Con người thường sẽ có cảm giác cực kỳ đau khổ và sợ hãi khi đối diện tai ương, mất mát, nhất là khi cận kề cái chết. Nhưng dường như tạo hoá cũng có sắp đặt, để ở những thời khắc quyết định, con người học được bài học cần thiết, gặp được điều kỳ diệu. Có những sự cố cho con người những cơ hội để thay đổi, để hoàn thiện… mà họ chưa bao giờ nghĩ tới.
Cú sốc cận tử của tiến sĩ y khoa Eben Alexander, một nhà giải phẫu học thần kinh nổi tiếng của Mỹ, được ông kể lại trong tác phẩm Minh Chứng Thiên Đường là một trường hợp như thế.
Cú sốc thay đổi cả thế giới quan
Bạn có tin khi tiến sĩ Eben Alexander, một nhà nghiên cứu khoa học, người đã luôn tin rằng mọi hiện tượng xảy ra đều có thể giải thích bằng các định luật khoa học, không thể có những hiện tượng “tâm linh” và đó chỉ là sự mê tín mà thôi, chính là người sau một trải nghiệm cận tử, đã khẳng định “Thiên đường là có thật”?
Ông tự nhận, sau trải nghiệm cận tử “cuộc sống và thế giới quan của tôi đã được chuyển hóa hoàn toàn”. Với việc cho ra đời cuốn sách Minh Chứng Thiên Đường, ông khao khát minh chứng với thế giới rằng: Thiên đường là có thật, và “Tôi là một bằng chứng sống”.
Dù tin hay chưa tin điều tác giả đang minh chứng, thì chắc rằng người đọc cũng sẽ dễ dàng bị lôi cuốn bởi cách viết sinh động, dưới góc nhìn và những phân tích chặt chẽ, cẩn trọng của một người làm khoa học, nhưng cũng tràn đầy cảm hứng của người biết rõ điều mình trải qua “là thật, là đúng, và vô cùng quan trọng”, và nó cần được chia sẻ cho mọi người.
Eben Alexander mô tả, ông đã đột ngột mắc một căn bệnh bất thường là viêm màng não nghiêm trọng do E.coli. Tiên lượng tử vong cao, hoặc sẽ sống đời sống thực vật nếu may mắn hồi phục. Trong suốt thời gian hôn mê, bộ não của ông đã ngừng hoạt động hoàn toàn. Nhưng ông đã hồi sinh một cách kỳ diệu. Và chỉ sau một thời gian ngắn, khả năng trí não của ông đã hoàn toàn hồi phục.
Sau khi tỉnh dậy, ông đã nhớ lại thật chi tiết hành trình cận tử, và xem việc kể lại nó là nhiệm vụ trọng tâm của đời mình. Câu chuyện đan xen giữa cuộc sống đời thường, quanh giường bệnh, với bảy ngày chìm trong hôn mê, cũng là bảy ngày ông đi vào “cõi giới Thiên Đường”. Ông muốn thuyết phục mọi người về sự có thật của một thế giới mầu nhiệm mà ông đã đến, về sự thật ông đã được “trải nghiệm việc tư duy bên ngoài bộ não” - một sự thật mà trước đó, với kiến thức và tư cách của một người làm khoa học, ông chưa bao giờ tin. Bởi ông luôn cho rằng “Nếu bộ não chúng ta không hoạt động, chúng ta không thể nhận thức. Đó là vì bộ não là một cỗ máy tạo ra ý thức. Khi cỗ máy này không may ngưng hoạt động, ý thức cũng ngừng theo”.
Ông mô tả mình bắt đầu trải nghiệm hành trình vào “cõi giới Thiên Đường” từ “Thế giới bên dưới”, hay ông còn gọi là “Cảnh Giới Tầm Nhìn Của Giun Đất”. Ở đó là bóng tối, với cảm giác rờn rợn, những mùi tanh, những gương mặt thú quái dị trồi lên trên mặt bùn lầy nhớp nhúa. Nhưng từ bóng tối đó, xuất hiện những sợi ánh sáng xoay vòng. “Giai Điệu Xoay Vòng và Lối Vào” đã đưa ông di chuyển lên một cảnh giới mà theo ông là “một thế giới kỳ lạ nhất, đẹp đẽ nhất”. Ông cảm thấy đó mới là nơi thật sự mình đang được sinh ra. Ở đó, ông gặp một cô gái, như một thiên thần, với ánh nhìn chan chứa tình yêu thương. Cô gái ấy đi cùng ông trong chuyến “du hành” và trao cho ông một thông điệp tuyệt vời.
Rồi ông lên tầng trên nữa, tầng “Cốt Lõi”. Một nơi mà ông nhận ra Đấng Sáng Tạo có thật và gần gũi đến mức “không cảm thấy chút khoảng cách nào giữa tôi và Người”. Ở đó, ông được thấu hiểu, được nghe trả lời gần như tức thì mọi câu hỏi, dù “giọng nói đó không hiện ra ở dạng ngôn ngữ như cách mà chúng ta biết”.
Thông điệp “yêu thương”
Tỉnh dậy, Alexander biết rằng: trong bảy ngày hôn mê trên giường bệnh, gia đình, bạn bè đã ở bên ông suốt 24/7. Họ thay phiên nhau cầm tay ông, trò chuyện với ông, cầu nguyện cho ông… Ông gọi đó là cái neo giữ ông lại cuộc sống trên trái đất. Đó là thông điệp yêu thương. Là tình yêu thương tràn đầy mà ông có diễm phúc nhận được trong cuộc sống trần thế.
Nhưng khi ở “cõi giới Thiên Đường”, ông còn cảm nhận được một tình yêu thương kỳ diệu hơn. Nó thể hiện qua ánh mắt của cô gái “Thiên thần” nhìn ông. Nó “vượt lên trên tất cả những dạng thức tình yêu thương mà con người chúng ta trên trái đất từng biết đến. Nó là thứ gì đó cao cả hơn, bao hàm trong nó tất thảy mọi kiểu tình yêu còn lại, đồng thời vừa chân thực vừa thuần khiết hơn tất thảy”.
Cô gái ấy đã đưa cho Alexander một thông điệp “Anh luôn được yêu thương và trân trọng, vô cùng, một tình yêu vĩnh cửu. Không có gì phải sợ hãi. Anh không thể làm điều gì sai”, mà nếu cô đúc lại thì nó sẽ đơn giản là “Yêu thương”.
Cuối cuốn sách, tác giả còn làm cho người đọc bất ngờ bằng khẳng định cô gái “Thiên thần” chính là người em gái ruột đã mất của ông mà ông chưa từng một lần biết mặt. Ông nhận ra điều đó sau khi được một người em khác gởi cho bức ảnh. Ông đã kêu lên “chính là em ấy” với một cảm nhận yêu thương tràn ngập tâm hồn. Cảm nhận đó cũng giúp ông hiểu hơn về trải nghiệm cận tử của những người khác, khi họ đều kể rằng đã gặp lại người thân của mình ở “thế giới bên kia”.
Trong toàn bộ cuốn sách, người đọc sẽ tìm thấy nhiều thông tin khoa học bổ ích, nhiều luận cứ, căn cứ chứng minh cho quan điểm của tác giả về một “cõi giới Thiên đường” có thật, về những nhận thức mới mẻ của ông về vũ trụ và sự kết nối của con người với vũ trụ.
Tất nhiên, không dễ dàng gì để mọi người đều có thể nhìn nhận như ông và chia sẻ hoàn toàn cùng ông. Eben Alexander biết điều đó, khi viết “Sự thống trị của phương pháp khoa học chỉ đơn thuần dựa trên thế giới vật chất trong suốt hơn bốn trăm năm qua đã tạo ra một vấn đề lớn: chúng ta đã mất liên lạc với bí ẩn sâu sắc nằm ở trung tâm của sự tồn tại- ý thức của chúng ta”.
Tác giả cũng biết sẽ có những người “tìm cách bác bỏ trải nghiệm của ông”. Nhưng ông vẫn kiên trì “nghĩa vụ của tôi- vừa với vai trò là một nhà khoa học, tức là người tìm kiếm sự thật, vừa là một bác sĩ dành trọn đời mình để giúp đỡ những người khác- là giúp cho nhiều người nhất có thể biết rằng những gì tôi đã trải qua là thật, là đúng, và vô cùng quan trọng. Không chỉ đối với tôi, mà tất cả chúng ta”.
Ông viết “ Hành trình của tôi không chỉ là về tình yêu thương mà còn là việc chúng ta là ai và tất cả chúng ta được kết nối với nhau ra sao”. Và “ Nếu không khôi phục được trí nhớ về sự kết nối vốn dĩ rộng lớn hơn của mình, và về tình yêu vô điều kiện của Đấng Sáng Tạo của mình, chúng ta sẽ luôn cảm thấy lạc lối trên trái đất này”.
Qua trang sách, mỗi người có thể sẽ có những cảm nhận, suy nghĩ rất khác nhau; sẽ có những niềm tin và nỗi hoài nghi không giống nhau. Nhưng có lẽ điều dễ đồng cảm khi đọc quyển sách này là thông điệp về sự tồn tại một tình yêu thương vĩnh hằng và vô điều kiện trong vũ trụ bao la. Là việc con người “không có gì phải sợ hãi” khi đối diện với những thử thách, những hiểm hoạ, tai ương, nếu biết rằng chúng ta luôn được yêu thương và sẽ luôn có “những cánh cửa” yêu thương và chữa lành mở ra với mình.