Jeremy Heimans là người đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành của Purpose, một công ty chuyên xây dựng các phong trào xã hội trên thế giới. Và Henry Timms là Giám đốc Điều hành của 92nd Street Y, một trung tâm văn hóa và cộng đồng tổ chức các chương trình, phong trào khuyến khích học tập và các hoạt động công dân.
Điểm chung ở 2 tác giả này là sự tâm huyết với các hoạt động cộng đồng. Cùng nghiên cứu về những biến chuyển của xã hội khi những ứng dụng từ internet kết nối vạn vật bùng nổ, bộ đôi này đã cùng nhau thực hiện Quyền Lực Mới, một tác phẩm đậm nét về vấn đề của thời đại.
Quyền Lực Mới bắt đầu bằng việc đưa ra những bằng chứng, trải nghiệm của cái gọi là quyền lực đang chiếm một vị thế quan trọng trong cuộc sống. Đó là sự lan tỏa của những hoạt động trên mạng xã hội như #IceBucketChallenge, #GivingTuesday, #MeToo được đông đảo cư dân mạng quan tâm và tham gia vượt qua mọi biên giới quốc gia. Ở đó, mọi người thể hiện, tham gia bằng tất cả sự nhiệt tình mà không bởi bất kỳ sự ép buộc nào. Nó đã tạo nên những tác động lớn, thậm chí có lúc đánh bay hệ thống quyền lực truyền thông cũ.
Những ví dụ đó chứng tỏ, khi quyền lực mới bắt đầu, nó sẽ tạo nên sức hút để kết nối mọi người lại với nhau. Mỗi người được chia sẻ quyền lực chứ không tập trung vào bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Trải qua rất nhiều sự việc, chúng ta đã thấy khá rõ tác động tích cực cũng như tiêu cực của loại quyền lực này.
Cùng với cá nhân, đã có những doanh nghiệp phải điêu đứng, ảnh hưởng đến thương hiệu và thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản cũng bởi sự tẩy chay từ thứ quyền lực ngỡ như vô hình này. Những vấn đề phát sinh từ quyền lực mới, rõ ràng là khó đoán biết.
Một điều khá thú vị trong Quyền Lực Mới là 2 tác giả đã nhìn thấy được vấn đề của các doanh nghiệp hiện nay, cũng như vấn đề của những nhân viên công sở đang hằng ngày đến công ty làm việc với những tâm thế và suy nghĩ khác nhau.
Bằng kiến thức thực tiễn, tác giả lý giải cho bạn đọc vì sao nhiều công ty lại đau đầu trong việc giữ chân nhân viên, trong khi các công ty khác thì không? Tại sao những người trẻ lại thích nhảy việc, liệu nó có liên quan đến tính trung thành? Và quan trọng là phải ứng xử sao trong chốn công sở giữa lãnh đạo và nhân viên, giữa nhân viên với nhau để có thể tạo nên một môi trường làm việc mà ai cũng thỏa mãn?
Người đọc dễ dàng nhận ra, ở thế kỷ XX, thế giới công việc được sắp xếp theo màu sắc chiếc cổ áo, nghĩa là nó được đóng mác bởi vị trí, công việc, trong khi thế kỷ XXI điều này đang bị lung lay bởi tính cá nhân.
Sách khép lại với một câu hỏi lớn: “Tương lai thế giới sẽ được định hình như thế nào với loại hình quyền lực này?”. Đây cũng là vấn đề mà bất cứ tổ chức, thể chế, cá nhân, hay doanh nghiệp nào cũng phải quan tâm nếu muốn tận dụng nguồn sức mạnh này để đột phá và cách bảo vệ mình trước thứ quyền lực ảo ấy.
Trần Lâm