Chỉ còn ít ngày nữa Tết Nguyên đán sẽ về ngang ngõ, giữa Sài Gòn lành lạnh cuối năm ai cũng nao nao một hình bóng quê nhà, nhà báo Cù Mai Công (thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ) vừa "tung" ra tác phẩm dày gần 300 trang Sài Gòn một thuở - "Dân Ông Tạ đó!" tập 2 - First News và NXB Tổng Hợp TP.HCM phát hành (tập 1 NXB Trẻ xuất bản năm 2021).
Cùng với Gia Định là nhớ - Sài Gòn là thương vừa xuất bản tháng 10-2022, trong hai năm thôi, Cù Mai Công đã góp cho Sài Gòn ba quyển sách đầy ắp tư liệu và niềm thương nỗi nhớ.
Thành phố đặc biệt này được triệu triệu người chọn làm quê hương, nhưng không quá nhiều người có khả năng khắc ghi, tái hiện sống động đến từng mái nhà, ngõ hẻm như Cù Mai Công.
Tác giả viết say mê về khu Ông Tạ (khu vực gồm nhiều phần đất giao nhau của quận Tân Bình, quận 3, quận 10, xương sống là ngã ba Phạm Văn Hai và Cách Mạng Tháng Tám hiện nay) - không chỉ là hai tập sách mà anh vẫn còn đang ấp ủ những tác phẩm, khảo cứu tiếp theo.
"Bởi vì mẹ", người mẹ Bắc 54 nghiêm khắc nhưng luôn hướng con cái về "cái sâu lắng, ân tình" đã nhắc con trai: "Làm báo cả đời, sao con không viết cho Ông Tạ của mợ một dòng?".
Ông Tạ của mợ - bốn chữ thôi nhưng là hợp âm của tiếng bước chân, tiếng thở, tiếng nói của đoàn người di cư từ miền Bắc cùng tiến về Nam theo đẩy xô của thời đại. Họ chọn một nơi dừng lại, rồi hòa cùng nhịp sống, tiếng nói, tiếng thở của những người Nam - Trung Bộ "bản địa", mở thêm phố, lập thêm phường, chấp nhận khác biệt mà biến Ông Tạ trở thành khu đô thị sầm uất bậc nhất của miền Nam những năm 60 về sau.
Ông Tạ của mợ - chính là khi mẹ anh và bao thế hệ người dân đã xem nơi đây là máu mủ, là chính mình, không tách rời lạ quen, mới cũ.
8 chương sách trong Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó tập 2 được Cù Mai Công cấu trúc như một sơ đồ địa lý, khu ngã ba trung tâm, ngõ Con Mắt, ngõ Cổng Bom, xóm cần lao, xóm Đại Lợi, những cư xá Bắc Hải, Tự Do…
Điều thú vị là cái sơ đồ của Cù Mai Công chỉ có ít dòng thực sự miêu tả địa lý, "đào" một mạch ngầm sâu hơn, Cù Mai Công đã dùng câu chuyện, chi tiết, tính cách hàng trăm con người để dựng nên "tính cách" cho từng khu phố không lẫn vào đâu được, cấu thành một đô thị Ông Tạ quá nhiều sắc màu văn hóa.
Rộn ràng bán buôn rất Nam Kỳ mà vẫn tao nhã cốt cách Bắc xưa, giang hồ sống gần người nổi tiếng, dân biểu sống cạnh cần lao, người Công giáo ngoan đạo chan hòa với Phật tử thiện lương, người đã đi qua đại dương đau đáu với quãng đời Ông Tạ…
Tôi thích những trang tư liệu bổ ích về giới doanh nhân mang lại bộ mặt giàu có cho khu Ông Tạ, chuyện vợ chồng người bỏ mối nước mắm sinh ra đàn con trí thức rạng danh, chuyện người đã có tầm nhìn biến khu đất hoang sơ thành rạp hát Đại Lợi như "biểu tượng văn minh"... và những người tài sống lặng lẽ trong từng con hẻm Ông Tạ nhưng 'phát sáng' giữa đời bằng tác phẩm bất hủ, Hoa cài mái tóc (Thông Đạt), Bài Thánh ca buồn (Nguyễn Vũ), Câu chuyện đầu năm (Hoài An)… những nốt nhạc quyến rũ đó đều vút lên từ khu Ông Tạ.
Dày đặc tên người, số phận cũng là một chút khuyết điểm của quyển sách tập 2 vì khiến cho người đọc lần đầu choáng ngợp giữa hằng hà mối quan hệ, nhưng khi đọc lại lần nữa, đọc chậm và xem cả sơ đồ được cung cấp ngay trong sách, tôi vẫn bị cuốn hút vì những thứ cảm xúc khó tả về hồn phố hồn người, trộn lẫn giữa tha thiết, tiếc nhớ và cả ngạc nhiên.
Trong tôi không ngừng tự hỏi tác giả đã sống hết mình với hàng xóm, bạn bè, 'lăn lộn', chơi bời, yêu thương cỡ nào mới thông thuộc đường ngang ngõ tắt, nhớ từng dáng người, chuyện lớn nhỏ ở nơi anh lớn lên như vậy?! Phải thương một nơi nào đó hết tâm can mới có thể trở thành một người kể chuyện tỉ mỉ đến vậy chứ.
Mẹ anh đã không chờ được những quyển sách của con trai mà bà chính là nguồn cảm hứng để bắt đầu. Nhưng những quyển sách về Dân Ông Tạ của Cù Mai Công đã ra đời hai năm nay từ hàng ngàn tư liệu, hình ảnh được anh gom góp chuẩn bị cả chục năm - không chỉ là món quà nhỏ tác giả dành riêng cho mẹ. Sách còn là món quà mà bao thế hệ cư dân Ông Tạ nói riêng, nhiều cư dân Sài Gòn nói chung chờ đợi, truyền tai. Ở nơi nước Chúa, có lẽ mẹ anh đã mỉm cười và tự hào.