Trong tập 1 quyển sách Sài Gòn một thuở - “Dân Ông Tạ đó!”, tác giả Cù Mai Công đã làm cú lội ngược dòng thời gian cho chúng ta có cái nhìn tổng quan về giai đoạn cộng đồng Bắc 54 mới đặt chân đến đất Sài Gòn.
Thời đó, mạng Internet hay điện thoại thông minh chưa xuất hiện. Làm gì có những nhà sáng tạo nội dung khám phá khắp nơi như bây giờ. Thứ duy nhất khiến người ta biết thông tin đó là truyền hình, radio và báo giấy. Cũng vì lẽ đó, muốn biết Sài Gòn có gì, phải cất công lặn lội vào từng con hẻm, khám phá từng câu chuyện đời, chuyện người. Trong Sài Gòn một thuở - “Dân Ông Tạ đó!” tập 1, tác giả sẽ thay chúng ta “xuyên không” về khu Ông Tạ vài chục năm về trước. Thông qua con chữ, tác giả mô tả cụ thể địa hình khu Ông Tạ khi ấy: Khu chợ, trường học, khu giáo xứ, nhà thuốc... Chi tiết đến mức, có thể vẽ được cả một bức họa đồ về khu “Ông Tạ” cũng không chừng.
Với “Sài Gòn một thuở - “Dân Ông Tạ đó!” tập 1, tác giả Cù Mai Công đã phải “vượt ngàn chông gai, đạp gió rẽ sóng” xác định địa lý khu Ông Tạ. Nhờ đó mà vỡ lẽ, hóa ra Ông Tạ chúng ta thường gọi chỉ là tên gọi dân gian. Không chỉ vậy, nhiều câu chuyện nổi cộm một thời đã được Cù Mai Công ghi chép cẩn thận đến mức khó tin. Từ chuyện ông Sáu “lụi” bán báo khét tiếng một thời, cho đến “truyền thuyết” về cái ngõ mới nghe tên thôi đã thấy... khét lẹt: “Cổng Bom”.
Càng đọc, độc giả càng bị cuốn theo câu chuyện lịch sử, văn hóa. Bất chấp sự khác biệt về văn hóa, vùng miền..., “người Ông Tạ” sống hòa đồng, dễ mến và để lại bao ký ức tốt đẹp, dẫu thời gian đã thay đổi Sài Gòn quá nhiều. Cuốn sách giúp mỗi người trong chúng ta được khám phá khu Ông Tạ thông qua từng mẩu chuyện sinh động đến mức sống động.
Nói về Sài Gòn thuở ấy bao nhiêu cho đủ. Vì thế, Sài Gòn một thuở - “Dân Ông Tạ đó!” tập 1 nói riêng và bộ sách Sài Gòn một thuở - “Dân Ông Tạ đó!” nói chung như một bộ phim tua chậm về một thời quá khứ mang nhiều giá trị lịch sử lẫn kỷ niệm. Trong bộ phim đó, nhà báo Cù Mai Công đã tỉ mỉ chắp nối những ký ức, để công chúng hiểu thêm về “Dân Ông Tạ” cũng như quá trình hòa nhập của những người di cư khi đến vùng đất mới.