Nếu ví cuộc sống là một bản đồ, mỗi chúng ta đều sẽ được định vị là một mắt xích trong nhiều hệ thống mạng lưới xã hội. Việc mở rộng biên độ kết nối đã trở thành món ăn tinh thần mang đến đời sống trải nghiệm phong phú của con người hiện đại. Nhưng có một nghịch lí luôn tồn tại song song rằng: càng kết nối, con người lại càng thấy cô đơn. Sự kết nối ấy là ảo và sẽ dần bị thay thế bởi những kết nối khác, duy chỉ có nỗi đau ở lại, ngày càng ăn mòn tâm hồn những ai đã – đang và sẽ bị chúng đánh bại.
Vậy ta phải làm gì khi vũ trụ chẳng bao giờ báo trước khi nào ta sẽ đau khổ?
Như một cách lấy độc trị độc, trong “Là bạn nhưng vạn lần tốt hơn”, Mike Bayer khẳng định “thỉnh thoảng, chúng ta cần bước vào bóng tối để hiểu được thế nào mới thật sự là ánh sáng”. Nói cách khác, việc trải nghiệm nỗi đau là một phần giúp chúng ta tìm ra cách vượt qua chúng. Với tác giả có hai loại nỗi đau thường gặp: nỗi đau bị chối bỏ và nỗi đau mất mát. Dù ở trong hình thái nào, chúng đều có sức công phá, khiến một người đang ở đỉnh cao rơi xuống hố sâu chỉ trong một khoảnh khắc.
Thoạt đầu, tưởng chừng như nỗi đau hay cơn bão lửa ấy sẽ càn quét khiến tinh thần ngày càng kiệt quệ, thậm chí ngấu nghiến lớp vỏ bọc tự vệ mà ta đang cố gắng bao phủ, nhưng sâu tận đáy tâm can, chúng ta vẫn sở hữu một phần tĩnh tại chưa từng bị rung chuyển – đó là mắt bão. Nó cho phép ta hút lấy toàn bộ năng lượng, kết nối với nội tâm và hướng sự tập trung vào bên trong để tìm hiểu mối quan hệ quan trọng nhất trong đời: mối quan hệ của ta với chính mình.
Tác giả nhấn mạnh đừng bao giờ bỏ quên đời sống cá nhân giữa vòng xoáy đời thường, và việc ưu tiên chăm sóc bản thân vốn không phải là một hành động ích kỉ. Với Mike Bayer, tam giác cân bằng đời sống cá nhân xoay quanh ba trục chính: cuộc đối thoại nội tâm – khả năng chăm sóc bản thân và năng lực duy trì đam mê một cách tích cực. Từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba trục ấy, con người sẽ khai vấn hóa bản thân, thấu hiểu chính mình đồng thời phát huy sức mạnh nội tại và giải phóng năng lượng ứng phó với những biến đổi cuộc đời.
Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng, việc khắc chế nỗi đau không có nghĩa là giành lấy sự chiến thắng. Bởi lẽ từ đầu, đây không phải một cuộc chiến mà là sự mở lòng, đón nhận và cho phép bản thân được an ủi từ những người xung quanh. Điều đó cho thấy, nỗi đau cũng là một trong số những chất xúc tác giúp bạn kết nối với thế giới và trước khi bước vào kết nối rộng lớn ấy, bạn cần học cách kết nối với chính mình để tìm thấy phiên bản là bạn nhưng vạn lần tốt hơn.