Mỗi người là duy nhất và không thể so sánh được - bạn chỉ là chính bạn; trước đây chưa từng có ai giống bạn và sau này cũng vậy. Bạn cũng không cần giống bất cứ ai. Sự hiện hữu chỉ tạo ra những bản gốc; sự hiện hữu không tin vào những bản sao chép.
Một lão nông đang ủ rũ về những thiệt hại do lũ lụt gây ra, một người hàng xóm hét lên: “Đàn lợn nhà tôi đã bị nước lũ cuốn trôi hết rồi!”
“Đàn lợn nhà Thompson thì sao?”, lão nông hỏi.
“Chúng cũng bị cuốn trôi rồi.”
“Thế còn đàn lợn nhà Larsen?”
“Cũng vậy.”
“Ha!”, lão nông lẩm bẩm với vẻ phấn khởi. “Vậy thì không tệ như mình nghĩ.”
Nếu tất cả những người khác đều đau khổ, bạn cảm thấy được an ủi. Còn tất cả những người khác đều hạnh phúc và thành công, bạn cảm thấy cay đắng. Nhưng ngay từ đầu, tại sao ý nghĩ về người khác lại xuất hiện trong đầu bạn? Bạn chỉ nhìn vào vẻ ngoài của mọi người, bởi vì bạn chỉ có thể nhìn thấy vẻ ngoài. Bạn biết nội tâm của mình và bạn biết vẻ ngoài của người khác - điều đó tạo ra sự ghen tị. Họ biết vẻ ngoài của bạn và họ biết nội tâm của họ - điều đó tạo ra sự ghen tị.
Bạn biết nội tâm của mình - và chỉ có bạn chứ không ai khác biết về nó. Bạn biết vẻ bề ngoài của người khác, và mọi người đều trưng diện cho vẻ bề ngoài của họ thật xinh đẹp, như cách bạn đã làm với vẻ ngoài ủa mình. Vẻ bề ngoài là những món đồ trưng bày và chúng rất dối trá.
Có một câu chuyện cổ như sau trong cộng đồng Sufi: Một người đàn ông nọ luôn phiền não bởi những nỗi đau khổ chất chứa. Mỗi ngày, anh ta cầu nguyện với Thượng đế: “Tại sao lại là con? Mọi người dường như rất hạnh phúc, sao chỉ mình con đau khổ?”. Một ngày nọ, vì quá tuyệt vọng, anh ta cầu xin Thượng đế: “Ngài có thể trao cho con nỗi khổ của bất kỳ người nào khác, con sẵn sàng chấp nhận. Nhưng xin hãy mang nỗi khổ của con đi đi, con không thể chịu đựng được nữa”.
Đêm hôm đó, anh ta có một giấc mơ đẹp - đẹp và rất gợi mở. Anh ta mơ thấy Thượng đế hiện ra trên bầu trời và nói với mọi người: “Hãy mang tất cả những nỗi khổ của các con vào trong đền”. Mọi người đều mệt mỏi vì phải chịu đựng những thống khổ của mình; trên thực tế, lúc này hay lúc khác, mọi người đều cầu nguyện: “Tôi sẵn sàng chấp nhận nỗi khổ của người khác, nhưng hãy mang đau khổ của tôi đi đi; tôi không thể chịu đựng được nữa”.
Vì vậy, mọi người gom hết đau khổ của mình vào những chiếc túi và tiến về phía ngôi đền, và tất cả đều trông rất vui vẻ. Cuối cùng thì ngày này cũng đến, lời cầu nguyện của họ đã được lắng nghe! Và người đàn ông, nhân vật chính của câu chuyện này, cũng vội vã chạy đến ngôi đền.
Sau đó, Thượng đế nói: “Hãy đặt túi của các con ngay cạnh tường”. Tất cả những chiếc túi đều được đặt cạnh tường, và sau đó, Thuợng đế tuyên bố: “Bây giờ, các con có thể chọn. Các con có thể lấy bất kỳ chiếc túi nào”.
Thật bất ngờ, người đàn ông này, người đã luôn cầu nguyện, đã vội vã lấy chiếc túi của mình trước khi ai khác có thể lấy mất! Và người đàn ông đó cũng bất ngờ, bởi vì mọi người đều vội vã chọn chiếc túi của chính họ, và mọi người đều vui vẻ khi làm vậy.
Tại sao lại như vậy? Lần đầu tiên, mọi người đều nhìn thấy nỗi khổ của người khác, sự chịu đựng của người khác - chiếc túi của người khác đều to như túi của họ, thậm chí còn to hơn!
Nguyên nhân thứ hai là mọi người đều đã quen với nỗi khổ của mình. Giờ đây, nếu họ phải chọn nỗi khổ của người khác thì ai mà biết được có nỗi đau gì bên trong những chiếc túi ấy? Sao phải chọn làm gì? Ít ra bạn đã quen với nỗi khổ của mình và đã thích ứng với chúng. Và chúng đều là những nỗi khổ mà bạn có thể chịu đựng được; bạn đã chịu đựng chúng suốt nhiều năm như vậy, tại sao phải chọn những nỗi khổ mà bạn không biết rõ?
Mọi người vui vẻ trở về nhà. Không có gì thay đổi, họ mang về chính những đau khổ trước đó, nhưng ai cũng vui vẻ và mỉm cười và hân hoan vì có thể lấy lại chiếc túi của mình.
Sáng hôm sau, người đàn ông cầu nguyện với Thượng đế và nói: “Cảm ơn Ngài về giấc mơ đêm qua; con sẽ không bao giờ cầu xin chuyện đó lần nữa. Bất cứ điều gì Ngài trao cho con đều có lợi cho con, phải có lợi cho con; đó là lý do tại sao Ngài đã trao nó cho con”.
Vì ghen tị mà bạn phải liên tục chịu đau khổ và trở nên xấu tính với người khác. Vì ghen tị mà bạn bắt đầu trở nên giả tạo, bạn bắt đầu giả vờ. Bạn giả vờ về những thứ mình không có, bạn giả vờ về những thứ bạn không thể có, những thứ không tự nhiên với bạn. Bạn ngày càng trở nên giả tạo. Người ghen tị sống trong địa ngục. Hãy ngừng so sánh, và như thế, lòng ghen tị sẽ biến mất, sự xấu tính sẽ biến mất, sự giả mạo sẽ biến mất.
Nhưng bạn chỉ có thể từ bỏ so sánh nếu bạn bắt đầu nuôi dưỡng được những kho báu trong nội tâm mình; không có cách nào khác. Bạn cần trưởng thành, trở thành một người ngày càng chân thật. Yêu bản thân và tôn trọng bản thân đúng với cách sự hiện hữu đã tạo ra bạn, và ngay sau đó, những cánh cửa thiên đường sẽ mở ra cho bạn. Những cánh cửa đó luôn rộng mở; chỉ là bạn đã không nhìn thấy chúng.