Lâu nay, lợi ích của việc đặt ra mục tiêu đã được công nhận rộng rãi. Nó giúp cho bạn có được một “kim chỉ nam” trong cuộc sống - thứ để bạn không ngừng tiến lên. Không chỉ vậy, mục tiêu còn cho bạn động lực để tiếp tục kiên trì khi gặp trắc trở. Tuy nhiên, việc đặt ra mục tiêu mang đến nhiều lợi ích như thế không có nghĩa là nó không có những mặt trái.
Một mặt, các mục tiêu giúp bạn tập trung vào vạch đích và thúc đẩy bạn tiếp tục. Nhưng mặt khác, chính các mục tiêu cũng khiến bạn cương quyết không từ bỏ khi tình huống trở xấu, chúng làm cho bạn tập trung vào vạch đích và thúc đẩy bạn tiếp tục.
Giả dụ bạn đã đặt mục tiêu sẽ chinh phục đỉnh Everest trong năm nay. Bạn vất vả vượt qua muôn ngàn trắc trở để thực hiện hành trình và chỉ còn cách đỉnh núi 90m. Nhưng lúc này thời tiết đang trở xấu và đã đến mốc thời gian phải quay về trại. Có phải nếu quay trở về bạn sẽ thấy ấm ức và nghĩ rằng mình thất bại? Hẳn đó cũng là cảm giác đeo bám tâm trí Rob Hall - nhà leo núi nổi tiếng trên thế giới, và khách hàng của anh. Để rồi, vì quyết tâm hoàn thành mục tiêu chinh phục đỉnh Everest lần thứ năm mà nhà leo núi chuyên nghiệp này đã bỏ mạng tại nơi này.
Vạch đích là một thứ khôi hài. Một là bạn về đích, hai là không. Một khi đã đặt ra mục tiêu, chúng ta luôn lấy nó làm điểm chuẩn để đo lường bản thân và bạn chỉ được tính là thành công nếu băng qua vạch đích. Do vậy, khi phải đối diện với lựa chọn cắn răng chịu đau để chạy tiếp hay bỏ cuộc giữa chừng, thì ngay cả một chiếc chân gãy cũng không thể khiến ta từ bỏ.
Như Annie Duke đã khẳng định trong cuốn sách “Từ bỏ”: “Bởi vì chúng ta không muốn kết sổ hạch toán tinh thần khi đang chịu tổn thất, nên cứ một mực tiếp tục chạy về vạch đích, ngay cả khi cảm thấy chân mình sắp gãy, hay kể cả khi nó đã thực sự gãy”.
“Chịu tổn thất” thật ra chỉ là một trạng thái của tâm trí. Dù đã tiến khá xa so với điểm khởi đầu, chúng ta vẫn không thấy rằng mình đang được, vì chúng ta không đo lường bản thân bằng khoảng cách đã chạy được từ khi xuất phát. Chúng ta đo lường bản thân bằng việc ta có về đích hay chưa.
Suy cho cùng, mục tiêu giúp chúng ta bền bỉ hơn nhưng nó chỉ có ích trong trường hợp bạn muốn bám lấy một mục tiêu khó khăn mà xứng đáng.