Trong dịp nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink xuất hiện dày đặc trên truyền thông tuần trước, đôi khi lướt Facebook hay Tiktok tôi lại thấy hiện ra hình ảnh của "thánh cuồng" đã từng chiếm sóng cộng đồng mạng từ cách đây cả chục năm.
Đó là hình ảnh một nam thanh niên mặc áo vàng, đang khóc lóc vật vã trong buổi đón nhóm nhạc nữ của Hàn Quốc T-ara khi nhóm này sang Việt Nam. Cộng đồng mạng khi ấy đặt biệt danh cho nam thanh niên này là "Thánh cuồng" và hình ảnh của thánh cuồng xuất hiện liên tục trong các hình ảnh hài hước và mang tính chế nhạo lan truyền trên mạng. Chắc hẳn nam thanh niên đó đã trải qua những áp lực tâm lý nhất định trước phong trào chế ảnh đó.
Mười năm qua, thanh niên đó có lẽ giờ đã là một người đàn ông trưởng thành, với sự chững chạc phù hợp với lứa tuổi. Nhưng chỉ chờ một dịp liên quan đến chuyện "thánh cuồng", người ta lại lục tìm những hình ảnh không mấy vui vẻ của anh chàng.
Và cũng chỉ cần một vài cú click chuột, sử dụng những công cụ tìm kiếm phổ biến như Google, chúng ta có thể dễ dàng tìm ra hình ảnh "thánh cuồng" năm nào. Điều này đồng nghĩa với việc những áp lực, mặc cảm tâm lý về hình ảnh của mình tưởng chừng đã bị lãng quên thì nay lại quay về với nam thanh niên đó.
Đây chỉ là một ví dụ cho thấy, khi chúng ta gia nhập, hoạt động trên không gian mạng sẽ rất khó để có thể bị lãng quên. Nếu những dữ liệu, thông tin mà trước đây bạn có là những thứ tốt đẹp thì sự lưu trữ thông tin này thật tuyệt vời. Nhưng nếu như những nội dung liên quan đến bạn là những thứ không mấy vui vẻ như thông tin về hành vi phạm tội, các video, hình ảnh nhạy cảm… thì liệu bạn có muốn nhiều người nhớ đến nó và dễ dàng tìm kiếm được dữ liệu liên quan đến nó.
Chính vì vậy, dưới góc độ pháp lý và quản trị nhà nước hiện nay, xuất hiện một thuật ngữ, một quyền mới mà trước đây hoàn toàn chưa có, đó là "quyền được lãng quên trên không gian mạng".
Nhiều nước đã có những quan tâm đến chủ đề này và triển khai những động thái nhất định trong việc thiết lập cơ chế bảo vệ quyền cá nhân. Gắn liền với quyền được bảo vệ thông tin/dữ liệu cá nhân và internet, "quyền được lãng quên" được hiểu là một người có quyền xóa bất kỳ thông tin nào về bản thân mà người đó đã đăng tải trực tuyến, bao gồm cả thông tin người khác đã đăng lại; chỉnh sửa, hạn chế, loại bỏ bất kỳ thông tin nào có sẵn trên mạng về bản thân, bất kể nguồn gốc của thông tin đó, nếu những thông tin này gây phương hại tới cá nhân hoặc lợi ích của cộng đồng, hay đã lỗi thời và không còn cần thiết.
Và quyền này cũng cần phải cân bằng với các quyền khác của con người như quyền được tiếp cận thông tin, quyền tự do ngôn luận…
Quyền được lãng quên nói chung, áp dụng trong các trường hợp ngoại lệ liên quan đến một cá nhân đã thụ án hình sự xong và mong muốn không bị liên quan tới các hành động tội phạm. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của internet đặc biệt là sức mạnh của Big Data (các tập dữ liệu có khối lượng lớn và phức tạp), quyền được lãng quên trên không gian mạng trở thành sự quan tâm hàng đầu của các quốc gia cũng như từng cá nhân. Bởi vì với ưu thế của Big Data, thì dữ liệu được lưu trữ với quy mô lớn hơn và truy xuất dễ dàng hơn.
Vì vậy, ở nhiều quốc gia, quyền được lãng quên trên không gian mạng có mục tiêu là cho phép bản thân người dùng mạng kiểm soát trên dữ liệu và thông tin của chính họ. Điều này cũng được hiểu là trường hợp người có thông tin yêu cầu dừng không muốn thông tin của họ và về họ lưu thông, đơn vị xử lý thông tin và nền tảng phải dỡ bỏ các thông tin liên quan đến người này. Bởi nhu cầu cắt bỏ thông tin liên quan đến quá khứ của mỗi cá nhân là nhu cầu cơ bản và cần được pháp luật bảo vệ.
Có thể thấy, những thông tin riêng tư của cá nhân không dễ dàng bị xóa bỏ và lãng quên trên không gian số. Bộ não con người có cơ chế nhanh chóng xóa đi những thông tin không quan trọng với bản thân, khiến cho việc nhớ lại nhiều sự việc trong quá khứ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, trên không gian số, khả năng lưu trữ thông tin là vô hạn. Vậy nên, hiểu được sự khác biệt giữa "bộ nhớ" của con người và các ưu thế của Big Data hay AI sẽ cung cấp sự hiểu biết lớn về những thiếu sót của luật riêng tư hiện hành, liên quan đến quyền được lãng quên trên không gian mạng.
Muốn bảo vệ tốt hơn quyền được lãng quên của cá nhân thì Việt Nam cũng như các nước cần quan tâm đến việc xây dựng một khung pháp lý phù hợp với vấn đề này. Từ đó ngăn chặn tối đa những hậu quả xấu độc từ khả năng khai thác thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng cho các mục đích không tốt đẹp, không văn minh.
Để kết thúc bài viết này, tôi lại nhớ đến câu trích dẫn của thầy giáo dạy môn Tội phạm học khi tôi còn học trường Luật, đó là "Mỗi thánh nhân đều có một quá khứ, mỗi kẻ tội đồ đều có một tương lai". Nhiều lúc tôi tự hỏi nếu thánh nhân có xuất hiện trong thời đại Big Data hay AI ngày nay thì liệu những thông tin trong quá khứ của họ liệu có được lãng quên hay không?
Tác giả: Anh Lê Xuân Lục là giảng viên đại học Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giảng dạy lĩnh vực pháp luật, quản trị nhà nước. Anh cũng là chuyên gia tư vấn cho một số tổ chức hành nghề luật sư.