Ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, trường Đại học FPT được đồng nghiệp, công chúng nhớ đến với hình ảnh một nhà chiến lược có quyết định đột phá trong kinh doanh; một lãnh đạo xông pha ở nhiều chiến tuyến; một diễn giả - thầy giáo - giám khảo hóm hỉnh và linh hoạt; một cá nhân với nhiều sở thích và đam mê trong đời sống.
Ít ai biết rằng trong quá khứ, ông cũng trải qua một quãng thời gian khó khăn, "không thấy lối ra" trong cuộc sống. Thời điểm đó - năm 2011, vào chuỗi ngày đầy khó khăn, con gái đã gọi điện về nói muốn ăn cơm và mọi chuyện bắt đầu thay đổi.
12 năm sau, trong buổi trò chuyện với sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), tại sân khấu TEDxNEU, Sếp Hoàng Nam Tiến đã có những chia sẻ quan điểm về sự khác biệt trong thang đo hạnh phúc của mỗi người, mỗi thế hệ và làm cách nào cách nào để kiến tạo hạnh phúc, thành công phù hợp với bản thân.
Mở đầu buổi trò chuyện, Sếp Tiến cho biết, năm 2011, gia đình đối mặt với cơn bão lớn, kèm theo đó là công việc đình trệ, mọi thứ đổ vỡ. Sếp Tiến đã sống vô cảm trong quãng thời gian dài, không biết bản thân nên làm gì, quyết định gì.
Rồi vào một buổi chiều, con gái lớn của Sếp Tiến gọi điện nói rằng: "Ba ơi, chiều con về ăn cơm". Câu nói của con khiến Sếp nhận ra mình còn nhiều thứ trên đời, còn con cái phải chăm sóc. Sếp Tiến định thần lại, quyết định bước ra khỏi vùng tối tăm.
Việc đầu tiên để lấy lại tinh thần là ông dành toàn bộ thời gian buổi chiều nấu ăn cho con. Ông đã nấu món rau muống luộc, nước rau dầm sấu, rau muống xào không hành tỏi, trứng rán - những món yêu thích của con. Buổi tối của 2 cha con diễn ra vui vẻ bên mâm cơm sum vầy, cùng nhau trò chuyện vu vơ, không nói chuyện gì vĩ đại, cũng chẳng bàn về lý tưởng sống.
Sếp Hoàng Nam Tiến trầm ngâm: "Bữa ăn với con giúp tôi cảm tưởng như chưa từng có cơn bão quét qua ngôi nhà. Chính hôm đó, tôi nhận thấy một lối ra. Tôi dần khôi phục sự tự chủ, vai trò người cha, người đàn ông, người lãnh đạo.
Tôi hiểu được phải học cách sống chung với biến cố và những môi trường mới, hoàn cảnh mới, nhiệm vụ mới. Cuộc sống mới lại bắt đầu, mục tiêu mới lại bắt đầu, và tôi hiểu rằng cuộc đời cũng có những lúc chìm trong bóng tối nhưng cần định thần lại và nhanh chóng vượt qua. Càng những năm về sau, khi nghĩ lại, tôi thầm cảm ơn con gái đã tiếp sức cho tôi bước về phía trước, giúp tôi một lần nữa biết mình là ai, dù khi ấy tôi đã hơn 40 tuổi".
Bàn luận tiếp về cách định vị bản thân, Sếp Tiến chia sẻ, nhiều bạn trẻ ngày nay dậy muộn, lười biếng, chụp hàng trăm bức ảnh và dành cả tiếng để sửa, để đăng lên TikTok rồi đếm like, đếm comment, không quan tâm gia đình, không có mục đích cho tương lai. Các bạn trẻ gọi đó là "chill".
Sếp Tiến trầm ngâm: "Tôi nghĩ mãi không biết dịch từ 'chill' ra tiếng Việt nhưng theo tôi hiểu đó là 'thả trôi'. Đi uống cà phê cũng là chill, ăn chân gà cũng là chill, lướt TikTok cũng là chill. Các bạn thả trôi đời mình mà không cần quyết tâm, cố gắng, không đặt ra mục đích, không có động lực.
Tuy nhiên tại hội trường này cách đây mới chỉ 3 tháng, tôi được chứng kiến các bạn sinh viên NEU hào hứng chia sẻ về dự án startup. Các bạn kể chuyện ngày đi học, đêm làm dự án khởi nghiệp. Các bạn kể về sự vất vả, nỗi gian khó, thậm chí là mất tiền vào dự án. Và cũng tại hội trường này, các bạn đã được công nhận, dành chiến thắng ở dự án".
Từ câu chuyện trên, Sếp Tiến nhận ra hạnh phúc với mỗi người rất khác nhau. Sếp kể về khoảnh khắc ký hợp đồng 106 triệu USD bên nước Đức hay khi ký hợp đồng ở Vị Xuyên trị giá 44 nghìn đồng đều mang lại niềm vui như nhau. Đó là cảm giác thành công sau nhiều ngày chuẩn bị cho dự án lớn, đêm chỉ ngủ 2 – 3 tiếng, ngày di chuyển liên tục.
Hay niềm hạnh phúc của thế hệ đi trước rất khác thế hệ sau. Người cha của Sếp Tiến là tướng Hoàng Đan từng viết bức thư gửi cho vợ: "Anh phải đi chiến đấu, anh chọn cho mình việc vất vả để các con của chúng ta được học hành đến nơi đến chốn". Đã có một thế hệ cha ông đặt cho mình mục tiêu đi chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước.
Mỗi thế hệ sẽ có định nghĩa riêng về hạnh phúc. Mọi con đường đều có thể dẫn đến thành Rome. Nếu nghĩ kỹ, bạn sẽ thấy 'thành Rome' của mỗi người mỗi khác. Và theo Sếp Tiến, 'thành Rome' không thể xây trong một ngày, và hạnh phúc cũng thế.
Cuộc đời mỗi người là một chuỗi lựa chọn. Mỗi thời điểm chúng ta đều quyết định sự lựa chọn cho bản thân. Hãy chọn sao cho khỏi ân hận, áy náy, tiếc nuối sau này. Mỗi lựa chọn không có cao - thấp, đúng - sai. Trước khi lựa chọn, bạn hãy dừng lại một giây để suy nghĩ.
Cũng như Sếp Tiến - khi lựa chọn bước ra khỏi bóng tối và nấu ăn cho con gái, Sếp Tiến biết chắc đó là lựa chọn của một người cha, một người đàn ông, một người chọn gánh vác trách nhiệm, chọn bước tiếp. Sếp Tiến bật mí thêm, sau này khi nấu cho con ăn sẽ diễn ra vào dịp đặc biệt và nấu thật ngon. Bởi Sếp Tiến muốn qua bữa ăn, các con hiểu được tấm lòng của người cha.
"Sau này cuộc đời tôi có nhiều lựa chọn khác, nhiều thử thách khác. Nhưng với tôi, bữa ăn năm đó là một trong những lựa chọn quan trọng nhất, không chỉ quyết định tương lai của mình, của các con, của công ty mà còn giúp tôi có niềm tin kiên định vào đạo đức, bản ngã và sự lựa chọn của mình.
Ngày hôm nay, tôi không cho rằng việc sống 'chill' của nhiều bạn, lựa chọn hy sinh của thế hệ trước hay lựa chọn cố thêm một chút nữa của chúng tôi không hơn kém nhau. Bạn làm gì là tùy vào lựa chọn của bạn. Nhưng bạn phải hiểu rõ, từng lựa chọn sẽ tạo nên con người, kiến tạo hạnh phúc của bạn, của những người thân, người yêu quý bạn và cộng đồng xung quanh.
Hãy dừng lại một giây để quyết định lựa chọn nhằm hướng tới hạnh phúc của chính mình. Thế hệ cha ông chọn mục tiêu cao cả làm hạnh phúc. Thế hệ của tôi chọn con đường, hành trình làm hạnh phúc. Các bạn chọn cho mình mỗi thời điểm hiện tại làm hạnh phúc", Sếp Tiến nhấn mạnh.