Tác giả bản nhạc này là nhạc sĩ Hoài An, Bắc 54 Hải Phòng, nhà cùng dãy và cách nhà nhạc sĩ Văn Giảng Ai về sông Tương vài chục số nhà. Giữa nhà hai vị nhạc sĩ, trước 1985 là một khu nghĩa địa rộng mênh mông (nay là chợ Phạm Văn Hai).
Có lẽ đây là nhạc sĩ viết về xuân và thôn quê nhiều nhất ở miền Nam trước năm 1975. Về xuân, ngoài Câu chuyện đầu năm, ông còn viết Thiên duyên tiền định (viết chung với Nguyên Lễ – tức nhạc sĩ Hoài Linh) – một nhạc phẩm xuân “nhí nhảnh” hiếm hoi của ông do cặp song ca nổi tiếng Hùng Cường - Mai Lệ Huyền trình bày, Ngày xuân thăm nhau, Chiếc áo mùa xuân, Tâm sự ngày xuân…
Nhạc thôn quê của ông luôn có ánh trăng: Trăng về thôn dã, Trăng lúa miền Nam, Trăng nước miền em, Tình lúa duyên trăng, Dạ khúc đêm trăng, Mộng về đêm trăng, Gửi ánh trăng thề… Ánh trăng trong nhạc của ông chắc chắn không ngẫu nhiên.
“Chúng tôi quen nhau khi cả hai còn nhỏ. Tôi mười lăm, mười sáu tuổi, còn anh ấy hơn tôi hai tuổi. Khi đó, tôi làm nhiệm vụ trông nom các em thiếu nhi. Khi quen nhau, anh giúp tôi dạy hát, tập kịch cho các em thiếu nhi. Thi thoảng, chúng tôi hẹn hò đi chơi riêng. Thời ấy, đèn đuốc không có nên chúng tôi chỉ gặp nhau vào đêm trăng sáng. Đó cũng là lý do anh sáng tác bài hát Trăng về thôn dã” – vợ ông, sáu mươi năm sau thổ lộ điều này trong chương trình “Chân dung cuộc tình” tập 13, cuối năm 2019.
Gia đình nhạc sĩ Hoài An về với Ông Tạ khoảng đầu thập niên 1960, “cùng lứa” dãy nhà hai bên nhà ông, nhìn ra đường 16 mà sau này là Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai, Tân Bình).
Những ngày ấy, Ông Tạ chưa có điện. Đêm, từ nhà, nhìn ra những mảnh đất trồng rau ấy gợi nhớ cho ông rất nhiều về thôn làng Hải Phòng xưa của mình. Và phải chăng trước khi quyết định chọn Ông Tạ làm chốn sinh sống lâu dài, gia đình ông đã từng định cư ở một vùng nông thôn miền Nam, nên mới có hàng loạt nhạc phẩm về “trăng lúa miền Nam”?
Có rất nhiều thắc mắc về tâm tình người nhạc sĩ vốn kín tiếng và sống rất im lặng. Đến mức khi ông mất, năm 2012, thấy nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng tới viếng tang, nhiều người hàng xóm mới biết ông là tác giả của nhiều bài nhạc xuân mình nghe hằng ngày.
Nhạc sĩ Hoài An sống điềm đạm, chừng mực, thu mình vào nội tâm. Ngay từ hồi thanh thiếu niên, khi mới quen với một cô gái kém ông một, hai tuổi tên Đặng Thị Ninh, sau này đã đi cùng ông đến cuối đời, chàng trai mười sáu, mười bảy tuổi Nguyễn Đắc Tịnh (tên thật của ông) đã thú thật với cô gái: “Nhìn thấy ba em, anh sợ quá”. Cha nàng vốn nghiêm khắc, không sợ mới lạ. Sau này, nhà thơ Bùi Chí Vinh, nhà cách nhà ông vài trăm mét, trong một con hẻm nhỏ (gần đầu hẻm là nhà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông) từng viết câu thơ: “Kẻ đáng sợ họ tên gồm bốn chữ: ông già của em”. Nên cũng chả lạ khi sau đó, ông cặm cụi giãi bày tâm tư của mình trong bài Anh muốn đến thăm em với ngụ ý không ngại đường xa mà chỉ sợ nhà không cho quen.
Nhạc sĩ Hoài An và vợ thời trẻ. - Ảnh do gia đình cung cấp |
Hai ông bà có với nhau mười một người con, ba trai, tám gái; tất cả đều được ông dạy dỗ có lẽ cũng nghiêm khắc không kém bố vợ ngày xưa. Và ông lấy chính mình làm gương: chừng mực, nghiêm trang như tên Tịnh của mình. Tám người con gái của ông đều có chữ lót “mai” trong tên: Mai Thảo, Mai Dung, Mai Loan, Mai Trâm, Mai Ly… (Hiện tiệm bia, nước ngọt của gia đình ông trên đường Phạm Văn Hai vẫn mang tên Mai Thảo). Cô nào cũng cao dong dỏng như nhành mai, như cha mình. Trong các nhạc phẩm mùa xuân của ông, hoa mai của mùa xuân phương Nam luôn có mặt: “Xuân mang niềm tin tới - Bao la nguồn yêu mới - Như hoa mai nở phơi phới” (Câu chuyện đầu năm), “Ngắm rừng hoa mai đua nở tuyệt trần” (Tâm sự ngày xuân)…
Như một cách chọn lựa trên vùng đất mới? Thuở ấy, vốn là vùng đất của bà con người Nam cố cựu, mai được trồng khá nhiều trên đất Ông Tạ. Ngay gần nhà ông, hồi học trường cấp hai Ngô Sĩ Liên giữa thập niên 1970, ngày ngày đi bộ qua đây, tôi thấy có nhà trồng mai ngay trên vỉa hè. Trên đường Bùi Thị Xuân, khu vực xung quanh chùa Viên Giác cách nhà ông hơn trăm mét, trước và sau 1975, tôi đi qua còn thấy nhiều bà con cố cựu làng Tân Sơn Hòa xưa trồng khá nhiều mai trước nhà.
Chùa Viên Giác (193 Bùi Thị Xuân, Phường 1, Tân Bình; gần khu vực chợ Phạm Văn Hai) hiện đã được xây dựng lại rất đẹp, có tháp bằng gốm sứ cao nhất Việt Nam. Tuy nhiên, hồi gia đình ông mới về Ông Tạ, mãi cho đến thập niên 1960, chùa vẫn khá nhỏ, do hòa thượng Thích Hồng Tịnh tạo dựng vào năm 1955. Đường vào chùa còn lổn nhổn đất đá. Hẳn ông và gia đình xưa từng đi lễ chùa này?
“Trên đường đi lễ xuân đầu năm
Qua một năm ruột rối tơ tằm
Năm mới nhiều ước vọng chờ mong
May nhiều rủi ít ngóng trông
Vui cùng pháo đỏ rượu hồng”
(Nhạc phẩm Câu chuyện đầu năm)
Nhạc phẩm Câu chuyện đầu năm của ông ra đời năm 1964, ngay lập tức được các ca sĩ “ngôi sao” xưa như Thanh Tuyền, Chế Linh... cất giọng mãi cho đến năm 1975, và sau này vẫn vang lên qua giọng ca Như Quỳnh, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Trà Ngọc Hằng…
Bìa nhạc phẩm Câu chuyện đầu năm và Tâm sự ngày xuân |
Nhạc sĩ Hoài An đã ra đi vào cuối xuân, 15-3-2012. Đất trời sắp vào hạ. Đến năm 2022 là đúng mười năm. Ngôi nhà xưa lặng lẽ giờ vẫn bình yên trên đất Ông Tạ. Trước khi ông mất vài năm, đi làm buổi sáng, tôi hay thấy hai ông bà dắt nhau đi bộ dưỡng sinh từ công viên Hoàng Văn Thụ về nhà. Bà bảo: “Thông thường nhạc sĩ dễ có những chuyện tình ái bên ngoài, nhưng suốt ngần ấy năm chung sống với nhau, chưa bao giờ thấy một người đàn bà nào khác của chồng”. Con gái bà kể: “Thuở sinh thời, mỗi khi ba trò chuyện, mẹ đều ngồi lắng nghe đầy vẻ hạnh phúc, có khi mấy tiếng”.
Sau năm 1975, ông vẫn sáng tác nhạc, vẫn là những bài hát về mùa xuân, về thôn quê, nhưng có vẻ buồn nhiều hơn vui: Chỉ còn xuân thôi, Đón xuân nhớ mẹ… Và một ca khúc về mẹ nhưng có tên rất lạ: Anastasia. Ông còn nhiều nhạc phẩm phổ biến chưa rộng hoặc chưa phổ biến: Em vẫn là hoa khôi trong mắt anh, Viết thêm vào hồn quê, Thêm một tình quê…
Những năm cuối đời, ông càng thu mình để nghiên cứu, chiêm nghiệm tử vi. Còn bà, năm 2022 này, đã chín mươi hai tuổi, tóc trắng phau nhưng nhìn vẫn trẻ và sang trọng lắm. Bà vẫn ở ngôi nhà xưa cùng các con trên đất Ông Tạ.