dụng sự phát triển của công nghệ vì lợi ích của nhân loại.