Để chữa lành đứa trẻ tổn thương bên trong, chúng ta cần gọi tên nỗi đau đang mang

05/03/2024 09:00
Để chữa lành đứa trẻ tổn thương bên trong, chúng ta cần gọi tên nỗi đau đang mang

Khi không được diễn tả thành lời và xử lý về mặt cảm xúc, nỗi đau có thể điều khiển cuộc đời ta. Nhưng khi gọi tên được sự tổn thương, chúng ta có thể điều hướng nó.

Gọi tên nỗi đau là một việc cần thiết vì bằng cách này, chúng ta đưa những tổn thương của mình ra ánh sáng. Khi sống trong bóng tối, nỗi đau trở thành một bí mật nhơ nhuốc, tối tăm. 

Sự tổn thương về mặt cảm xúc có thể xảy ra dưới nhiều dạng khác nhau, từ những sự việc tưởng chừng nhỏ nhặt như bị la mắng đến lớn như bị tai nạn xe, trải qua một cuộc chiến, hứng chịu nỗi đau mất người thân, bị bạo hành tình dục và bị ngược đãi về tinh thần. Sự tổn thương ở bất kỳ dạng thức nào đều để lại ảnh hưởng lâu dài đến chúng ta. Thể xác, tâm trí và tinh thần phải trải qua một loạt quy trình phức tạp để bảo vệ bản thể cốt lõi và lưu giữ an toàn những cảm xúc cốt lõi trong suốt thời gian một sự kiện tổn thương xảy ra.

Chúng ta cố gắng vượt qua nỗi đau bằng ba cách cơ bản: xóa bỏ, kìm nén và phân lyXóa bỏ là chủ động loại bỏ một ký ức ra khỏi tâm trí mình. Chúng ta chọn quên đi ký ức đó và không tiếp năng lượng cho nó nữa. Sự kìm nén xảy ra khi chúng ta vô thức gạt khỏi tâm trí một biến cố vì không muốn trải nghiệm nỗi đau khi nhớ đến nó. Sự phân ly xảy ra trong trường hợp tổn thương nghiêm trọng, khi bản năng sinh tồn tự nhiên của đứa trẻ lên tiếng rằng: “Bạn có thể có gây tổn thương cho tôi, nhưng bạn sẽ không bao giờ chạm đến được tâm hồn tôi”. Đứa trẻ hay người lớn đó sẽ tự động ngắt kết nối khỏi sự kiện như một cách bảo toàn bản thân.

Sau một sự kiện sang chấn, người bị tổn thương không phải lúc nào cũng nhận biết được rằng sự kiện đó đã chấm dứt. Nó trở thành nỗi đau tái diễn, không ngừng gây chú ý để được chúng ta chữa lành.

Gọi tên nỗi đau là một việc cần thiết vì bằng cách này, chúng ta đưa những tổn thương của mình ra ánh sáng. Khi sống trong bóng tối, nỗi đau trở thành một bí mật nhơ nhuốc, tối tăm. Khi không được diễn tả thành lời và xử lý về mặt cảm xúc, nỗi đau có thể điều khiển cuộc đời ta. Nhưng khi gọi tên được sự tổn thương, chúng ta có thể điều hướng nó. 

Vết thương cốt lõi

Vết thương cốt lõi là nỗi đau sâu sắc, có thể như một vết thương hở đang gây đau đớn hay sự tổn thương từ một biến cố hay ký ức gây sang chấn để lại vết cắt sâu trong lòng. Vết thương cốt lõi bắt nguồn từ những tương tác nhỏ lặp đi lặp lại với những thành viên trong gia đình, như trong câu chuyện của tôi, hay với những người mà chúng ta tin tưởng. Những tương tác này có thể chỉ là một câu nói mỉa mai, một nhận xét ác ý hay lời chỉ trích cố ý làm tổn thương. Sự việc gây tổn thương có thể thỉnh thoảng hoặc thường xuyên xảy ra. Dù sự việc đó là gì, cảm giác tổn thương cũng được khơi dậy theo một cách thức giống nhau. Sau nhiều lần như vậy, chúng ta dần quen với những cú va đập cảm xúc này. Kết cục là một vùng tổn thương được tạo ra và từ đó phát triển thành một vết thương tinh thần. Vết thương này lưu giữ nỗi đau quá khứ bị đóng băng và cuối cùng trở thành một phần bên trong chúng ta, góp thêm thông tin để chúng ta hình thành ý niệm về bản thân.

Ngay lúc này, có thể bạn đang nghĩ đến những biến cố trong đời mình và tự hỏi liệu có trải nghiệm nào tạo thành vết thương cốt lõi không. Mỗi chúng ta đều từng nếm trải cảm giác tổn thương, thất vọng và tội lỗi trong quá trình lớn lên, nhưng phần lớn các trải nghiệm gây tổn thương đều là một phần bình thường của sự phát triển và trải nghiệm đời sống con người. Chúng không tốt và cũng chẳng xấu, chỉ đơn thuần là những trải nghiệm. Điểm khác biệt ở đây là cách mà những trải nghiệm tổn thương này tác động ra sao đến mỗi cá nhân, cũng như cách mà chúng ta ứng phó với những trải nghiệm đó, đặc biệt là trong suốt quãng đời thơ ấu, khi chúng ta còn đang dựa vào sức bật tinh thần và sự hòa hợp với bản thể của mình.

Tất nhiên, những đứa trẻ có hành vi sai trái hoặc không biết cách kiểm soát cảm xúc cần được điều chỉnh và uốn nắn. Sai lầm mà nhiều cha mẹ thường mắc phải là cho rằng con mình là đứa trẻ hư thay vì con mình có hành vi sai trái. Qua thời gian, đứa trẻ dần xem sự chỉ trích hay chê cười này là một nhận định tiêu cực về bản tính cốt lõi của mình, từ đó hình thành một niềm tin tổn thương cốt lõi. Chỉ với nhận thức rõ ràng về sự khác nhau giữa “đứa trẻ hư” và “đứa trẻ có hành vi sai trái”, chúng ta đã có thể giúp người khác thay đổi cách nhìn nhận về bản thân và toàn bộ cuộc đời họ.

Với một số tương tác gây tổn thương, chúng ta để chúng thâm nhập và in sâu trong lòng, trong khi với những tương tác khác, chúng ta chỉ quan sát và để chúng trôi qua. Hãy nhìn lại cuộc đời mình và nhận định xem những sự việc nào đã gây tổn thương sâu sắc đến bạn. Bạn đã bị chỉ trích là một đứa trẻ một người tồi tệ, hay bạn bị phê bình là có hành vi tồi tệ? Có một sự khác biệt lớn trong cách mà chúng ta tiếp nhận và xử lý hai loại thông tin thuộc phạm trù cảm xúc này.

Vết thương cảm xúc đóng băng

Khi bạn có một trải nghiệm gây ra vết thương cốt lõi, vết thương sẽ “đóng băng thời gian” tại tuổi mà bạn tiếp nhận trải nghiệm, tuổi tổn thương của bạn. Như một quả cầu tuyết, nó đóng băng tại thời điểm đó và xuất hiện trở lại khi được kích hoạt trong quãng đời trưởng thành của bạn. Những cảm xúc tổn thương bị đóng băng này không trưởng thành theo thời gian cùng với phần nội tâm còn lại của bạn. Chúng ngủ yên cho đến khi bị kích hoạt và khi ấy, vòng lặp tái diễn.

Ý tưởng về một vết thương bị đóng băng thời gian và mắc kẹt trong một quả cầu tuyết bên trong bạn là một cách giúp bạn thấu hiểu và kết nối với phần nội tâm mang theo vết thương này. Đó là một góc nhìn khác để bạn khám phá bản thân và nỗi đau tinh thần đã tồn tại bên trong bạn một khoảng thời gian dài.

Vết thương sâu nặng

Vết thương cốt lõi sâu nặng bắt nguồn từ một sự việc gây tổn thương sâu sắc, tạo một vết cắt rất sâu trong lòng. Những ví dụ liên quan đến vết thương sâu nặng bao gồm tình trạng bị bạo hành về thể xác, chẳng hạn như bị đánh, đấm và tát; tình trạng bị bạo hành về tinh thần, chẳng hạn như bị xúc phạm bằng lời nói, bị bỏ mặc, không được cần đến hay tôn trọng; và tình trạng bị bạo hành về tình dục, chẳng hạn như bị ép buộc quan hệ tình dục, bị cho xem phim hay sách báo khiêu dâm khi còn nhỏ và thấy người khác phổ bày bộ phận sinh dục của họ. (Tất nhiên, đây chưa phải là một danh sách đầy đủ.) Những dạng tổn thương về thể xác, tinh thần, tình dục và cảm xúc này, đặc biệt là tổn thương do bạo hành tình dục, để lại nỗi đau sâu sắc, gây ảnh hưởng lâu dài.

Mọi sự tổn thương ở mức độ sâu sắc tột cùng đều chạm đến nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn và thường mất nhiều thời gian hơn để chữa lành. Loại tổn thương này thường làm thay đổi toàn bộ chiều hướng phát triển cảm xúc và nhận thức của một cá nhân, đồng thời, khởi đầu cho những vòng lặp trọn đời của trạng thái trầm cảm, rối loạn lo âu, và thậm chí những bệnh tâm thần nghiêm trọng. Sức bật tinh thần khác nhau của mỗi người chúng ta dẫn đến những cách phản ứng, hồi đáp và hợp nhất loại tổn thương này khác nhau.

Qua quá trình hành nghề của mình, tôi đã làm việc với những người từng trải qua những biến cố kinh khủng đến mức tôi quyết định không sử dụng câu chuyện của họ để làm ví dụ. Tôi nhẹ nhàng lắng nghe và thấu cảm sâu sắc với nỗi đau của họ, vì tôi hiểu rằng họ đã phải chịu đựng vết thương khủng khiếp ấy khi chỉ là một đứa trẻ. Những trải nghiệm đau khổ tột cùng này thường đẩy một người vượt qua giới hạn của bản thân, và chúng ta thấy họ trở nên mạnh mẽ lạ thường, cố gắng sống tốt nhất cuộc đời mình với nỗi đau vẫn đang mang trong lòng.

Trẻ em có khả năng chịu đựng phi thường trước những cơn bùng nổ cảm xúc từ người lớn và phát triển những kỹ năng thích nghi để sinh tồn, cả về thể xác lẫn tinh thần. Tôi từng gặp những trẻ em và người lớn bị tổn thương đã sử dụng sức bật tinh thần để bảo vệ bản thể chân thật của mình khỏi sự xâm hại. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều có một ngưỡng chịu đựng và sức bật tinh thần nhất định để có thể dùng đến khi cần. Khi một người càng trải qua nhiều sang chấn trong đời thì nguồn sức bật tinh thần bên trong họ càng trở nên cạn kiệt. Cách chúng ta trải nghiệm sự tổn thương mang tính cá nhân, vì vậy một sự kiện có thể gây tổn thương sâu sắc cho người này nhưng lại chẳng hề hấn gì đến người khác. Mỗi chúng ta mang thế giới quan, tính cách và nhận thức về bản thân vào mọi tình huống mà mình đối mặt. Một số người trong chúng ta có thể đương đầu với sóng gió trong đời tốt hơn những người khác.

Đôi khi, chúng ta giảm nhẹ sự việc bằng cách nghĩ: “Ô, đứa trẻ nào mà chẳng bị đánh đòn” hay “Chắc hẳn mình là một đứa trẻ hư, nên mình mới đáng bị như vậy”. Cách tâm trí biện minh hay giảm thiểu nỗi đau như thế này là để chúng ta vượt qua sự kiện tổn thương. Tâm trí cố đè nén cảm giác tổn thương và tự nhủ: “Hãy đi qua sự việc này và sống tiếp, vì mình biết nếu ở lại trong vùng cảm xúc này lâu hơn, mình sẽ bắt đầu có những cảm nhận không mong muốn”. Hãy sống tiếp nào, chẳng có gì cần biện minh hay lý giải ở đây cả…

Nếu bạn bị tổn thương sâu sắc bởi sự bạo hành thể xác hay tình dục, hãy luôn biết những điều sau đây:

  • - Bạo hành là hành vi gây tổn hại cho bạn.
  • - Bạn chẳng làm gì để khiến người khác bạo hành bạn.
  • - Tình trạng bạo hành đó không còn xảy ra trong cuộc sống hiện tại của bạn. Hiện giờ, bạn đang được an toàn.
  • - Bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp và chữa lành vết thương tinh thần này.
  • - Bạn có thể được chữa lành và chào đón một cuộc đời đích thực.

Mối quan hệ của bạn với vết thương trong lòng mình cần được hàn gắn theo thời gian và tốc độ của riêng bạn. Khi sự việc xảy ra trong quá khứ, bạn chưa đủ khả năng để làm chủ được tình huống. Lúc ấy, bạn nhỏ bé về mặt thể xác, và bạn không có đủ vốn từ cần thiết để biểu đạt và bảo vệ bản thân, đồng thời, thế giới của bạn cũng nhỏ bé trong phạm vi vài con phố. Bạn trông cậy cả vào người lớn trong việc giữ cho bạn được an toàn khỏi mọi mối nguy hại, nhưng có lẽ những người lớn cũng đang đắm chìm trong nỗi đau của chính họ, như sự nghiện ngập, các căn bệnh tinh thần và khủng hoảng tâm lý; họ vùi đầu vào công việc và không có thời gian dành cho bạn, hoặc chính họ cũng là nạn nhân của tình trạng bạo hành.

Trong một số trường hợp, khi người cha hay người mẹ nhiều năm sau đó nhận ra con mình từng bị bạo hành, họ thường rơi vào cảm giác tội lỗi. Có thể họ thật sự đã không hay biết gì về sự việc hoặc nhắm mắt làm ngơ và giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của sự việc, hoặc có thể đứa trẻ đã bị kẻ bạo hành bắt ép phải giữ bí mật, không được kể lại với bất kỳ ai. Nếu người cha hay người mẹ cũng đang chịu nỗi đau do tổn thương của riêng họ, họ có thể không chú ý để nhận ra hay thấu hiểu tình trạng khổ sở của đứa trẻ. Nhiều bậc cha mẹ tuy đã là người lớn về mặt thể xác nhưng có thể chưa đủ chín chắn về mặt cảm xúc, và điều này thể hiện trong cách họ hỏi đáp hay không hồi đáp với cảm xúc của con mình.

Trước khi chúng ta chữa lành vết thương của chính mình, chúng ta không thể có góc nhìn sáng tỏ để nhận ra vết thương của người khác. Mọi chuyện có vẻ vẫn bình thường và “cuộc sống là như vậy mà”. Chẳng hạn, khi một người cha hay người mẹ không nhận thấy đứa con của mình đang khóc hay bị tổn thương, chính họ có thể đang trải qua nỗi muộn phiền riêng và bản thân họ cũng đang cản được công nhận, được an ủi và quan tâm như đứa trẻ. Đây là nguyên nhân khiến tình trạng tổn thương trong một gia đình được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cả gia đình bị mắc kẹt trong vở bi kịch chung bị đóng băng cho đến khi một thành viên nào đó có thể phá vỡ và chữa lành vòng lặp này.

Những công cụ hồi đáp cảm xúc tổn thương và phản ứng bốc đồng được phát triển từ những trải nghiệm gây sang chấn nặng nề và đặc trưng đối với từng dạng tổn thương. Một đứa trẻ bị bạo hành tình dục thường học cách tách rời và chia ngăn cảm xúc của chính mình. Đây là kỹ năng sống sót qua đau khổ, kỹ năng phân ly. Đứa trẻ bị tổn thương này có một cách phản ứng vô thức trước hoàn cảnh để bảo vệ phần cốt lõi của mình.

“Người đó to lớn hơn, khỏe hơn và nhiều tuổi hơn mình; người đó mạnh hơn và có quyền uy hơn mình. Người đó đang làm chuyện xấu xa, tồi tệ và đáng ghê tởm. Người đó nói mình không được kể lại với bất kỳ ai. Mình đã cố chống cự và phản kháng, nhưng người đó khỏe mạnh, to lớn hơn mình, và bảo rằng mình chẳng thể làm được gì đâu. Mình cảm thấy bất lực, nên mình không còn chống cự nữa. Vì mình không thể chống lại người đó nên mình phải quay vào bên trong để cứu lấy bản thân. Mình sẽ chôn chặt cảm xúc, tâm hồn, bản thể, nhân cách, tâm tư và khí chất của mình tận sâu bên trong để tất cả được an toàn. Mình sẽ không để người đó chạm đến con người thật của mình. Người đó có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với cơ thể mình, nhưng sẽ không thể làm gì được tâm hồn mình.”

Nhiều người thổ lộ với tôi rằng họ đã sống sót về mặt cảm xúc và tinh thần qua biến cố bị tấn công tình dục khi còn nhỏ nhờ vào công cụ mà sau này họ mới biết nó được gọi là sự phân ly. Sự tổn thương sâu sắc của việc bị bạo hành về tình dục là gánh nặng khổng lồ đối với một đứa trẻ. Nhận thức về giá trị bản thân, tình yêu thương, lòng tin và lòng tự tôn của đứa trẻ trong họ bị sụp đổ hoàn toàn. Họ không còn cảm thấy mình có thể tin vào bản thân hay thế giới xung quanh nữa.

Cuộc đời họ đã vĩnh viễn thay đổi. Sự kiện bị tấn công tình dục thời thơ ấu hủy hoại gần như hoàn toàn tâm hồn của một đứa trẻ. Loại tổn thương sâu sắc này tạo ra những kỹ năng thích nghi và công cụ hồi đáp cảm xúc tổn thương đặc thù; một vài kỹ năng trong số đó nhằm che giấu tình trạng của bản thân. Đứa trẻ bị xâm hại chỉ muốn trở nên vô hình, vì vậy nó sẽ tìm cách thích nghi với hoàn cảnh và sống lặng thầm trong bóng tối. Đứa trẻ che đậy những cảm xúc thật của mình – nỗi xấu hổ và phẫn nộ. Đứa trẻ trở nên quá thận trọng hoặc cảnh giác cao độ. Đứa trẻ ngắt kết nối với cảm xúc của chính mình để sống sót qua trải nghiệm đau thương. Khi làm như vậy, đứa trẻ đóng sập phần lớn hệ thống hỏi đáp cảm xúc lành mạnh của mình, trở nên tách rời và vô cảm. Nếu đó là một trải nghiệm gây đau khổ nghiêm trọng đứa trẻ rơi vào tình trạng phân ly hoàn toàn.

Sự tổn thương cảm xúc có thể tiến triển theo thời gian hoặc xảy ra ngay tức thì. Mức độ trải nghiệm tổn thương của một cá nhân dựa trên nhận thức về bản thân, mức độ thành thật với chính mình, khả năng thiết lập ranh giới và sức bật tinh thần của họ. Vết thương cốt lõi được tạo thành bởi nhiều dạng tổn thương khác nhau, chẳng hạn từ một lời bình phẩm cay nghiệt, những mô thức xung đột lặp lại trong gia đình, hay tình trạng bạo hành nghiêm trọng hoặc tái diễn. Sự tổn thương sâu sắc có thể làm tổn hại cả tâm lý lẫn tâm hồn đứa trẻ, khiến cho việc chữa lành phải mất nhiều công sức hơn nữa.

Nếu không được phát hiện và giúp chữa lành, những tổn thương có khả năng sẽ trở thành vết thương cốt lõi trong cuộc sống của đứa trẻ khi nó đã trưởng thành, và mô thức tổn thương đó sẽ thường xuyên tái diễn. Đứa trẻ tổn thương sẽ trở nên lạc lối khi luôn ở trong trạng thái cảnh giác trước một mối đe dọa quen thuộc. Cho đến khi được thừa nhận, đứa trẻ ấy mới có thể được chữa lành và trưởng thành về mặt cảm xúc.

Chúng ta cứ thu hút một số kiểu người nhất định vào cuộc đời mình, khiến vở bi kịch của mình cứ tiếp diễn vì vết thương cốt lõi chưa được chữa lành vẫn bị mắc kẹt trong quá khứ. Không phải lúc nào chúng ta cũng nhận thức được đây là tình trạng không lành mạnh; chúng ta đơn giản nghĩ rằng cuộc sống luôn diễn ra như vậy. Loại mô thức ăn sâu trong tiềm thức này khiến đứa trẻ ở tuổi tổn thương cứ mãi lạc lối và bị đóng băng tại chỗ trong một quả cầu tuyết, chờ được kích hoạt để “nhảy xổ ra” phản ứng bằng những công cụ phản ứng tổn thương.

Khi đi qua quy trình chữa lành, bạn hãy thật chậm rãi và nhẹ nhàng với bản thân để khám phá vết thương cốt lõi của mình. Nếu bạn cảm thấy hoài nghi liệu một biểu hiện nào đó có phải là vết thương cốt lõi không thì câu trả lời có thể là có. Nếu nó đã tồn tại lâu bên trong bạn và mỗi khi nhớ đến sự việc đó, bạn lại phản ứng dữ dội, điều này có nghĩa là vết thương muốn gửi đến bạn một thông điệp. Tin tốt lành là mọi vết thương đều có thể lành lặn, và bạn có thể trở thành một người lớn trọn vẹn và thống nhất thông qua quy trình chữa lành.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
1

Phim Sex Education, liều thuốc "chữa lành" cho mối quan hệ giữa tôi và con gái

Sau khi xem tập phim, tôi đã quyết định ngồi xuống nói chuyện với con gái.
2

Phim Sex Education: Hóa ra cha mẹ từ Đông sang Tây, không ai "thoát" khỏi giai đoạn này!

Thức cả đêm xem phim, tôi như mở mang đầu óc và ngộ ra 5 bài học cực đắt giá!
3

Bản giao hưởng cuộc sống - Bữa tối Giáng sinh giữa hai chiến tuyến

“Mỗi chúng ta là một thực thể nhỏ bé trên địa cầu này. Sự tồn tại của chúng ta là có giới hạn, nhưng chúng ta có thể học cách chia sẻ tình yêu thương không giới hạn đến với nhiều người.”
4

Nhờ xem phim Sex Education mà con gái tôi đã dám thú nhận 1 bí mật với mẹ!

Linh tính của người mẹ mách bảo tôi: Con đang gặp vấn đề!
5

'Tự do - Như chim tung cánh' - Câu chuyện sâu sắc về tự do từ Osho khiến bạn phải suy ngẫm

Tự do - Như chim tung cánh (Freedom The courage to be yourself). Liệu chúng ta có thực sự hiểu tự do là gì?

Tư duy làm giàu - Những bài nói chuyện bất hủ của Napoleon Hill: Niềm tin và nỗi sợ dưới góc nhìn của Napoleon Hill

Niềm tin và nỗi sợ là hai khía cạnh của con người luôn tồn tại song song và gắn liền với nhau trong cuộc sống. Dưới đây là một số điểm về mối quan hệ giữa nỗi sợ và niềm tin dưới góc nhìn của tác giả Napoleon Hill

Tài chính cho mọi người – Giúp bạn thoát khỏi chu kỳ nợ và bắt đầu tích lũy của cải

“Tài chính cho mọi người” của Paco de Leon, từ khi tới tay người đọc đến nay, vẫn được xem là một cẩm nang quản lý tài chính cá nhân lý thú, với nhiều quan điểm mới mẻ, khác lạ.

Chữa lành đứa trẻ tổn thương bên trong - Khởi nguồn của lo âu và trầm cảm

Có bao giờ bạn để ý thấy có một số người luôn cảm thấy lạc lõng, rối bời, và những bi kịch giống hệt nhau cứ tái diễn trong đời họ hết lần này đến lần khác?

Sống đời tự do - Bạn có sẵn sàng buông bỏ con người quá khứ của mình?

Bạn không thể cởi trói bản thân, trừ khi bạn hiểu được ai đang bị trói. Tương tự, bạn không thể thấu suốt về sự chấp nhận cho đến khi bạn hiểu ra ai đang kháng cự.

Chữa lành đứa trẻ tổn thương bên trong - Điều kỳ diệu mà bạn có thể tự mang lại cho mình

Trong tâm hồn bạn có một đứa trẻ bị tổn thương, lạc lối. Nỗi đau đó liên tục bộc lộ ra trong cuộc đời bạn, dưới dạng những phản ứng bốc đồng và nhũng kiểu phản hồi cảm xúc thái quá.

Tài chính cho mọi người - Vì sao chúng ta luôn có thái độ kỳ lạ với tiền bạc?

Có một thực tế là, phần lớn chúng ta đều có thái độ kỳ lạ với tiền bạc. Chúng ta né tránh việc trò chuyện về tiền bạc, thậm chí, một số người còn cho rằng đây là nói đến tiền bạc là chuyện đáng xấu hổ.

Cởi trói linh hồn - Cách mà tâm trí bạn vận hành để điều khiển những trải nghiệm

Những gì bạn đang cảm nhận về thế giới thực ra là một sự diễn đạt hoàn toàn mang tính cá nhân của riêng bạn chứ không phải là kinh nghiệm nguyên sơ.

Tài chính cho mọi người - Liệu bạn đã biết sử dụng tiền đúng cách chưa?

Cuốn sách Tài chính cho mọi người của Paco de Leon là một tài liệu quan trọng và hữu ích cho bất cứ ai muốn hiểu sâu hơn về tài chính và làm thế nào để quản lý tiền bạc một cách thông minh.

Tự do - Như chim tung cánh: Đi tìm chìa khóa của tự do thực thụ

Với những chia sẻ đầy khai mở, cuốn sách “Tự do – Như chim tung cánh” giúp người đọc xác định những trở ngại đối với tự do của họ, có thể do hoàn cảnh hoặc do bản thân họ tự áp đặt, tìm thấy lòng dũng cảm để thành thật với chính mình.

5 câu nói người EQ cao không bao giờ "treo" cửa miệng

Kỹ năng - Đông - 18/01/2025 12:00
Đây chính là "bí quyết" giúp người EQ cao luôn được lòng mọi người.

Cùng bị đánh lén, vì sao Trương Tam Phong và Vô Danh Thần Tăng phản ứng trái ngược?

Thư giãn - Chi Chi - 18/01/2025 11:00
Liệu sự khác biệt này của Trương Tam Phong và Vô Danh Thần Tăng có đến từ thực lực hay còn nguyên nhân nào khác?

Vì sao ông chủ shop không nhận cậu bé xin việc để mua quà sinh nhật cho em?

Truyền cảm hứng - Nguyễn Duy - 18/01/2025 10:00
Cậu bé học lớp 6 ở xã Nghi Phong, thành phố Vinh (Nghệ An) đạp xe ra phố, vào một shop (cửa hàng) thời trang xin việc. Hành động đẹp của ông chủ sau đó khiến câu chuyện cuối năm kết lại ấm áp.

Từng chê bai phim Sex Education, tôi bật ngửa về cách dạy con sai lầm của mình

Từ sách - Phim - Mỹ Hạnh - 18/01/2025 09:00
Tin nhắn chỉ vỏn vẹn 3 từ của con trai nhưng khiến tôi thao thức cả đêm.

Tự do - Như chim tung cánh: Đi tìm chìa khóa của tự do thực thụ

Từ sách - Phim - Đan Thanh - 18/01/2025 08:00
Với những chia sẻ đầy khai mở, cuốn sách “Tự do – Như chim tung cánh” giúp người đọc xác định những trở ngại đối với tự do của họ, có thể do hoàn cảnh hoặc do bản thân họ tự áp đặt, tìm thấy lòng dũng cảm để thành thật với chính mình.

Không nên chia sẻ quá nhiều với chatbot AI

Kỹ năng - PL - 17/01/2025 12:00
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người dùng không nên chia sẻ quá nhiều thông tin với chatbot AI, đặc biệt là những dữ liệu riêng tư.

Vì sao Giang Nam Thất Quái mất 10 năm không bằng Hồng Thất Công dạy Quách Tĩnh chỉ 1 tháng?

Thư giãn - Nguyệt Phạm - 17/01/2025 11:00
Vì sao 10 năm khổ luyện cùng Giang Nam Thất Quái lại không hiệu quả bằng 1 tháng học nghệ với Hồng Thất Công?

Nhiều người Việt trẻ lướt mạng xã hội hơn 3 giờ mỗi ngày

Phong cách sống - Ngọc Hiền - 17/01/2025 10:00
Báo cáo "Cuộc sống số của người Việt Nam" của Q&Me cho thấy, có đến 51% người trẻ trong độ tuổi 18 - 29 tuổi dành trên 3 giờ mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội.

Trong 'Tây Du Ký' 4 đồ đệ của Đường Tăng đều phạm luật trời vì sao Bồ Tát vẫn chọn?

Từ sách - Phim - Tùng Lâm - 17/01/2025 09:00
Trong "Tây Du Ký", Đường Tăng đã thu nhận 4 đệ tử. Cả 4 người này đều phạm luật trời và được Quan Âm "chỉ điểm" trước khi theo Đường Tăng đi thỉnh kinh.

Sếp tồi - 3 cách để bạn không còn cảm thấy vội vã, hối hả mỗi dịp cuối năm

Từ sách - Phim - TĐ - 17/01/2025 08:00
Bạn có thấy gần cuối năm và lịch làm việc của bạn không một khoảng trống?  Cuối tuần rồi mà bạn vẫn không được nghỉ ngơi? Bạn có cảm thấy áp lực khi phải hoàn tất mọi việc trước khi kết thúc năm không?

Lo ngại TikTok bị cấm ở Mỹ, người dùng đổ xô tải app 'bản sao': Xiaohongshu

Kỹ năng - Vũ Anh - 16/01/2025 12:00
Đây một ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến ở Trung Quốc nhưng ít được biết đến bên ngoài đất nước.

Nhà khoa học cấp cao Nvidia ngỡ ngàng vì video robot hình người của Engine AI

Thư giãn - Sơn Vân - 16/01/2025 11:00
Engine AI hy vọng tận dụng được sự quan tâm với các robot hình người của mình bằng cách giảm giá trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt tại Trung Quốc.

Nguyên tắc dụng quân của Sếp giỏi: Trọng ‘Nhân tài’ - không cần tìm ‘Nô tài’

Suy ngẫm - Diệu Đan - 16/01/2025 10:00
Nhìn chung, ở nơi làm việc, giữ quy tắc, mới có được sự tin tưởng; có nguyên tắc, mới đáng để giao phó. Cho dù là công việc hay cuộc sống, việc "làm cho người khác cảm thấy yên tâm" là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của một cá nhân.

Xem phim Sex Education, tôi đúc rút bài học quý báu để dạy con trai

Từ sách - Phim - Mỹ Hạnh - 16/01/2025 09:00
Bộ phim Sex Education đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều trong việc dạy dỗ con cái.

Con đường chuyển hóa - Để không trở thành nạn nhân của vọng tưởng

Từ sách - Phim - Quìn - 16/01/2025 08:00
Khi đối diện một vấn đề, ta thường hay tự mình suy diễn, tưởng tượng đủ thứ, để rồi phiền não, đau buồn vì cái tưởng của mình. Nhưng ít ai nhận ra rằng, cái mà ta thấy chỉ là ảo ảnh do tâm tạo nên chứ không phải cái biết chân thật của mình.
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025