Không có mục tiêu nào cho phép bạn có tất cả mọi điều
Nếu thế giới luôn ổn định và chẳng bao giờ thay đổi, tâm lý trên cũng không là vấn đề gì. Nhưng, thế giới vốn bất định và luôn thay đổi. Điều đó nghĩa là mục tiêu của chúng ta cũng phải thay đổi cho phù hợp. Nhưng những mục tiêu ta đặt ra lại rất thiếu khả năng thích ứng với thông tin mới.
Mỗi khi đặt ra một mục tiêu là chúng ta đang đánh đổi. Con người quý trọng nhiều điều khác nhau – tiền bạc, thời gian với gia đình, thời gian cho các sở thích, thời gian cho bạn bè, sức khỏe, cảm giác giúp đỡ người khác,... Trên đời này không có mục tiêu nào cho phép ta có hết mọi điều mà ta quý trọng. Bản chất của mục tiêu là ưu tiên những điều mà ta coi trọng hơn những điều khác. Về cơ bản, chúng ta sẽ tự hỏi: “Mình muốn đạt được điều gì và sẵn sàng từ bỏ điều gì để đạt được mục tiêu đó?”.
Chúng ta giả định rằng lợi ích của việc chinh phục được mục tiêu sẽ vượt xa cái giá phải trả để có được nó. Ví dụ, nếu bạn đặt mục tiêu hoàn thành cự ly marathon, sẽ có những điều bạn sẵn sàng từ bỏ. Có thể, cảm giác đạt được một thành tựu khó chinh phục là rất quan trọng đối với bạn. Hoặc mục tiêu cho thấy bạn xem trọng sức khỏe của mình ra sao. Hoặc nó thể hiện rằng bạn cảm giác thích thú thế nào khi được chạy bộ ngoài trời. Hoặc còn nhiều yếu tố khác nữa. Mỗi người sẽ mong muốn và coi trọng những điều riêng biệt.
Tương tự, mỗi người sẽ sẵn sàng hy sinh những điều khác nhau để có được những gì họ coi trọng hơn. Tập luyện cho giải chạy marathon thường đồng nghĩa với việc hy sinh thời gian cho gia đình, bạn bè, hoặc thời gian dành cho những sở thích khác của bạn. Hầu hết mọi người đều coi trọng sự thoải mái về thể chất và bạn rõ ràng phải hy sinh điều này ở mức độ nào đó. Vòng lặp chấn thương và cảm giác khó chịu cũng là một phần của hoạt động tập luyện và chạy bộ đường dài. Có thể bạn còn phải chạy dưới mưa hoặc trong thời tiết lạnh giá và đôi khi phải chịu đựng những điều đó vào lúc sáng sớm, thay vì được ngủ trên chiếc giường ấm áp.
Khi đặt mục tiêu cho sự nghiệp của mình, bạn cũng sẽ thực hiện phân tích tổn hại và lợi ích tương tự như vậy. Nếu mục tiêu của bạn là thăng tiến lên cấp quản lý trong một công ty nằm trong bảng xếp hạng Fortune 500, bạn đang ưu tiên cho một vài điều mà bạn coi trọng (chẳng hạn như sự giàu có hay thăng tiến trong sự nghiệp) hơn là những yếu tố mà bạn sẵn sàng hy sinh (ví dụ như có một công việc nhàn hạ, không bao giờ phải làm thêm ở nhà).
Dù công khai hay ngầm ẩn, mục tiêu bạn đặt ra vẫn đại diện cho bài toán về giá trị kỳ vọng, cân bằng giữa lợi ích bạn đang cố đạt được và tổn thất phải gánh chịu để có được nó. Tất cả những điều này đều góp phần vào quá trình thiết lập mục tiêu.
Mục tiêu sau khi được thiết lập sẽ trở thành một thứ bất di bất dịch. Hình ảnh đại diện cho một điều gì đó nay lại trở thành một thứ cụ thể. Mục tiêu biến thành thứ ta đang cố “chạm” đến, thay vì những giá trị được thể hiện và cân nhắc thiệt hơn khi ta thiết lập mục tiêu ban đầu.
Ngay cả khi những dữ liệu nguồn dẫn đến quyết định lựa chọn mục tiêu đã có những chuyển biến nhất định, thì mục tiêu ấy vẫn bất di bất dịch. Hoàn cảnh xung quanh ta luôn thay đổi. Hiểu biết của ta không ngừng thay đổi. Mức độ quan trọng mà ta gắn với các yếu tố khi ta cân nhắc thiệt hơn luôn thay đổi. Sở thích và giá trị trong cuộc sống của ta cũng vậy. Vì mọi “biến số” của bài toán đều thay đổi, nên nếu ta phân tích lại cán cân giữa lợi ích và tổn thất, kết quả chắc chắn sẽ khác. Nhưng ta không bao giờ xem xét lại bài toán đó.
Để đạt được những thứ mình muốn, chúng ta phải thích ứng được với những thay đổi xung quanh cũng như trong chính mình. Tức là chúng ta phải tạo ra các mục tiêu không cố định, nhưng lẽ dĩ nhiên là ta không làm thế. Khi bản chất “được ăn cả, ngã về không” và tính bất di bất dịch của các mục tiêu kết hợp lại với nhau, chúng sẽ khiến ta mải miết tiến về vạch đích, ngay cả khi vạch đích đó không còn là điểm đến xứng đáng nữa.
Các mục tiêu bất di bất dịch không hề phù hợp với một thế giới luôn chuyển động.
Tiêu chí khai tử là rất quan trọng
Bản chất bất di bất dịch của các mục tiêu phần nào chính là nguyên nhân của mặt trái này. Khi đã thiết lập một mục tiêu, chúng ta vẫn biết được những thông tin mới. Để ứng phó với tính bất định này, cách tốt nhất là tạo ra các mục tiêu linh hoạt hơn. Đặt ra một tình huống “trừ phi” cũng là một công cụ rất hữu hiệu. Việc bổ sung một vài tình huống ngoại lệ cho mục tiêu sẽ giúp bạn có được sự linh hoạt cần thiết, thích ứng tốt hơn với bối cảnh thay đổi liên tục và giảm thiểu mức độ leo thang cam kết đối với những định hướng không khả quan.
“Mình sẽ tiếp tục theo đuổi công việc này trừ phi mình cứ phải liên tục làm thêm tại nhà hoặc cảm thấy sợ phải bắt đầu một ngày làm việc và cảm giác đó cứ kéo dài.” “Mình sẽ tiếp tục cuộc chạy marathon này trừ phi mình bị gãy xương.” Đây là lý do vì sao việc đưa ra tiêu chí khai tử là rất quan trọng. Khi bạn đã thiết lập một mục tiêu, danh sách tiêu chí khai tử sẽ cho bạn những tình huống “trừ phi” mà bạn cần phải xem xét một cách tỉnh táo hơn về việc khi nào đến lúc nên cất bước ra đi.
Các tiêu chí khai tử có thể là về những gì thế giới đang muốn nhắn nhủ bạn, chẳng hạn những hành vi quan sát được cho thấy sếp của bạn là một người độc hại, hoặc khi lãi suất cho vay tăng lên, hoặc một đợt sương mù đang kéo đến, hoặc cuộc tấn công của một đại dịch. Tiêu chí khai tử cũng có thể là những thay đổi trong chính bạn, như cơn đau mà bạn cảm nhận được trước khi xương mác gãy làm đôi. Hoặc nó có thể chỉ là sự thay đổi về sở thích của bạn hoặc những điều mà bạn coi trọng. Chẳng hạn bạn không còn phù hợp với một công việc trong lĩnh vực dịch vụ, hoặc môn thể thao mà bạn từng yêu thích giờ đây đang khiến bạn khổ sở.
Để bảo đảm các tình huống “trừ phi” này phát huy được hiệu quả tối đa, chúng ta cần phải tạo lập những thỏa thuận vững chắc trước khi cam kết, để chắc chắn bạn sẽ tuân thủ các tiêu chí khai tử. Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải liên tục kiểm tra lại bài toán phân tích giữa lợi ích và chi phí. Bạn phải thường xuyên đánh giá lại, để biết liệu những giá trị bạn đang cố gắng ưu tiên có còn đáng được ưu tiên nữa không, và những giá trị bạn đã không ưu tiên – những chi phí mà bạn đang gánh chịu – có còn xứng đáng hay không. Những lần kiểm tra này cũng sẽ cho bạn cơ hội đánh giá lại danh sách tiêu chí khai tử trước đây và lập ra những tiêu chí mới.
Những tình huống “trừ phi” đúng đắn sẽ cho chúng ta lối thoát trước cám dỗ của những mục tiêu ngắn hạn vốn không thực sự giúp chúng ta đạt được mục tiêu lâu dài mà mình đang hướng đến. Việc tiếp tục theo đuổi một mục tiêu không còn xứng đáng sẽ ngăn bạn gặt hái những lợi ích mà lúc đầu chính là nguyên nhân để đặt ra mục tiêu đó, hoặc nó sẽ khiến bạn phải gánh chịu nhiều tổn thất hơn những gì ban đầu bạn sẵn sàng chấp nhận.
Những mục tiêu của bạn nên có tính linh hoạt, vì thế giới này luôn thay đổi và bạn cũng thế. Để bắt kịp những thay đổi ấy, bạn cần định kỳ kiểm tra lại xem mình có đang đi con đường nhanh nhất để tiến về vạch đích hay không, hoặc mình có đang hướng về đúng nơi cần đến không.