Theo phép Phân tích Tương giao, trong mỗi con người đều có sự hiện diện của ba trạng thái cái tôi:
- Cái Tôi Cha Mẹ (P – Parent)
- Cái Tôi Người Lớn (A – Adult)
- Cái Tôi Trẻ Em (C – Child).
Mỗi trạng thái này đều có khuôn mẫu hành vi, cảm xúc đặc trưng và có khả năng chi phối con người.
Cái Tôi Trẻ Em (C – Child)
Đây là Cái Tôi được hình thành sớm nhất, bao gồm một hệ thống các khuôn mẫu hành vi, cảm xúc, thái độ mang theo vết tích thời thơ ấu của mỗi người.
Đây là Cái Tôi tập hợp những dữ kiện "nội tại", ghi lại phản ứng của đứa trẻ với những gì nó quan sát và cảm thấy.
Cái Tôi C bắt đầu hình thành từ giai đoạn tiền ngôn ngữ, vì vậy phần lớn nội dung của nó đều thuộc về cảm xúc. Cảm xúc của Cái Tôi C chia thành hai mảng rõ rệt: Sự vui tươi, phấn khởi, ấm áp đến từ những khám phá ấu thơ và sự sợ hãi, bất lực, lệ thuộc đến từ một đứa trẻ chưa có khả năng tự vệ hay tự chăm sóc mình.
Cái Tôi C là thành phần "phải có" trong sự phát triển bình thường của một con người. Một mặt, nó là nền tảng để mỗi người xây dựng ý niệm về bản thân.
Mặt khác, Cái Tôi C mang tính tự nhiên, quyến rũ, vui tươi, là thứ giúp một con người trải nghiệm hạnh phúc trong cuộc sống.
Cái Tôi Cha Mẹ (P – Parent)
Cái Tôi P cũng hình thành sớm và bắt đầu phát triển mạnh mẽ nhất vào giai đoạn “khai sinh xã hội”, tức độ tuổi đến trường, và sẽ được điều chỉnh liên tục trong suốt cuộc đời (khi tương tác với những người có thẩm quyền hơn mình).
Cái Tôi P tập hợp dữ kiện từ các sự kiện "ngoại tại", được ghi nhận từ cha mẹ hoặc người chăm sóc, giám hộ hay những người có thẩm quyền nói chung.
Bởi vì những dữ kiện từ cha và mẹ (hoặc những người chăm sóc khác) cũng bao gồm ba trạng thái cái tôi của chính họ, nên Cái Tôi P rất phức tạp và có thể vận hành sai chức năng khi dữ kiện thực tế đã thay đổi.
Cái Tôi P có đặc điểm chuyên quyền, quyết đoán (và độc đoán), không xem xét lý lẽ.
Cái Tôi Người Lớn (A – Adult)
Cái Tôi A hình thành trong quá trình khám phá thế giới, kiểm chứng thông tin và tích lũy kinh nghiệm của đứa trẻ.
Cái Tôi A là thành phần “lý trí”, dù nó có thể nhận biết cảm xúc, nhưng không chứa đựng cảm xúc – đúng hơn là nó vẫn “thể hiện” cảm xúc, nhưng bằng cách điều chỉnh cảm xúc cho phù hợp.
Cái Tôi A là thành phần duy nhất có khả năng đánh giá hai thành phần còn lại với mục đích cập nhật dữ liệu và tạo ra trạng thái cân bằng.
Đây cũng là trạng thái lành mạnh có khả năng hướng con người đến tự chủ và hạnh phúc.
Các trạng thái cái tôi này có thể “xâm lấn” nhau
Đó là khi cái tôi này có thể chịu ảnh hưởng từ dữ liệu của cái tôi khác, ta gọi tình trạng này là “cái tôi bị ô nhiễm”.
Mức độ ô nhiễm thông thường có thể bóp méo nhận thức về thực tại, mức độ nghiêm trọng có thể gây ra hoang tưởng.
Thường thấy nhất là Cái Tôi A bị ô nhiễm bởi những dữ liệu từ Cái Tôi P và thể hiện ra ngoài dưới dạng thành kiến.
Ở chiều ngược lại, cá nhân có thể có các trạng thái cái tôi quá mạnh mẽ, đến độ “bất khả xâm phạm”, nó loại trừ tất cả các dữ liệu mâu thuẫn hoặc khác biệt với dữ liệu vốn có. Tình trạng này được gọi là “sự loại trừ”.
Một cái tôi mang tính loại trừ sẽ không chấp nhận bất kỳ điều gì mới, nó phong tỏa những cái tôi khác. Hậu quả là cá nhân không thể sử dụng các trạng thái cái tôi phù hợp với ngoại cảnh.
Mặc dù các khái niệm này có vẻ liên quan đến các khái niệm của Freud về Cái Nó, Cái Tôi và Cái Siêu Tôi, nhưng Phân tích Tương giao khẳng định trạng thái Cái Tôi P, A, C mang ý nghĩa hoàn toàn khác biệt [Và tuy thường được xếp vào trường phái phân tâm kiểu mới (neo–analytic), Berne phủ nhận việc kế thừa các học thuyết của Sigmund Freud].
Các trạng thái cái tôi trong thuyết Phân tích Tương giao đều được thể hiện dưới hình thức những hành vi thực tế, có thể quan sát được, có tính xã hội và có thể trải nghiệm, trong khi ba khái niệm của Freud ngụ ý chỉ cấu trúc tâm lý của con người và là những khái niệm dựa trên suy luận.
Ngoài ra, phân tâm học của Freud xem xét tư duy ở tầng vô thức, còn Phân tích Tương giao của Berne chỉ tập trung vào những hành vi có ý thức và có thể quan sát được.
Phép Phân tích Tương giao được bác sĩ tâm thần Thomas Harris chia sẻ chi tiết trong cuốn sách “Tôi ổn - Bạn ổn” - Cuốn sách giúp gỡ bỏ gánh nặng “Tôi không ổn” từ tuổi thơ để sống hạnh phúc. Đây là một trong cuốn sách tâm lý học đại chúng kinh điển “Tôi ổn - Bạn ổn” (“I’m OK - You’re OK”) sẽ đưa chúng ta trở về với tuổi ấu thơ, lý giải nguồn gốc của những khuôn mẫu hành vi tiêu cực trong hiện tại, giúp hàng triệu người chưa-bao-giờ-thấy-mình-ổn trở nên ổn hơn.