Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyên Quý hiện là bác sĩ điều trị tại Khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren; nghiên cứu viên tại Khoa Y, Đại học Kyoto Nhật Bản.
Anh cũng là đồng sáng lập và Trưởng dự án Y học cộng đồng, một tổ chức thiện nguyện thành lập từ năm 2012 với hơn 300 bác sĩ, nhân viên y tế và cộng tác viên với mục tiêu nâng cao dân trí y tế của người Việt. Năm 2022, cùng với các công sự trong Dự án Y học Cộng đồng, TS. BS Phạm Nguyên Quý đã xuất bản 2 cuốn sách đầu tiên trong Bộ sách “Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư” với mong muốn cung cấp cho bệnh nhân Việt cùng người thân trong gia đình những kiến thức hữu ích trong thời gian điều trị bệnh.
Là một người yêu thích sách, hàng tuần bác sĩ Quý thường dành 2-3 giờ để đọc sách một mình hoặc đọc sách cùng con. Việc đọc sách giúp BS Quý thư giãn, có thêm nhiều ý tưởng mới trong công việc cũng như rèn luyện thói quen đọc sách bổ ích cho con trẻ.
Dưới đây là 5 cuốn sách yêu thích của BS Phạm Nguyên Quý cùng chia sẻ của anh về từng cuốn sách.
Đây là cuốn sách tôi rất thích và đọc đi đọc lại vào những năm cấp II. Mỗi câu chuyện ngắn, giản dị trong sách là những bài học sâu sắc về lòng yêu nước, công ơn cha mẹ, tình nghĩa thầy trò, bạn bè và cả những thông điệp nhắn nhủ về tinh thần bác ái. Tôi cũng rất thích những câu chuyện kể về lòng can đảm vượt qua số phận, hay tinh thần lạc quan khi phải đối mặt với những bất hạnh trong đời.
Quyển sách đã dạy cho tôi lòng biết ơn và trắc ẩn, cũng như tinh thần hào hiệp, bao dung, khiêm nhường và biết tôn trọng giá trị của những người xung quanh.
“Phút nhìn lại mình” là tập hợp những câu chuyện thực tế, hữu ích về cách nhìn lại chính mình, qua đó biết tự điều chỉnh để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống trước mắt. Cũng như nhiều thông điệp trong cuốn “Quẳng gánh lo đi mà vui sống", cuốn sách đã chỉ cho tôi rằng đôi lúc cần phải “đơn giản hóa mọi việc” để phân biệt giữa “ước muốn” và “nhu cầu” của chính mình, giúp mọi chuyện đỡ rối ren hơn.
“Phút nhìn lại mình” cũng giúp tôi nhận ra những hướng lựa chọn khi phải đối mặt với tình huống khó. Quyết định xuất phát từ sự yêu thương thường giúp chúng ta vui vẻ, mãn nguyện hơn vì đã sống thật với con người mình.
Đây là cuốn sách tôi đặc biệt ưa thích trong Tủ sách Danh nhân, vì thiên tài Edison đã để lại hàng nghìn phát minh và sáng chế phục vụ đời sống xã hội loài người. Trong những câu chuyện kể thú vị về cuộc đời của ông, tôi ấn tượng nhất là hành trình thử nghiệm hàng chục nghìn lần để phát minh ra bóng đèn điện, cũng như cảm hứng làm ô tô điện sau khi nói chuyện với một cụ già gặp khó khăn khi di chuyển hằng ngày. “Thiên tài là 1% cảm hứng và 99% mồ hôi nước mắt” cũng là câu nói của Edison mà tôi tâm đắc nhất trong quá trình nghiên cứu của mình.
Thành Trì (The Citadel) là cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng trong y giới, kể về cuộc sống và những cung bậc cảm xúc của một bác sĩ trẻ vừa ra trường có tên là Andrew Manson. Tôi đã tìm thấy sự đồng cảm với anh khi háo hức với những lý tưởng và hành động tốt đẹp khi hành nghề y nhưng sau đó cũng cảm thấy cuộc đấu tranh chống lại những cổ hủ, cứng nhắc trong hệ thống y tế ở trung ương lẫn địa phương là quá khó.
Tiểu thuyết này được rất nhiều đồng nghiệp của tôi tại Việt Nam đánh giá cao vì kể rõ những tình tiết nói lên mặt trái của nghề y và hệ thống y tế. Dù xảy ra tại nước Anh những năm đầu thế kỷ 20, chúng vẫn rất có nhiều điểm tương đồng với thực trạng hành nghề y ở khá nhiều vùng miền ở Việt Nam hiện nay, một điểm làm bạn đọc thấy gần gũi.
Tôi đặc biệt ấn tượng với những trăn trở của bác sĩ Andrew Manson khi phải đối mặt với những quy chuẩn giá trị của xã hội và y giới thời đó, cân bằng với cuộc sống cá nhân và nhu cầu của gia đình. Cuốn sách mang âm hưởng buồn với kết cục không vui nhưng chứa nhiều thông điệp có thể chia sẻ với các bác sĩ trẻ.
Hành Trình Về Phương Đông là cuốn sách kể về cuộc hành trình của một số nhà khoa học phương Tây đã gạt bỏ thành kiến để tìm hiểu những điều kỳ thú ở phương Đông. Họ đã vượt qua những cảnh phàm trần tại những khu chợ phiên đông đúc để khám phá những giá trị sâu sắc, vĩnh hằng của triết học Phương Đông trên những dãy núi Himalaya.
Tôi tình cờ tìm đến cuốn sách này vào năm 2 đại học Y khoa, khi nhận thấy sự giới hạn của minh triết phương Tây, khi mọi thứ đều cần được đo đạc, biểu kiến và lập luận logic kiểu “vật chất", và xử lý hết vấn đề này lại có tiếp vấn đề khác xuất hiện. Những câu chuyện có vẻ huyền bí, tâm linh trong cuốn sách đã giúp tôi có cái nhìn hài hoà hơn về thế giới xung quanh. Văn hoá Phương Đông thiên về tình cảm, lòng tin nhưng điều này cũng rất quan trọng và đã giúp tôi bổ trợ, chia sẻ góc nhìn mới để khơi dậy tinh thần cho nhiều bệnh nhân ung thư.
Bác sĩ Phạm Nguyên Quý