Khi đối mặt với tình huống xấu, chúng ta có xu hướng kiên trì quá lâu, nhưng khi có được trạng thái tốt đẹp thì ta lại có xu hướng từ bỏ quá sớm. Nhưng nếu có thể xác định trước những dấu hiệu nào là đáng chú ý, rồi lên kế hoạch để phản ứng với chúng, thì ta có thể tăng cơ hội cắt giảm được tổn thất khi cần thiết.
Về cơ bản, khi dấn thân vào một nỗ lực nào đó, bạn cần hình dung trước rằng dấu hiệu nào sẽ cho bạn biết phương hướng ấy không đáng theo đuổi nữa. Tiêu chí khai tử là công cụ để bạn khai tử một dự án, thay đổi ý định hoặc cắt giảm tổn thất. Nó sẽ giúp bạn xác định được mình có đủ sức để hoàn thành mục tiêu hay không và đâu là thời điểm lý tưởng nhất để từ bỏ.
· Tiêu chí khai tử = tình trạng + thời điểm
(Trong đó, tình trạng là một hoàn cảnh khách quan, đo đếm được của bạn hoặc dự án của bạn trong hiện tại, hoặc cũng có thể là một cột mốc mà bạn đạt được hoặc không đạt được. Còn thời điểm là để trả lời cho câu hỏi “khi nào”)
Bạn có thể lập một tiêu chí khai tử đơn giản như sau: Nếu đến X (thời gian) mà mình không làm được Y (tình trạng) thì mình sẽ từ bỏ. Hoặc, nếu mình chưa đạt X (mục tiêu) khi đã dùng hết Y (thời gian, tiền bạc, công sức, nguồn lực) mình sẽ bỏ cuộc.
Một trong những ví dụ rõ ràng nhất cho tiêu chí khai tử là mốc thời gian hồi trại khi leo Everest. Khi ở Trại Căn cứ, các nhà thám hiểm sẽ được thông báo thời gian hồi trại là 1 giờ chiều. Đó là thời điểm mà các nhà leo núi phải dừng hành trình của mình và quay về trại bất kể họ có chinh phục được điểm đích của mình hay chưa. Nếu vì cố chinh phục đỉnh núi mà vượt qua cột mốc đó, bạn sẽ không thể quay về Trại căn cứ một cách an toàn vì khi xuống núi đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn khi đi lên. Tuy nhiên, vào năm 1996, nhà leo núi chuyên nghiệp Rob Hall và khách hàng của anh đã không tuân thủ cột mốc này và hậu quả là phải bỏ mạng trên đường xuống núi.
Trong cuốn sách "Từ bỏ", tác giả Annie Duke cho biết ưu điểm của tiêu chí khai tử là bạn luôn có cơ hội thiết lập nó bất cứ lúc nào khi đã bắt đầu một hành trình. Dù cho bạn đang hẹn hò, đang có một khoản đầu tư hay đang thực hiện một mô hình kinh doanh nào đó, bạn luôn có thể hình dung về thời điểm, hoàn cảnh hay dấu hiệu khiến bạn không hài lòng, từ đó xác định những cột mốc mà bạn phải cất bước ra đi.
Nhìn chung, tất cả chúng ta luôn phải đưa ra quyết định xem nên theo đuổi cơ hội nào và nên bỏ qua hoặc buông tay với cơ hội nào. Khi lựa chọn, chúng ta cần tiết kiệm tối đa thời gian với những thứ không đáng và dành thời gian nhiều nhất có thể cho những thứ đáng theo đuổi.