Hãy cùng đọc bài viết của bà để hiểu lý do vì sao chúng ta vẫn thường nhớ nội dung nhiều hơn khi đọc sách giấy nhé!
Là một giáo sư ngôn ngữ học, tôi đã nghiên cứu và so sánh hiệu quả của các thiết bị điện tử so với bản in ấn truyền thống trong việc học. Liệu việc đọc văn bản trên màn hình và trên giấy có mang đến khả năng hiểu như nhau không? Và việc nghe/ xem nội dung có hiệu quả như khi đọc văn bản không?
Câu trả lời cho hai câu hỏi này thường là “Không” như tôi đã thảo luận trong cuốn sách “How we read now” của mình. Các lý do dẫn đến câu trả lời này gồm nhiều yếu tố như: khả năng tập trung, tư duy giải trí và xu hướng đa nhiệm trong khi tiêu thụ nội dung số.
Khi đọc văn bản vài trăm từ trở lên, việc đọc trên giấy dường như có hiệu quả hơn trên so với việc đọc trên màn hình. Một loạt các nghiên cứu xác nhận điều này.
Lợi ích của việc đọc văn bản trên giấy in đặc biệt được thể hiện rõ khi người tham gia thử nghiệm được yêu cầu thực hiện những nhiệm vụ từ mức độ đơn giản (như xác định ý chính trong đoạn văn vừa đọc) tới phức tạp, đòi hỏi sự trừu tượng hóa tinh thần (như rút ra các suy luận từ một văn bản).
Việc đọc bản in cũng cải thiện khả năng ghi nhớ các chi tiết như màu tóc của nhân vật, nơi xảy ra các sự kiện trong một câu chuyện…
Các nghiên cứu cho thấy rằng cả học sinh tiểu học và sinh viên đại học đều CHO RẰNG họ sẽ đạt điểm cao hơn trong bài kiểm tra đọc hiểu nếu họ đã đọc nó ở dạng số hóa. Nhưng họ THỰC SỰ đạt điểm cao hơn khi đã đọc tài liệu in ấn trước khi làm bài kiểm tra.
Các nghiên cứu ở học sinh lớp 10 của Na Uy và học sinh lớp 3 đến lớp 8 của Hoa Kỳ thu được kết quả rằng điểm số cao hơn khi các bài kiểm tra được thực hiện trên giấy. Trong nghiên cứu của Hoa Kỳ, việc thực hiện bài kiểm tra dưới dạng kỹ thuật số có tác động tiêu cực đối với những học sinh có khả năng đọc kém, học sinh học tiếng Anh và học sinh giáo dục đặc biệt.
Nghiên cứu của riêng tôi và của các đồng nghiệp đã tiếp cận câu hỏi theo cách khác. Thay vì yêu cầu học sinh đọc và làm bài kiểm tra, chúng tôi đã hỏi họ cảm nhận thế nào về việc học tập của mình khi sử dụng tài liệu in và kỹ thuật số. Cả học sinh trung học và sinh viên đại học đều đánh giá việc đọc trên giấy giúp tập trung hơn và ghi nhớ hơn so với kỹ thuật số.
Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này một phần liên quan đến đặc tính vật lý của giấy. Với giấy, ta có thể chạm vào, cùng với đó là sự trực quan của trang giấy. Mọi người thường liên kết trí nhớ về những gì đã đọc với việc mình đã đọc được bao nhiêu trang, hoặc vị trí của chi tiết ấy nằm ở đâu trên trang giấy.
Nhưng có một điều quan trọng không kém là quan điểm tinh thần, và cái mà các nhà nghiên cứu gọi là “giả thuyết nông cạn”. Theo đó, mọi người tiếp cận các văn bản kỹ thuật số với tư duy rằng đó là các phương triện truyền thông xã hội thông thường nên dành ít nỗ lực tinh thần hơn so với khi đọc bản in.
Với việc xuất hiện ngày càng nhiều các lớp học “đảo ngược” - nơi học sinh nghe hoặc xem nội dung bài giảng trước khi đến lớp - cùng với các podcast và nội dung video trực tuyến công khai hơn, nhiều bài tập ở trường mà trước đây yêu cầu phải đọc đã được thay thế bằng nghe hoặc xem. Hình thức này càng phát triển trong thời kỳ đại dịch.
Một khảo sát đã được thực hiện ở các giảng viên đại học Hoa Kỳ và Na Uy vào năm 2019, Giáo sư Anne Mangen của Đại học Stavanger và tôi nhận thấy rằng 32% giảng viên Hoa Kỳ hiện đang thay thế văn bản bằng tài liệu video, và 15% bằng âm thanh. Các con số có phần thấp hơn ở Na Uy. Nhưng ở cả hai quốc gia, 40% số người được hỏi cho biết ngày nay họ ít đọc hơn.
Lý do là học sinh từ chối làm bài tập liên quan đến việc đọc. Một nghiên cứu năm 2015 với hơn 18.000 sinh viên năm cuối đại học cho thấy chỉ 21% thường xuyên hoàn thành tất cả các bài đọc được giao trong khóa học.
Âm thanh và video có thể mang lại cảm giác hấp dẫn hơn so với văn bản, và do đó, các giảng viên ngày càng sử dụng đến những công nghệ này. Chẳng hạn, cùng một nội dung nhưng người ta thích nghe TED hơn là đọc một trang báo.
Các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng khi người lớn đọc những câu chuyện thời sự hoặc tiểu thuyết, họ sẽ nhớ nội dung nhiều hơn so với khi họ nghe những mẩu tin giống hệt nhau.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy kết quả tương tự với sinh viên đại học đọc một bài báo so với nghe podcast của một văn bản. Một nghiên cứu liên quan lại xác nhận rằng học sinh suy nghĩ nhiều hơn khi nghe âm thanh hơn là khi đọc.
Trong khi đó, một nghiên cứu ở Síp đã kết luận rằng mối quan hệ giữa kỹ năng nghe và đọc thay đổi khi trẻ trở thành những người đọc trôi chảy hơn. Trong khi học sinh lớp hai hiểu tốt hơn khi nghe thì học sinh lớp tám lại thể hiện khả năng hiểu tốt hơn khi đọc.
Các nhà nghiên cứu ở Tây Ban Nha phát hiện ra rằng học sinh lớp 4 đến lớp 6 đọc văn bản thể hiện khả năng tiếp thu tài liệu tốt hơn nhiều so với học sinh xem video. Các tác giả nghi ngờ rằng học sinh “đọc” video một cách hời hợt hơn vì họ thường xem video với mục đích giải trí chứ không phải học tập.
Loạt nghiên cứu trên cho thấy phương tiện kỹ thuật số có các đặc điểm chung là giảm khả năng tập trung, thường khiến người sử dụng có tư duy giải trí, có xu hướng đa nhiệm, thiếu điểm tham chiếu vật lý, giảm hành động ghi chú và ít xem lại đã đọc, nghe hoặc xem.
Văn bản kỹ thuật số, âm thanh và video đều có vai trò giáo dục, đặc biệt là khi cung cấp các tài nguyên không có sẵn trên giấy in. Tuy nhiên, để tối đa hóa việc học tập khi cần tập trung tinh thần và gợi nhớ, các nhà giáo dục và phụ huynh nên hiểu bản chất của các phương tiện để sử dụng cho phù hợp.