Sau tiết kiệm tiền, sống tối giản, “second-hand” đang trở thành một trong những từ khóa chi tiêu của một bộ phận giới trẻ. Việc mua bán những món đồ cũ không phải là mới nhưng số lượng người theo cách mua sắm này ngày càng tăng lên. Theo báo cáo của QuestMobile, thế hệ các bạn trẻ sinh sau những năm 90 là nhóm mua sắm chính mặt hàng này.
Một số người trẻ chia sẻ họ có thể mua ô tô đã qua sử dụng, điện thoại di động, máy ảnh và những đồ gia dụng. Sách cũng là món đồ cũ được mua nhiều nhất. Tuy nhiên việc mua sắm những món đồ cũ cũng tiềm ẩn những nguy cơ cao khi việc tìm ra món đồ chất lượng từ người bán tin cậy, cách phân biệt độ thật giả của hàng cũ, nếu không cẩn thận sẽ "tiền mất tật mang" ngay.
Thế nhưng nhiều bạn trẻ vẫn rất quan tâm và lựa chọn tối tiêu dùng này. Đồng hành với việc mua đồ cũ, nhiều người trẻ nhận ra đây là cách mua sắm hợp lý với túi tiền và bảo vệ môi trường.
Mua đồ cũ là một trong những cách tiết kiệm tiền hàng ngày của Trang, hiện đang sống tại Cầu Giấy, Hà Nội. Cô tự nhận mình là người sành sỏi trong việc thu thập các món đồ cũ còn hữu ích trên các nền tảng đồ cũ về dùng. Và Trang có những quy tắc riêng về việc mua đồ cũ, những món nào không được mua.
Cụ thể, Trang chọn những thiết bị gia dụng nhỏ và các sản phẩm kỹ thuật số có độ phổ biến để nếu hỏng có thể sửa được. Chẳng hạn, Trang đã mua nồi chiên không dầu, máy pha cà phê đều là đồ cũ. Lần chuyển nhà gần nhất của Trang, cô đã mua một chiếc máy lọc không khí cũ trên hội nhóm thanh lý với giá chỉ 1 triệu đồng. Cùng dòng này, nếu mua mới Trang cần tới 4 triệu.
"Tần suất tôi ở nhà không nhiều, chủ yếu sử dụng về đêm. Nên nếu bỏ ra số tiền lớn tôi cảm thấy quá lãng phí. Đến chiếc iPhone X mà tôi đang dùng cũng là hàng mua cũ. Ngân sách của tôi chỉ có 9 triệu, nhưng giá điện thoại dòng này nếu mua mới lại quá đắt. Sau khi nghe lời khuyên của một người bạn am hiểu về công nghệ, tôi đã mua 1 chiếc máy cũ bán sang tay, tiết kiệm được gần chục triệu đồng vào thời điểm đó".
Chương trình khuyến mãi theo từng tháng, ví dụ như 1/1, 2/2, 3/3 của các sàn thương mại điện tử cũng kéo theo hàng ngàn sản phẩm được giảm giá lớn. Đương nhiên, việc tham gia mua sắm trong những đợt khuyến mại này không phải là lựa chọn của những người thích mua sắm đồ cũ. Bởi việc thu thập mã voucher giảm giá quá phức tạp và cần nhiều thời gian. Chưa kể nhiều thương hiệu thường tặng kèm quà thay vì chiết khấu giá thực tế.
Nhưng sau những đợt sale lớn, nhiều người "mua sắm bốc đồng" có xu hướng thanh lý những món đồ mới mà họ trót đặt mua nhưng không cần dùng tới. Phương Mai (hiện đang sống tại Sài Gòn) thường xuyên mua đồ thanh lý của những người này. Mai cho biết, những mặt hàng này chủ yếu cô mua lại từ bạn bè và người quen. Độ chiết khấu từ 10% đến 30%. Chẳng hạn Mai từng mua sách, cây xanh và đồ nội thất theo cách này.
"Tôi từng mua 1 chiếc gương soi toàn thân với giá chỉ bằng 1/4 giá gốc. Hay đồ tập thể dục cũng vậy. Một người bạn của tôi đã mua chiếc máy tập với giá 10 triệu, được giảm 40% còn 6 triệu trong một đợt khuyến mãi lớn. Nhưng cô ấy quá bận rộn và không thể sử dụng nó thường xuyên. Khi làm online ở nhà, tôi tình cờ biết việc đó và đề nghị cô ấy thanh lý lại với mức giá 2,5 triệu. Và kết quả là hiện tại, tôi đang sử dụng chiếc máy tập đó tại nhà", Mai chia sẻ.
Mai cho biết, mặt hàng dụng cụ tập thể dục có mức giá không rẻ, nhưng có nhiều người mua về lại không sử dụng thường xuyên. Đó là lý do nó cũng là một trong những sản phẩm được mua bán nhiều nhất trên các hội nhóm thanh lý đồ cũ.
Còn Bảo Ngọc (sinh viên mới ra trường, 21 tuổi ở Hà Nội) lại thích mua sắm quần áo trên các nền tảng đồ cũ. Cô đã mua một chiếc áo khoác ấm với giá chỉ 150k, 1 chiếc chân váy công sở giá 80k, áo sơ mi giá 100k để diện cho buổi phỏng vấn xin việc của mình. Trong những bức ảnh chụp gần đây nhất của Ngọc, đến 80% quần áo xuất hiện đều là đồ thanh lý. Có những chiếc áo hàng hiệu từ Tommy Hilfiger còn rất mới, Ngọc chỉ mua với giá 250k.
Dù chỉ là quần áo cũ, Ngọc vẫn khẳng định bản thân chỉ ưu tiên mua những món đồ phù hợp, không mua sắm bốc đồng. Cô gái trẻ cũng đã nghĩ trước đến cách phối cho món đồ mình mua."Tôi chỉ mua món đồ hợp phong cách và giá cả phải chăng",Ngọc cho biết.
Cũng mua đồ cũ, nhưng Liên (hiện đang sống tại Hà Nội) lại có trải nghiệm "lọt hố" đáng tiếc khi mua 1 sản phẩm đã qua sử dụng. "Tôi mua điện thoại di động cũ trên 1 nền tảng thanh lý hội nhóm. 2 tuần đầu, chiếc điện thoại dùng ổn nên tôi đã vui vì mình tìm được món hàng lời. Nhưng chỉ sau 1 tháng thì nó đã không thể mở khóa bằng vân tay nữa. Màn hình của máy cũng gặp vấn đề. Thời gian bảo hành hết, liên hệ với người bán toi nhận được câu trả lời rằng đã hết thời gian dùng thử họ sẽ không chịu trách nhiệm với những hỏng hóc phát sinh", Liên chia sẻ.
Sau đó, Liên nhận thấy rằng trên các nhóm thanh lý có nhiều người đăng các sản phẩm điện thoại, đồ dùng điện tử cũ lại chính là những người bán hàng chuyên nghiệp. Để kiếm lợi nhuận, họ có thể chỉ cần tân trang lại máy cũ và bán lại như một mặt hàng chất lượng tốt. Thực tế chỉ sau 1 đến 2 tháng sử dụng sẽ phát sinh hỏng hóc. Lúc này, người mua sẽ phải chịu hậu quả.
Đối với các danh mục "đồ cũ" khác nhau, người mua phải có những kỹ năng đặc biệt. Bảo Ngọc cho rằng khi mua quần áo cũ điều quan trọng nhất là phải biết kiểu dáng và kích cỡ của quần áo. Hãy hỏi người bán tình trạng của quần áo thay vì chỉ nhìn vào mức giá rẻ.
Còn khi mua đồ gia dụng hoặc sản phẩm kỹ thuật số, Trang thường bảo người bán quay một đoạn video về chức năng của sản phẩm để đánh giá mức độ hư hỏng, mới cũ. Khi mua sản phẩm chăm sóc da, thì người bán phải cung cấp giấy chứng nhận giao dịch hoặc ảnh chụp màn hình đơn hàng để chứng minh rằng đó là hàng thật.
Lý do phần lớn giới trẻ thích mua đồ cũ là để tiết kiệm tiền. Trang chia sẻ, năm trước cô tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ khoa tiếng Nga và hiện đang làm freelancer nhập liệu tại một công ty nước ngoài với số lương nhận theo giờ. Trung bình, Trang nhận được chỉ từ 80 nghìn cho tới cao nhất là 200 nghìn/giờ với từng đầu việc. Thu nhập 1 tháng dao động từ 10 - 13 triệu. Với số lương không cao nhưng Trang vẫn mong bản thân có tiền gửi tiết kiệm cố định hàng tháng và 1 khoản gửi vào quỹ khẩn cấp để chống đỡ rủi ro nhất định trong cuộc sống.
Cô đặt mục tiêu tiết kiệm 4 triệu/tháng, 3 triệu cho quỹ khẩn cấp để phòng trừ rủi ro. Số còn lại cô sẽ trang trải cho các nhu cầu thiết yếu khác. "Ban đầu tôi nghĩ việc tiêu từ 5 - 7 triệu/tháng cho tất cả nhu cầu sống ở thành phố lớn là rất khó tin. Nhưng tôi thấy nhiều thứ rất rẻ nếu mình biết chọn đồ đã qua sử dụng. Chưa kể, tôi không muốn tiết kiệm trong việc ăn uống và giải trí. Thứ có thể tiết kiệm duy nhất là quần áo và đồ dùng gia dụng, túi xách, mỹ phẩm".
Trong mắt nhiều người, việc sử dụng đồ cũ và mặc đồ cũ sẽ bị coi thường, nhưng thực chất quan điểm này lại không đúng với nhiều người trẻ. Họ cho rằng đây không phải là một sự hạ cấp tiêu dùng mà giống như cách tiêu dùng lý trí nhiều hơn.
Còn theo quan điểm của Phương Mai, việc giới trẻ bắt đầu tiêu dùng đồ cũ có thể là do những năm gần đây giá cả ngày càng tăng cao hơn, cùng với tác động của dịch bệnh lên thu nhập, một số người có tâm lý bảo vệ môi trường, tái chế tài nguyên nên cách mua sắm này càng rộ lên nhiều hơn.