Đây là kết quả của một nghiên cứu từng được thực hiện bởi trường Đại học Yale (Mỹ) hồi năm 2016 đối với 3.635 người ở độ tuổi ngoài 50.
Theo đó, những người có thói quen đọc sách sẽ sống thọ hơn những người không đọc sách trung bình 2 năm. Thời lượng cần và đủ để được xem là người có thói quen đọc sách, đó là bạn cầm sách lên đọc đều đặn nửa tiếng mỗi ngày. Chỉ cần vậy là đủ để bạn có thể kéo dài tuổi thọ của mình.
Những người đọc sách với thời lượng hơn nửa tiếng mỗi ngày sẽ giảm 23% khả năng đột tử. Nghiên cứu của trường Đại học Yale đã được tiến hành trong hơn 12 năm với những số liệu thống kê chi tiết.
Với những dạng đọc khác, như đọc báo, tạp chí, chuyên san…, độc giả cũng có được những lợi ích nhất định trong việc kéo dài tuổi thọ, nhưng không hiệu quả bằng việc đọc tiểu thuyết. Nghiên cứu này không phân tích mối liên hệ trực tiếp giữa việc đọc sách và việc kéo dài tuổi thọ.
Thông tin mà đội ngũ nghiên cứu ở trường Đại học Yale đưa ra hoàn toàn dựa trên số liệu thống kê từ nhóm người tham gia thí nghiệm trong vòng hơn một thập kỷ. Đây đều là những cụ già ngoài 50 tuổi với những thói quen đọc đa dạng.
3.635 người tham gia thí nghiệm được phân thành 3 nhóm: nhóm không hề có thói quen đọc sách, nhóm đọc khoảng nửa tiếng mỗi ngày, nhóm đọc nhiều hơn nửa tiếng mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng những "mọt sách" chăm chỉ nhất là đối tượng phụ nữ, những người đã tốt nghiệp đại học và có thu nhập khá.
Nghiên cứu cũng đề cao yếu tố đa dạng về ngành nghề, độ tuổi, chủng tộc, tình trạng sức khỏe, mức độ hài lòng với đời sống cá nhân, tình trạng hôn nhân… Họ nhận thấy rằng dù ở nhóm đối tượng nào, kết quả thống kê cũng vẫn cho thấy có mối liên hệ giữa thói quen đọc sách và việc kéo dài tuổi thọ.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu - Giáo sư Becca Levy của trường Đại học Yale khẳng định: "Số liệu thống kê cho thấy những lợi ích của việc đọc sách thực sự là rất lớn. Trước đây, chúng ta đã được nghe đến nhiều kiểu lợi ích, giờ lại thêm một lợi ích bất ngờ khác nữa, đó là sống thọ hơn nhờ đọc sách".
Tác giả người Mỹ Steve Siebold từng gây chú ý đối với độc giả thế giới khi cho ra mắt cuốn sách How Rich People Think (Người giàu nghĩ như thế nào), ông cũng được biết đến là người đã từng phỏng vấn hơn 1.200 người giàu nhất trên thế giới trong vòng 3 thập kỷ qua. Sau những cuộc phỏng vấn của mình, Steve Siebold nhận ra nhiều điều khác biệt giữa người giàu và… người "chưa giàu".
Chủ đề về sự khác biệt này khá thu hút sự quan tâm của độc giả. Trước đây, Steve Siebold đã đưa ra nhiều luận điểm xoay quanh sự khác biệt này, chẳng hạn như người giàu tập trung kiếm tiền, còn người bình thường thì hay tập trung vào việc tiết kiệm tiền.
Với trải nghiệm tiếp xúc và trò chuyện với những người giàu có, Steve Siebold từng chia sẻ một khác biệt nữa giữa người giàu và người bình thường, đó là thú vui khi có thời gian rảnh rỗi của những tỷ phú, triệu phú. Thay vì vui chơi - giải trí, họ chọn cho mình thú vui tự học, tự giáo dục, nâng cao trình độ hiểu biết của mình bằng cách đọc thật nhiều.
Đây là một điểm chung phổ biến trong giới những doanh nhân giàu có. Steve Siebold cho biết: "Bước vào ngôi nhà của một người giàu có bạn thường thấy họ có một thư viện tại gia khá đồ sộ, đó không phải là một không gian chỉ để trưng bày, khoe mẽ mà thực sự là nơi để họ tìm đến khi có thời gian rảnh rỗi, để tự giáo dục mình, nâng cao tầm hiểu biết và từ đó biết cách làm thế nào để thành công hơn. Trong khi đó, người bình thường hay rơi vào cảnh lười đọc sách hoặc thường lựa chọn những sách dễ đọc và có tính giải trí cao".
Theo Steve Siebold, người giàu rất chú trọng việc phân bổ thời gian hợp lý để họ làm được những việc quan trọng. Họ có giải trí, tận hưởng, có những cuộc vui, những kỳ nghỉ rất đẳng cấp để thực sự có được những khoảng thời gian tách rời công việc. Nhưng khi phải lựa chọn giữa việc ngồi xuống đọc sách và ra ngoài vui chơi khi có khoảng thời gian rảnh rỗi trong ngày, họ sẽ chọn việc đọc sách, tìm hiểu thông tin, gia tăng kiến thức.
Chẳng hạn như nhà đầu tư nổi tiếng người Mỹ Warren Buffett - một người mà tác giả Steve Siebold đã có cơ hội được tiếp xúc và tìm hiểu khá sâu kỹ về đời sống thường nhật của ông, tác giả nhận ra rằng khoảng 80% thời gian làm việc trong ngày của tỷ phú này gắn liền với hoạt động đọc và phân tích - xử lý thông tin.
Còn theo tác giả Thomas Corley của cuốn Rich Habits: The Daily Success Habits Of Wealthy Individuals (tạm dịch: Những thói quen giàu có - Những thói quen thường ngày của người giàu), 67% người giàu mỗi ngày chỉ xem tivi hoặc các nội dung trên mạng trong khoảng 1 giờ hoặc ít hơn, trong khi người bình thường rất dễ sa đà ngồi trước tivi hoặc mải mê xem các nội dung trên mạng hàng tiếng đồng hồ nếu rảnh.
Tác giả Corley cũng để ý thấy rằng ưu tiên khi xem các chương trình của người giàu là những bản tin thời sự, những chương trình đối thoại - phân tích chuyên sâu… để giúp họ gia tăng kiến thức và sự hiểu biết. Họ không dành thời gian để xem các chương trình giải trí, trong khi đó, phần đông người bình thường lại dành nhiều thời gian để xem những chương trình có tính giải trí cao.
Nhìn chung, người giàu đánh giá rất cao sức mạnh và tầm quan trọng của việc tự học, tự rèn luyện sau khi đã rời nhà trường. Đó chính là cách để người giàu tự giáo dục mình theo nhịp độ và thiên hướng có lợi nhất cho bản thân.
Đó là kết quả của một cuộc nghiên cứu được tiến hành bởi trường Đại học Kingston (Anh). Những người thường xuyên đọc sách có xu hướng hành động theo chuẩn mực đạo đức mà xã hội đề cao. Trong khi đó, những người có sở thích xem tivi lại có vẻ kém thân thiện hơn, họ khó thấu hiểu cảm nhận của người khác.
Nghiên cứu tâm lý của trường Đại học Kingston tiến hành với 123 tình nguyện viên. Những người này được đặt nhiều câu hỏi xoay quanh thói quen đọc sách và xem tivi, để xác định xu hướng giải trí thực sự của từng tình nguyện viên.
Sau đó, các tình nguyện viên sẽ được kiểm tra những kỹ năng giao tiếp - ứng xử để đánh giá về khả năng thấu hiểu cảm xúc của người khác, cũng như năng lực hành xử để giúp đỡ đối phương trong những tình huống cần sự hỗ trợ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những người có sở thích đọc sách có nhiều phản ứng tích cực hơn những người thích xem tivi.
Đặc biệt, những người thích đọc tiểu thuyết văn học, tiểu thuyết tình cảm thể hiện khả năng thấu hiểu cao hơn hẳn; trong khi đó, những người yêu thích đọc sách khoa học hay các đầu sách giúp nâng cao tri thức cho thấy khả năng nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ đa dạng một cách thấu đáo.
Nghiên cứu cho rằng thói quen đọc sách cho phép người đọc có thể quan sát các sự việc qua những góc độ khác nhau thông qua góc nhìn của các nhân vật, từ đó người chăm đọc sách có khả năng thấu hiểu người khác tốt hơn.
Nghiên cứu kết luận rằng việc thường xuyên đọc sách giúp gia tăng khả năng cảm thông, khả năng thấu hiểu của một con người. Thói quen đọc sách giúp đưa lại cách nghĩ, cách làm tích cực trong đời sống. Những người có chiều sâu nội tâm, có tính cách tốt đẹp cũng thường có sở thích đọc sách.
Website hẹn hò nổi tiếng tại Mỹ - eHarmony từng thực hiện khảo sát hồi năm 2017 đối với các ứng viên sử dụng dịch vụ. Kết quả cho thấy rằng những ứng viên có sở thích đọc sách thường nằm trong top những ứng viên được đánh giá là đưa lại những tương tác chất lượng nhất.
Theo thống kê của website này, sở thích đọc sách có tác động khá lớn tới đời sống tình cảm của một con người. Website hẹn hò này phát hiện ra rằng những ứng viên có liệt kê sở thích đọc sách trong hồ sơ cá nhân thường dễ nhận được thiện cảm từ người khác giới.
Theo thống kê của website, nam giới có sở thích đọc sách giúp gia tăng khả năng nhận được tương tác từ ứng viên nữ thêm 19%; trong khi đó, các ứng viên nữ gia tăng thêm 3% khả năng nhận được tương tác từ các ứng viên nam.
Theo khảo sát, những người yêu thích đọc sách thường có sự tò mò tích cực, mang tính trí tuệ, điều này giúp ích cho việc hình thành một mối quan hệ thú vị trong buổi ban đầu. Ngoài ra, những người ham thích đọc sách cũng thường tạo dựng được nên những mối quan hệ có tính chất cởi mở, thân tình và tin cậy.
Theo Daily Mail/The Independent