Nhà báo Thu Uyên và 16 năm đưa gần 2.000 gia đình đoàn tụ trong nước mắt

PV15/01/2024 10:00
Nhà báo Thu Uyên và 16 năm đưa gần 2.000 gia đình đoàn tụ trong nước mắt

16 năm theo đuổi một hành trình với Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly, nhà báo Thu Uyên không chỉ là cầu nối cho hàng nghìn trường hợp bị thất lạc người thân, mà còn là người đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người xem về sự nhiệt huyết và lòng tốt của mình.

Theo năm tháng, Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly đã trở thành chương trình "quốc dân", một chương trình mà có thể mang đến những nụ cười, những giọt nước mắt, và lay động cả những trái tim.

WeChoice Awards 2023 rất vinh hạnh khi có sự góp mặt của nhà báo Thu Uyên trong vai trò thành viên Hội đồng thẩm định. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện thật ý nghĩa với chị trong một ngày đầu năm mới, để cùng nhìn lại hành trình đã qua của Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly, và cũng là nghe chị sẻ chia thêm những suy nghĩ của mình về WeChoice Awards 2023.

Suốt 16 năm với 5.500 ngày tìm kiếm, chương trình đã tìm được hơn 2.800 trường hợp thất lạc và tổ chức đoàn tụ cho gần 2.000 đại gia đình. Bản thân Nhà báo Thu Uyên và ekip không xem Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly là một chương trình mà là một hoạt động thiện nguyện. Cách nhìn nhận này giúp những người thực hiện chương trình hết lòng, say mê với công việc tìm kiếm, giúp những trường hợp thất lạc đoàn tụ với gia đình một cách ấm áp, xúc động nhất.

Khi người ta quyết đi tìm nhau nghĩa là họ đã dành hết 30-40 năm cuộc đời cho cuộc tìm kiếm đó

Điều gì thôi thúc khiến chị bắt đầu chương trình "Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly"?

16 năm trước - năm 2007, chiến tranh vẫn chưa quá xa như bây giờ, xã hội đang trong đà phát triển rất nhanh, vậy nên những câu chuyện thất lạc cũng còn rất nhiều và cũng chưa có những công cụ giúp mọi người tìm được nhau. Thời điểm ấy, người ta chỉ có thể đăng tin lên báo đài và cũng chẳng có một hệ thống nào để xử lý việc nhận tin cũng như kết nối và tìm kiếm. Những mẩu tin như vậy trôi trượt đi dần và lượng người có thể tìm được nhau gần như là không có. Điều đấy thôi thúc tôi nhất định phải thực hiện một chương trình giúp mọi người có thể tìm kiếm được nhân thân của mình.

Nghệ sĩ Quyền Linh, BTV Thu Uyên lần đầu đảm nhận vị trí Hội đồng thẩm định WeChoice Awards 2023 - Ảnh 3.
Nghệ sĩ Quyền Linh, BTV Thu Uyên lần đầu đảm nhận vị trí Hội đồng thẩm định WeChoice Awards 2023 - Ảnh 3.
Nghệ sĩ Quyền Linh, BTV Thu Uyên lần đầu đảm nhận vị trí Hội đồng thẩm định WeChoice Awards 2023 - Ảnh 3.

Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly đã lấy đi nước mắt của rất nhiều khán giả.

Từ những năm 2000, tôi đã nung nấu ý tưởng về một chương trình như vậy và có đặt vấn đề với lãnh đạo VTV. Nhưng ngay cả VTV lẫn chính tôi đều không đủ khả năng làm phần việc… thám tử, và VTV cũng chưa có chức năng tìm người thất lạc mà chỉ gói gọn trong việc tìm ra và đến quay. Tôi không tìm được cách để xử lý và cứ thế cho đến năm 2003, 2004 - khi bắt đầu có xã hội hóa báo chí với các chương trình truyền hình, tôi mới tìm cách đặt lại vấn đề với cơ quan. 2007 đánh dấu việc Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly phát sóng tập đầu tiên. Đó là cả một hành trình rất dài kể từ khi tôi ấp ủ ý tưởng cho đến khi chương trình thành hình.

Theo dõi Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly - tôi luôn có một sự thắc mắc rất lớn về quy trình tìm kiếm của cả ekip. Có những trường hợp đến với chương trình với những manh mối rất mơ hồ….

Thú thật là, phải đến 4 năm trước chúng tôi mới cô đọng rồi viết lại một quy trình.

Việc ekip mở rộng và tuyển thêm những nhân sự mới đòi hỏi một quy trình làm việc rõ ràng để các bạn có thể nhìn rồi bắt tay làm việc luôn. Quá trình tìm kiếm bao giờ cũng sẽ bắt đầu với những manh mối, rồi từ những manh mối đó - sự suy luận vào cuộc. Khi viết quy trình, chúng tôi tạm phân định ra 4 cách tìm khác nhau với những hướng làm việc khác nhau, chẳng hạn như tra cứu cũng là 1 cách.

Nhưng, phương pháp yêu thích nhất của chúng tôi vẫn luôn là loại suy. Mọi người thường nói rằng bây giờ việc tìm kiếm thuận tiện hơn rất nhiều do đã có nền tảng dữ liệu dân cư, việc dựa vào đó để sàng lọc thông tin cá nhân vô cùng đơn giản. Tuy nhiên, thực tế rất khác. Kinh nghiệm của tôi cho thấy, số trường hợp đủ yếu tố tra cứu chỉ chiếm 5% thôi. Và trong 5% đấy để đưa ra kết quả đúng - là người đó thật lại chỉ chiếm 1%. Vậy nên với tôi, quan trọng nhất vẫn là suy luận logic.

Tại sao tôi lại nói tra cứu là một phương pháp có hiệu quả hạn chế? Hãy thử tưởng tượng, bản thân là một đứa trẻ 4-5 tuổi đi lạc thì trong ký ức của bạn, người thân có rõ nét không? Mẹ trông ra sao? Bạn đi học ở chỗ nào? Tên cha tên mẹ anh chị em…? Rất khó để có một ký ức cụ thể về những chi tiết đấy. Trong trí nhớ những người thất lạc, họ rất có thể bị choáng vào thời điểm bị thất lạc, vậy nên sẽ có những ký ức mất đi và có những ký ức được lưu lại ở dạng tưởng tượng. Trong quá trình xử lý thông tin, chúng tôi liên tục phải khai thác trí nhớ của người thất lạc để sàng lọc thông tin nào khớp với thực tế và thông tin nào cần phải loại bỏ.

Hẳn là trường hợp tìm thấy đầu tiên cũng để lại cho chị nhiều ấn tượng?

Có thể gọi đó là một trường hợp kinh điển của Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly, thậm chí, nhân vật đó sau này cũng là một thành viên vững vàng của cả ekip. Tập của bạn là tập đầu tiên, được phát sóng và ngày 01/12/2007.

Nhà báo Thu Uyên và 16 năm đưa gần 2.000 gia đình đoàn tụ trong nước mắt: "Khi quyết tìm nhau nghĩa là họ đã dành hết 30-40 năm đời mình cho cuộc tìm kiếm đó" - Ảnh 3.

Số đầu tiên của chương trình vào năm 2007

Ngày còn nhỏ, ba mẹ của bạn chia tay và bạn theo ba về Cà Mau sinh sống. Một ngày nọ, bạn nhớ mẹ quá nên tự xuống thuyền đi thăm. Nhưng thuyền chỉ đưa đến Mỹ Tho và bạn lạc ở đó. Sau đó, bạn lên thành phố, sống ở công viên và được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội nuôi lớn. Khi gặp chúng tôi thì bạn đã lấy vợ, sinh con, vừa học và vừa phục vụ trong quán ăn. Từ trí nhớ rời rạc của bạn, chúng tôi tìm được ba bạn trước ở Cà Mau, sau đó là mẹ, ở Gò Công Đông.

Vậy đâu là trường hợp thử thách nhất với ekip?

Trường hợp nào cũng là một sự thử thách với trái tim, bởi hầu như không có cuộc đời nào là nhạt nhẽo. Một khi người ta đã quyết đi tìm nhau có nghĩa là họ đã dành hết 30-40 năm cuộc đời cho cuộc tìm kiếm đó.

Nhà báo Thu Uyên và 16 năm đưa gần 2.000 gia đình đoàn tụ trong nước mắt: "Khi quyết tìm nhau nghĩa là họ đã dành hết 30-40 năm đời mình cho cuộc tìm kiếm đó" - Ảnh 4.
 

Sự thử thách đến từ cả việc suy luận. Trí nhớ mỗi người thường dựa trên quang cảnh, cảm giác, địa danh, phương ngữ, thói quen hoặc món ăn… Mỗi trường hợp mang đến những thử thách khác nhau và đều là những khó khăn trong việc tìm kiếm. Có người nhớ mình đã ở cách Nha Trang một đoạn thôi, nhưng đi tàu mới tới, cuối cùng vùng đó lại nằm cách Nha Trang đến 400km. Có những trường hợp nhớ tên sai, chị ấy khẳng định chỉ nhớ mang máng mẹ tên là Năm. Khi tìm ra đáp án khớp với mọi chi tiết, thậm chí khớp cả ADN, cái duy nhất không khớp là cái tên. Giải thích thế nào về cái tên Năm? Hóa ra, mẹ của nhân vật không phải tên là Năm mà là Lái. Chồng của bà tên là Lâm, mà vùng quê Nam Định lại nói ngọng "l" và "n", vậy tức là gọi "ông Nâm" nên cũng gọi "bà Nâm".

Trong quá trình tìm kiếm, chúng tôi buộc phải xử lý tất cả các chi tiết và không cho phép để sót một tình huống nào gây thắc mắc. Chỉ có như vậy, những người trong cuộc mới hoàn toàn mãn nguyện về cuộc đoàn viên sắp diễn ra.

Tôi có từng đọc một bài một phỏng vấn của chị và được biết, chị rất trăn trở với việc xây dựng một hệ thống dữ liệu tìm kiếm ở Việt Nam. Chị và ekip của mình đã làm việc đó đến đâu rồi?

Không hề. Có lẽ đó là sự hiểu lầm chăng. Tôi nghĩ rằng, mình làm công việc này trong khả năng của mình chứ không nghĩ đến những gì quá xa xôi. Chúng tôi tiếp nhận và xử lý hồ sợ, tạo thành một kho dữ liệu. Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly rất tự hào với kho dữ liệu này dù với người khác nếu có nó trong tay thì cũng không biết ích gì.

Trong cái kho ấy, chúng tôi lần đi lần lại những trường hợp. Hiện tại, chúng tôi cùng lúc xử lý 40.000 hồ sơ còn có khả năng xử lý và thời gian trôi qua, chúng tôi lại bổ sung được thêm ít nhiều những thông tin, manh mối li ti. Như đã nói, đại đa số các hồ sơ phải suy luận trên những thông tin được chúng tôi khai thác từ trí nhớ của người trong cuộc và từ những kiến thức tích luỹ. Chỉ có không nhiều trường hợp tạm đủ thông tin để tra cứu hoặc đưa lên mạng viral.

Nhà báo Thu Uyên và 16 năm đưa gần 2.000 gia đình đoàn tụ trong nước mắt: "Khi quyết tìm nhau nghĩa là họ đã dành hết 30-40 năm đời mình cho cuộc tìm kiếm đó" - Ảnh 5.
 

Bây giờ, người ta nói rằng đã có ChatGPT rồi, có nghĩa là những người làm kịch bản như chúng ta là vô ích rồi đấy. Hay, nếu giải quyết bằng thuật toán được hết thì công việc tìm kiếm cũng không cần tới con người. Nhưng sự thật đâu phải như vậy. Nếu chúng ta để cho bản thân cứ mãi đào bới những cái cũ và viết đi viết lại thì chắc chắn sẽ giống với cơ chế của con bot hiện tại rồi - mãi rồi cũng nhàm.Tìm kiếm cũng không có tiến bộ. Những cuộc tìm kiếm cũng như tiếp cận nhân vật thì luôn luôn mới, sinh động như nắng như gió như lòng người. Vậy nên công việc này chắc chắn vẫn là con người làm thôi. Chúng ta phải xử lý thông tin theo cách của người tình nguyện, người tìm kiếm và người kể chuyện cầu tiến và sáng tạo.

Nhưng liệu có khi nào nó cũng phụ thuộc vào cảm xúc, vào bản năng?

Trong ekip của Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly, tuyệt đại đa số được sinh ra sau chiến tranh. Mà các câu chuyện của Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly thì toàn bắt đầu từ 30-40-60 năm về trước. Tôi nghĩ, nó không phải là bản năng đâu.

Yếu tố đầu tiên để tuyển một người mới về Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly là nhân hậu, và thứ hai là yêu Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly. Làm Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly rất vất vả nặng tim nặng óc, mà lương bổng mà chỉ là mức bình thường trong xã hội thôi. Yếu tố thứ ba là các bạn phải ham suy luận, quan tâm phân tích tâm lý, và yêu thích việc kết nối mọi người với nhau. Chúng tôi không cần các kỹ năng cụ thể hay bằng cấp cao siêu, thậm chí không đặt yêu cầu phải tốt nghiệp đại học. Chỉ cần các bạn thật sự yêu Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly, các bạn sẽ có cách rất nhanh để bước chân vào những cuộc tìm kiếm những người thất lạc.

Nhà báo Thu Uyên và 16 năm đưa gần 2.000 gia đình đoàn tụ trong nước mắt: "Khi quyết tìm nhau nghĩa là họ đã dành hết 30-40 năm đời mình cho cuộc tìm kiếm đó" - Ảnh 6.
 

Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly là một hoạt động thiện nguyện. Đã từng có thời điểm chương trình phải tuyên bố tạm dừng do gặp phải những khó khăn về tài chính. Tôi đang suy nghĩ về việc chúng ta làm việc tốt - nhưng đồng thời, chúng ta cũng phải có kinh phí để vận hành một bộ máy. Điều đó lại đòi hỏi chúng ta cũng cần… truyền thông. Làm thế nào để các tổ chức thiện nguyện có thể đi trên lằn ranh đó để luôn giữ niềm tin của công chúng về sự trong sáng của mình?

Khởi thuỷ, truyền thông đâu có tính gian trá. Kiếm tiền cũng vậy. Hơn nữa, khi việc của chúng ta là thiện, thì làm gì phải đi trên lằn ranh. Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly được các cá nhân và cộng đồng nuôi dưỡng, mà để cộng đồng biết đến thì là nhờ ở tính hiệu quả của hoạt động này, cộng với tác động của truyền thông. Người người lan toả, các nền tảng số, báo chí,…May mắn là, cuối cùng thì cái tạo cảm hứng nhất cho cộng đồng vẫn chính là sự chân thực.

"Dám" là một từ rất hay đối với tôi

Dạo này tôi cũng hay nhận được những câu hỏi từ một vài người bạn nổi tiếng: Rằng nếu họ muốn làm từ thiện thì họ nên làm gì? Tôi hỏi ngược lại họ: Bạn muốn làm vì bạn muốn được người khác nhắc đến, hay chỉ đơn giản là bạn được thôi thúc phải làm vì người khác thôi?

Tôi hình dung nhiều người cũng sẽ tự vấn như vậy khi làm việc thiện. Nhưng sau đó sẽ quên đi, để làm cho trong sáng, chân thành. Tại Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly, chúng tôi không bao giờ để mình bận tâm rằng đang làm một điều gì đó tốt đẹp. Chúng tôi chỉ đang làm những thứ tốt nhất trong khả năng của mình và gọi nó là nhiệm vụ thay vì là nhân đạo hay từ thiện. Đại khái là, đó là việc mà nếu không làm thì chúng ta sẽ… ngủ không ngon vậy đó.

Nói chung tôi vẫn có chút e dè với những hành động tự nhận là từ thiện.

Nhà báo Thu Uyên và 16 năm đưa gần 2.000 gia đình đoàn tụ trong nước mắt: "Khi quyết tìm nhau nghĩa là họ đã dành hết 30-40 năm đời mình cho cuộc tìm kiếm đó" - Ảnh 7.
 

Vậy còn cách mà chúng ta từ trước đến nay vẫn luôn đóng khung vào việc thiện nguyện? Phát một vài phần quà, tặng một món tiền… Hình như nó chỉ giải quyết nhu cầu làm việc tốt của người cho đi, chứ chưa thật sự nghĩ đến người cần…

Vì sao mọi người cứ chọn những phương pháp "vừa ngắn vừa dễ" để giúp đỡ người khác? Theo tôi là bởi cuộc sống quá bận rộn, ai cũng phải sống phải mưu sinh, đâu còn thời gian để quan tâm nhiều đến số phận người khác. Vậy nên, không đưa được cần câu thì họ đành vừa lòng với việc gửi con cá. Đôi khi, mọi thứ dần trở nên sai đi với cả những người nhận lẫn người cho.

Tôi thấy Việc tốt sẽ trở nên tốt hơn khi mình thật sự hiểu đối tượng nhận là ai? Họ cần gì? Ta theo dõi họ cả một chặng đường dài và đôi khi chỉ cần làm những thứ rất nhỏ thôi mà có ích lớn. Để hiểu, cần rất nhiều thời gian. Cho nên tôi luôn tin vào sự tập trung quan tâm. Làm việc tốt cho một nhóm người mà lâu dài bền bỉ, có lẽ hiệu quả hơn khi việc tốt nào ta cũng tham gia chút đỉnh.

Nhà báo Thu Uyên và 16 năm đưa gần 2.000 gia đình đoàn tụ trong nước mắt: "Khi quyết tìm nhau nghĩa là họ đã dành hết 30-40 năm đời mình cho cuộc tìm kiếm đó" - Ảnh 8.
 

Năm nay, chị sẽ tham gia WeChoice Awards với tư cách thành viên Hội đồng thẩm định! Chị ấn tượng nhất ở WeChoice về điều gì?

Điều tôi cảm thấy hết sức thú vị, đó là WeChoice từng trao giải cho một cậu bé xếp dép. Tôi vô cùng xúc động! Đó cũng là câu chuyện tôi ấn tượng nhất với WeChoice Awards. Trong công việc hàng ngày, chúng tôi cũng hay được gặp những con người mà thoáng qua chẳng biết họ là ai, nhưng nhờ tiếp xúc, chúng tôi luôn phát hiện họ có những điều lấp lánh ẩn sâu bên trong. Tôi rất có cảm tình với WeChoice bởi các bạn đưa đến tiếng nói của những người không hay được nói, cũng không có cơ hội thể hiện, nhưng đang âm thầm làm những điều tuyệt đẹp.

Chị nghĩ đến điều gì đầu tiên khi biết chủ đề của WeChoice năm nay là "Dám Đam Mê Dám Rực Rỡ"?

"Dám" là một từ rất hay đối với tôi.

Và hai thứ có thể tạo ra hiệu ứng xã hội lớn là "đam mê" và "rực rỡ". Chúng ta là người ngoài, nhìn vào thì nói là "dám", nhưng người trong cuộc thì có khi họ chẳng để ý tới sự dám đó đâu. Họ vẫn đam mê và cứ rực rỡ như điều hiển nhiên thôi. Đôi khi, đó không phải mục tiêu cuối cùng của họ. Và những điều họ làm đẹp đến mức những người xung quanh sẽ thấy sự rực rỡ để rồi được tiếp xúc từ đó.

Nhà báo Thu Uyên và 16 năm đưa gần 2.000 gia đình đoàn tụ trong nước mắt: "Khi quyết tìm nhau nghĩa là họ đã dành hết 30-40 năm đời mình cho cuộc tìm kiếm đó" - Ảnh 9.
 

Cảm ơn chị về buổi trò chuyện này và chúc chị sẽ tiếp tục một hành trình thật đáng nhớ với những dự án của mình! 

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 14/12/2024