Hãy xem xét tình huống sau đây. Giả sử mấy cậu bạn nhắn tin hỏi tôi có muốn uống bia với họ tối nay không, có thể tôi sẽ cao hứng trả lời ngay là "Có". Dù sao thì tôi cũng ít gặp bạn bè, đằng nào đến giờ đó tôi cũng cần ăn. Vả lại, tôi cũng đã trải qua một tuần dài bận rộn và căng thẳng, vì vậy tôi xứng đáng được ăn chơi để xả hơi. Hơn nữa, bạn bè tụ tập thì chắc chắn sẽ rất vui. Nghe có vẻ hợp lý, phải không?
Nhưng câu trả lời “Có” đồng nghĩa với việc phải nói “Không” với lũ trẻ đang cần khoảng thời gian ở bên cha của chúng; nói “Không” với người vợ cũng bận rộn chẳng kém gì tôi và chúng tôi cũng chẳng có nhiều thời gian cho nhau; nói “Không” với việc tập luyện đã được lên kế hoạch và nên được ưu tiên, nói “Không” với giấc ngủ mà tôi thường ca cẩm là luôn thiếu thốn; với những quyển sách mà tôi đã tự nhủ phải đọc để có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, và dĩ nhiên là nói “Không” cả với lá gan tội nghiệp của tôi.
Như vậy, nếu câu trả lời của tôi là “Có”, tất cả những việc quan trọng tôi đã cam kết hoàn tất đúng hạn sẽ bị dồn ứ lại trong lịch trình chỉ vì một quyết định bốc đồng. Nó kéo theo một loạt những sự việc xảy ra làm gián đoạn thời gian biểu và chèn ép thời gian trong tâm lý tôi. Đây là Hội chứng Chèn ép Thời gian kinh điển, và tất cả chúng ta ít nhiều đều mắc phải.
Cách tốt hơn để xử lý vấn đề này là gì?
Dừng lại và suy nghĩ về nó. Hít một vài hơi thật sâu, đưa hơi thở xuống hạ đan điền và xem lại toàn bộ thời gian biểu của mình, xem liệu việc bạn sắp làm sẽ gây ra sóng nào cho thế giới của bạn. Bạn có đủ khả năng trồng thêm cây cho khu vườn của mình không, hay việc trồng thêm cây sẽ khiến những cây quý bạn đã trồng trước đó không có đủ nước tưới?
Người “tu giữa đời thường” luôn bình tĩnh và tự chủ. Khoa học hiện đại đến nay đã chứng minh được điều các bậc thầy cổ xưa đã nói từ lâu. Đó là thiền định giúp chúng ta ít bốc đồng hơn. Kết quả nghiên cứu ứng dụng MRI cho thấy trong não của những người hành thiền có sự gia tăng mật độ các tế bào thần kinh vỏ não. Điều này thật tuyệt vời, bởi vì vùng vỏ não thùy trán là phần não có chức năng kiểm soát sự bốc đồng và lý luận đạo đức bậc cao. Đó là phần não giúp chúng ta đưa ra quyết định sáng suốt và làm chủ cuộc sống của bản thân tốt hơn. Chức năng này chỉ phát triển khi chúng ta ngừng thói quen phản ứng và hiểu được chuyển động của thời gian.
Vấn đề này lôi cuốn tôi đến nỗi tôi đã xây dựng một phòng thí nghiệm nghiên cứu về não tại một trong những cơ sở khám bệnh của mình. Chúng tôi mời một tiến sĩ giỏi và anh ấy đang tiến hành một số nghiên cứu vượt trội về phân tích định lượng điện não đồ của những dạng sóng não liên kết với trạng thái trải nghiệm tôn giáo và trạng thái dòng chảy. Tôi mời các thiền giả tham gia và nghiên cứu “chữ ký não” của họ và ghi nhận được rất nhiều điều. Dần dà, chúng tôi đã tìm ra được cách hướng dẫn mọi người làm thế nào để giảm tốc trên đường đua ở siêu xa lộ Thời gian.
Trong phòng thí nghiệm, chúng tôi đã phân tích khái niệm tuyệt vời về vũ trụ “phi thời gian” mà các thiền giả đạt đến. Nó trái ngược với khái niệm thời gian văn hóa vốn chỉ được giới hạn trong các ô kẻ trên tờ lịch. Chúng ta cần phải hiểu cả hai ý niệm, bởi vì chúng là hai cực đối lập của cùng một nhận thức quan trọng. Nếu chúng ta thật sự trải nghiệm được thời gian ở những khả năng khác nhau này, thì dường như chúng ta đã có được chìa khóa để hiểu được ta sự thật là ai.
Chúng ta là ai trong bối cảnh thời gian là điều rất quan trọng mà ta nên tìm hiểu. Vũ trụ đang chuyển động và chúng ta đang dịch chuyển cùng với nó. Nếu chúng ta bám chặt vào một điểm nào đó trong dòng thời gian trong khi toàn bộ Vũ trụ vẫn chuyển động không ngừng thì cũng đồng nghĩa chúng ta đang bám vào một thứ không còn ở trong dòng chảy sự sống đó nữa. Tất cả năng lượng của Vũ trụ di chuyển cùng với dòng chảy đó, và toàn bộ sức mạnh đó tập trung ở một điểm, và điểm đó là bây giờ.
Điều duy nhất bất biến trong Vũ trụ chính là sự thay đổi. Chìa khóa để khắc phục tình trạng chèn ép thời gian là sống trong hiện tại và đón nhận sự thay đổi. Khi người “tu giữa đời thường” nhận ra mọi thứ dường như không ổn, họ sẽ quay lại với hiện tại. Tại sao? Vì toàn bộ sức mạnh của chúng ta đều ở hiện tại. Đó là nơi chúng ta có thể tiếp nhận được những dòng năng lượng lớn không ngừng tuôn chảy xuyên qua mình, đó là nơi sự bình an và trí tuệ luôn trú ngụ. Chỉ trong thời điểm hiện tại, chúng ta mới có đủ sự sáng suốt và minh mẫn để có quyền tự quyết cuộc sống của mình và ra quyết định tốt hơn.
Chúng ta kiểm soát được thời gian và nhận thức của chúng ta về nó. Chúng ta cho phép một số thứ bước vào cuộc sống của mình còn một số thứ thì không Chúng ta thiết lập những lằn ranh hợp lý trong cuộc sống và sắp xếp các sự kiện mà ta đã chọn đưa vào thời gian biểu của mình. Vậy khi đó mọi chuyện có thể đi sai hướng không và chúng ta có gặp những tình huống khẩn cấp không? Chắc chắn là có. Chúng ta kiểm soát được những việc trong tầm tay và vì vậy nếu những biến cố lớn xảy ra bất ngờ, chúng ta vẫn có đủ tự chủ để xoay xở và ứng biến.
Một bậc thầy sẽ chuyển động cùng với thời gian và không ngừng tự điều chỉnh, như một vận động viên lướt sóng có những điều chỉnh thật tinh tế để chiếc ván của mình luôn ở trên đầu ngọn sóng bất kể con sóng liên tục dâng cao rồi đổ sụp xuống quanh anh ta.
Sự cứng nhắc khiến chúng ta dễ dàng gục ngã. Nỗi sợ thay đổi làm tê liệt chúng ta. Chính vì vậy, có một nghịch lý vĩ đại sau đây: duy trì trạng thái tĩnh có nghĩa là chuyển động cùng với thời gian, chuyển động cùng với Vũ trụ. Tĩnh thật sự là trạng thái chuyển động cùng với Vũ trụ trong sự hợp nhất hài hòa.
Ngày còn trẻ, tôi đã nhiều lần vác ba lỗ đi đến những vùng xa xôi hẻo lánh. Tôi đi bộ vào sâu trong núi, tìm thấy một đồng cỏ có dòng suối chảy qua và tôi sẽ ở lại đó vài ngày. Mục tiêu của tôi là ngồi cả ngày bên dòng nước và duy trì trạng thái tĩnh lặng. Không có gì diễn tả chính xác chân lý “thay đổi là điều bất biến” được như dòng suối hay dòng sông. Nó như một sự nhắc nhở liên tục rằng Vũ trụ không ngừng lưu chuyển và thời gian cũng không ngừng chảy trôi.
Khi những suy nghĩ dồn dập huyên náo cuối cùng cũng bị quét sạch bởi âm thanh nhẹ nhàng của dòng suối, tôi biết tôi đã “uống một ngụm từ vô hạn” và trở về chốn yên lành. Đây là thời điểm tôi trở về thành phố và mang theo mình món quà của thiên nhiên. Tĩnh tâm là tài sản lớn nhất mà chúng ta có được, và những người luôn đồng hành cùng nó là những người sống một cuộc đời sáng suốt và làm chủ tâm ý.
Trong tự nhiên, mọi thứ chuyển động cùng với ánh nắng mặt trời và theo các mùa. Còn trong xã hội, hai yếu tố này dường như không còn quan trọng nữa. Trong một thế giới bị lấp đầy bởi những công trình nhân tạo và thời gian bị nhồi nhét, cách duy nhất để luôn tỉnh thức là làm chủ được thời gian cá nhân của mình. Nhận thức được tính phi thời gian giúp chúng ta kết nối được với tất cả sự sống xung quanh mình và cảm nhận được mình là một phần trong kết cấu của Vũ trụ. Trạng thái đó kết nối chúng ta và giúp chúng ta hứng khởi, vui vẻ khi làm việc. Nó giữ cho những bức tường không đổ sụp.
Chúng ta sải bước giữa dòng đời và không bị đánh gục mỗi khi tần số của người khác hoặc “con dấu thời gian” xâm lấn không gian của chúng ta. Tôi hay gọi những yếu tố gây nhiễu này là ô nhiễm thời gian – khi có ai đó mang tần số rung động khác với bạn xâm nhiễm vào không gian của bạn và kích động tâm trạng của bạn. Người “tu giữa đời thường” luôn an trú trong thời gian của riêng mình – thời gian đã được cố ý thiết lập cho hoạt động trước mắt – và luôn miễn nhiễm với bất kỳ tần số gây nhiễu nào không giúp ích cho họ.
Chúng ta có thể chọn lưu lại tại trung tâm của không gian phi thời gian và trở thành nguồn an ủi và cảm hứng cho tất cả những người xung quanh mình. Từ trong không gian đó, chúng ta có được nhận thức sâu sắc về bản ngã bất tử của mình và thoát khỏi sự trói buộc của thời gian.
Trở thành nô lệ của thời gian là thất bại tột cùng trong nỗ lực hiểu mình là ai.