Bằng lối kể chuyện dung dị, lôi cuốn, cùng nhiều tình tiết hấp dẫn, tác giả Stuart Avery Gold đã khéo léo truyền tải những triết lý nhân sinh sâu sắc, sức mạnh tinh thần và những vấn đề cấp bách mang tính thời sự đến với người đọc.
Cuốn sách còn là tấm vé thông hành giúp độc giả đón nhận các cơ hội của cuộc sống, được minh họa qua những hành động quả cảm và hành trình chuyển biến nội tâm của chú ếch Ping. Dưới ngòi bút sâu sắc của mình, tác giả đã tái hiện cuộc đời Ping qua ba giai đoạn trong phiên bản mới nhất của cuốn sách:
Vượt khỏi ao tù
“Đã lâu rồi, ở một nơi kia, nước trong cái ao đột nhiên bị cạn. Thật ra cái ao đã bắt đầu cạn dần một thời gian trước đó. Nhưng hầu hết cư dân sống trong đó chẳng hề bận tâm. Và Ping cũng vậy…”
Khởi đầu câu chuyện của Ping là chiếc ao, nơi mà muôn loài chung sống vui vẻ với nhau. Tưởng chừng cuộc sống sẽ trôi qua êm đềm cho đến ngày chiếc ao cạn nước, cũng là lúc mọi người dần nhận ra những thay đổi của môi trường. Nhưng tại sao lại là chiếc ao tù?
Bởi chiếc ao là một nơi đọng nước lâu ngày, không có chỗ chảy nước đi, cũng chẳng có đường dẫn nước vào. Nó tù túng và hạn hẹp như chính tên gọi của mình vậy. Nói cách khác, chiếc ao đại diện cho môi trường trưởng thành và sinh sống đầy định kiến, thiếu tầm nhìn phát triển. Và ao tù cũng là hình ảnh phản chiếu tâm hồn của chính những cư dân đang sinh sống trong đó.
Lúc này, Ping – chú ếch trẻ tài năng với năng lực nhảy xa phi thường - không chấp nhận thực tại ấy. Chú quyết định rời khỏi chiếc ao, vượt qua nỗi sợ hãi và từ bỏ cảm giác thoải mái quen thuộc lại phía sau để tìm cho mình một tương lai tươi sáng.
Cũng giống như bao bạn trẻ khác, Ping mang trong mình lòng nhiệt huyết và nhiều hoài bão trên hành trình khám phá chân trời mới đầy chông gai, thử thách. Cậu liên tục đối mặt với sự thất bại, đau đớn và nỗi hoang mang về con đường mình đã lựa chọn. Đó cũng là lúc Ping gặp được bác Cú thông thái.
“Bảy lần ngã, tám lần đứng dậy” – bác Cú già động viên, “Niềm tin vào bản thân sẽ giúp cháu vượt qua mọi khó khăn và thất bại. Chính sự khôn ngoan hơn sẽ chỉ đường mở lối cho cháu”. Kể từ đó, hai bác cháu cùng trải qua chặng đường gian nan để tôi luyện tinh thần, vượt lên thử thách nhằm tìm ra con đường minh triết. Đó chính là việc sống có chủ đích để nắm giữ vận mệnh của chính mình. Bác Cú giúp Ping nhận ra “cuộc hành trình có ý nghĩa nhất chính là cuộc hành trình bên trong mỗi chúng ta”.
Hành trình của Ping chứa đầy sự hấp dẫn và hồi hộp. Câu chuyện khuyên bạn hãy vượt qua cuộc sống chật hẹp thường ngày và hãy tin tưởng làm theo những gì trái tim bạn mách bảo. Điều đặc biệt mà chương sách này mang lại cho chúng ta chính là nhìn thấy bóng dáng của mình trong từng trang sách, được cùng trải nghiệm những nỗi buồn, niềm vui của nhân vật trên hành trình thay đổi bản thân.
Hành trình ra biển lớn
Nếu cuộc hành trình vượt khỏi ao tù của Ping là một hành trình mang tính cá nhân thì ở phần thứ hai của cuốn sách, bạn đọc sẽ thấy được sự đột phá mang tính tập thể thông qua cuộc phiêu lưu mới – chuyến hành hương ra biển lớn của Ping cùng hai chú ếch trẻ là Hodo và Kaido.
Lúc này đây, Ping giữ vai trò là người thầy, người anh đi trước dẫn đường, hướng dẫn và truyền lại kinh nghiệm cho đàn em, giúp họ vượt khỏi ao tù từng kìm hãm mình. Để rồi đích đến của cuộc hành trình ấy là đại dương tri thức mênh mông, rộng lớn, giúp họ mở rộng tầm mắt và khai sáng tâm hồn. Hơn thế nữa, đó còn là tư duy “dám nghĩ dám làm” và sự tự tin vào bản thân của hai chú ếch trẻ.
Thông qua những lời chỉ dẫn mà Ping không ngừng mang đến cho Hodo và Daikon, chúng ta chứng kiến được hành trình trưởng thành của người trẻ, với tinh thần “dám nghĩ dám làm” và sự tự tin vào bản thân. Khép lại hai cuộc hành trình thú vị của Ping, Stuart Avery Gold nhắn nhủ đến thế hệ sau: “Ước mơ sẽ không thể bắt đầu nếu bạn không hành động. Hãy là người tạo ra khả năng. Sai lầm có thể khắc phục, nhưng nếu không hành động thì tâm hồn sẽ bị giam cầm”.
“Ping- giải cứu vườn địa đàng” không chỉ đơn giản là cuộc hành trình về khám phá địa lý mà ẩn sâu trong đó chính là sự thức tỉnh vượt bậc về tinh thần, cuộc hành trình tìm về nguồn sống vũ trụ. Cuốn sách được xem như “cuốn thiền vỡ lòng” dành cho độc giả nhờ những thông điệp sâu sắc mà nó mang đến.
Giải cứu Vườn Địa đàng
Trở về sau những cuộc hành trình dài và đầy ý nghĩa, tưởng chừng Ping có thể yên tâm sống phần đời còn lại của mình tại chiếc ao xưa cũ. Chiếc ao ấy quá đỗi tuyệt vời và hoàn hảo khiến mọi cư dân ở đó gọi đây là chốn địa đàng.
Mọi thứ vẫn tốt đẹp, cư dân sinh sống ở Ao Vườn Địa đàng đều cho rằng mái ấm của mình thật thanh khiết và trong trẻo. Cho đến ngày nọ, với sự nhạy cảm tuyệt vời trong tâm hồn của mình, chú ếch Ping một lần nữa cảm nhận nỗi bất an và mất mát của chiếc ao khi nước trong ao ngày càng ấm, đàn ong đột ngột biến mất, cả chuồn chuồn và bọ rùa cũng rời đi.
Mang theo dự cảm chẳng lành, Ping lại lên đường đi tìm nguyên nhân gây nên những đổi thay đầy đáng sợ ấy. Và chẳng phải tốn quá nhiều thời gian, chú đã nhận được ngay câu trả lời diễn ra trước mắt.
Ao Địa đàng đang bị đe dọa trực tiếp bởi sự tàn phá thiên nhiên của con người. Họ chặt phá rừng, xả rác, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức dẫn đến sự biến đổi khí hậu, gây mất cân bằng đa dạng sinh học, tàn phá môi trường sống của hàng trăm ngàn loài sinh vật và đẩy chúng vào con đường tuyệt chủng. Đây cũng chính là những hành động tàn ác mà con người gây ra với Trái Đất.
Trên chuyến hành hương đến Thung lũng Hải ly, Ping đã chỉ cho chúng ta thấy con người đang cố gắng tàn phá “vườn địa đàng” của muôn loài để xây dựng “vườn địa đàng” cho bản thân mình. Đáng tiếc thay, “vườn địa đàng trong mơ” ấy vốn không hề tồn tại. Bởi lẽ, Trái đất này vốn dĩ đã là thiên đường của con người. Và tất cả những gì con người đang làm lại đang giết chết thiên đường của chính mình.
Khép lại cuốn sách, tác giả gửi gắm thông điệp: Tương lai không phải một đích đến có sẵn, mà là thứ chúng ta phải tạo dựng nên. Việc cứu lấy Vườn Địa đàng của chú ếch Ping cũng là ta đang tự cứu rỗi cuộc đời mình. Ngay bây giờ, mỗi người cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này và chung tay hành động để bảo vệ Trái Đất.