Adam Grant là nhà tâm lý học kiêm diễn giả, tác giả, thường xuyên viết cho The New York Times và tạo nội dung podcast cho TED. Được xem như một “hiền nhân” trong giới kinh doanh hiện đại, Adam thường tư vấn cho các lãnh đạo của Google, NIKE, NASA, Goldman Sachs… và các công ty hàng đầu thế giới về cách giữ động lực nhân viên, cải thiện văn hoá công sở và tạo nên những cải tiến đột phá.
3 quyển sách đã xuất bản của Adam Grant đều lọt vào danh sách best-seller của New York Times, chinh phục người đọc bằng các nghiên cứu khoa học, dữ liệu thuyết phục và những mẩu chuyện đời thực cuốn hút. Trên hết, không ai có thể phớt lờ những năng lực tư duy quan trọng, cấp thiết mà Adam khởi xướng trong từng ấn phẩm.
1. Tái tư duy
Hãy nhìn lại 2 năm qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, bạn thấy những thay đổi không ngờ nào đã xảy đến? Làm việc từ xa trở nên phổ biến; AI đe dọa công việc thuộc nhiều ngành nghề; Facebook, Twitter và các công ty khởi nghiệp công nghệ - những tượng đài tưởng như không thể sụp đổ - giờ đây đang trải qua “mùa đông băng giá” và chìm sâu trong khủng hoảng.
Thế giới đang trở nên khó lường, bất trắc hơn. Và công việc, đời sống lẫn những niềm tin của chúng ta cũng vậy.
“Dám nghĩ lại”, cuốn sách mới nhất của Adam Grant, bàn về kiểu tư duy giúp ta thích nghi với bối cảnh này, đồng thời nắm bắt cơ hội từ những biến động thời thế. Đó là “tái tư duy” - nhạy bén, linh hoạt, cởi mở trong suy nghĩ, sẵn sàng từ bỏ và thay đổi các quan điểm, niềm tin, ý tưởng.
“Tôi không trông mong chỉ ra hướng đi để người khác tái tư duy sao cho đúng”, Adam nói, “Tôi muốn mọi người học cách suy nghĩ như những nhà khoa học, từ đó đưa ra những quyết định thông tuệ hơn”.
Theo tác giả, tư duy như một nhà khoa học có nghĩa là đề cao sự khiêm nhường hơn tính tự phụ; hoài nghi hơn sự tin tưởng quá mức; tính tò mò hơn sự cố chấp. Và điều quan trọng là cần biến những thái độ đó thành một thói quen hằng ngày, một kỹ năng sống thiết yếu.
Trong sách, Adam Grant bàn về tầm quan trọng của tái tư duy trong mọi ngóc ngách đời sống: Từ chuyện công việc đến tình cảm; từ quyết định cá nhân cho đến tập thể; từ luận điểm nhỏ trong một cuộc tranh luận cho đến một niềm tin cốt lõi mà ta đã ôm khư khư nhiều năm.
Với một thông điệp quan trọng, một “bể” những thông tin và ý tưởng hấp dẫn cùng lối diễn đạt gọn gàng, gần gũi, “Dám nghĩ lại” được The Washing Post bình chọn là cuốn sách phi hư cấu hay nhất năm 2021. Sách cũng lọt vào các danh sách bình chọn và đề nghị của The New York Times, Wall Street Journal, Bloomberg…
2. Tư duy cho đi
Suốt nhiều thế hệ, khi nói đến thành công, chúng ta thường tập trung vào những động lực cá nhân như đam mê, nỗ lực, tài năng và vận may. Nhưng theo Adam Grant, trong thế giới đang chuyển động nhanh như hiện nay, thành công ngày càng phụ thuộc vào một yếu tố đặc thù khác: cách ta tiếp cận và tương tác với người khác.
Đó cũng là chủ đề của “Cho và nhận”, tác phẩm đầu tay của Adam Grant, xuất bản năm 2013. Trong sách, Adam đã phân chia 3 nhóm người chính dựa trên phong cách hành xử: nhóm cho, nhóm nhận và nhóm dung hoà.
Theo Adam, trong khi “nhóm nhận” chỉ biết lợi ích của bản thân, ra sức giành lấy phần có lợi nhất về mình; “nhóm dung hoà” chỉ cho đi và nhận về khi thấy đôi bên đều có lợi; thì người thuộc “nhóm cho” lại luôn hết mình vì người khác, cố gắng giúp đỡ mà không cần đến bất cứ sự đền đáp nào.
“Sự thật là những người luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người đến mức quên luôn bản thân mình là những người ít thành công nhất. Nhưng với cùng một định hướng như thế, kèm theo một vài điều chỉnh nhỏ, họ vẫn có thể trở thành người thành công nhất”, Adam Grant viết.
Làm sao để cho đi thực sự dẫn lối cho thành công? Cho đi như thế nào để tránh rủi ro và sự kiệt sức? Làm thế nào để văn hoá cho đi có thể lan toả mạnh mẽ trong những cộng đồng? Đó là những câu hỏi mà Adam Grant tập trung làm sáng tỏ trong quyển sách này.
Với một thế giới quan mới mẻ, “Cho và nhận” đã đưa Adam từ một tác giả vô danh thành tên tuổi xuất hiện trên tạp chí The Oprah và Fortune. Tác phẩm nằm trong danh sách bán chạy nhất năm 2013 của Amazon, Financial Times và Wall Street Journal; và đến nay, sách đã được dịch sang 30 thứ tiếng.
3, Tư duy “ngược đời” một cách thực tế
Cuối cùng, một thế giới biến động luôn cần thêm nhiều ý tưởng, sáng kiến đột phá đi vào đời sống. “Tôi không nghĩ chúng ta thiếu vắng ý tưởng sáng tạo trong thế giới này. Tôi cho rằng sự thiếu vắng đến từ việc con người không biết cách làm sao để hiện thực hoá chúng”, Adam Grant nói trên tờ Washington Post.
Trong “Tư duy ngược dịch chuyển thế giới”, Adam đã nghiên cứu thói quen và chiến lược của những nhà tiên phong, người thay đổi cuộc chơi và “kẻ phá luật” trong mọi lĩnh vực - kinh doanh, giải trí, nghệ thuật, thể thao, chính trị.
Họ đã trải qua hành trình dài đưa ý tưởng trở thành hiện thực như thế nào? Họ lắng nghe ai khi thẩm định ý tưởng? Họ lên tiếng thế nào để không bị cô lập, không bị xem là “kỳ quặc”, “hoang tưởng”? Và họ giữ sự ổn định về mặt tài chính và cảm xúc ra sao trên chặng đường đó?
Adam Grant đã vén bức màn bao quanh những bí ẩn trên, để từ đó, tiết lộ cho bạn đọc những khám phá ngoài mong đợi. Chẳng hạn, hoá ra, những người tiên phong trong một lĩnh vực thường khá an toàn, ổn định trong những khía cạnh khác; họ thích trì hoãn một cách có chiến lược; không cố tỏ ra cực đoan khi truyền đạt ý tưởng; và họ rất kiên trì tạo ảnh hưởng theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”...
“Tư duy ngược dịch chuyển thế giới” cung cấp các hiểu biết quan trọng để chúng ta nuôi dưỡng tư duy độc đáo, khác biệt và thực sự từ sự khác biệt đó tạo nên những thay đổi tích cực cho chính mình và cộng đồng.