Phiếu tính tiền là con số không
Nhìn cách trưng bày giản dị cộng với tên quán là Karma Kitchen, tôi thầm nghĩ có lẽ đây là quán ăn Ấn Độ với những món đặc biệt mà Farnum ưa thích. Khi thực đơn được đưa ra, tôi ngạc nhiên vì toàn là những món ăn phổ thông, không có gì đặc biệt hay mới lạ. Tôi vừa ăn vừa thắc mắc, không hiểu tại sao một tỷ phú giàu có như Farnum lại chọn ăn ở một quán ăn bình dân như thế này.
Ăn xong, đến lúc thanh toán thì tôi thấy trên phiếu tính tiền là con số không, kèm theo hàng chữ: “Món ăn của bạn là quà tặng của người đến ăn trước. Để tiếp tục sợi dây thân ái, chúng tôi mong bạn cũng vui lòng tặng quà cho người ăn sau”. Tôi ngạc nhiên đọc đi đọc lại phiếu tính tiền rồi ngước lên nhìn Farnum với vẻ thắc mắc.
Hài lòng với vẻ ngạc nhiên trên mặt tôi, ông giải thích: “Phần ăn của chúng ta đã được người dùng trước thanh toán rồi. Chicago có hàng ngàn quán ăn nhưng đây lại là một quán đặc biệt vì nó cho mọi người cơ hội để chia sẻ lòng tử tế, tình thân ái đến người khác. Quán ăn này là ý tưởng của một số người muốn tạo ra sự thay đổi trong đời sống vội vã, tham lam, ích kỷ, vô cảm hiện nay. Họ phát động việc trao gửi tình thân ái, sự tử tế, lòng sẻ chia đến người khác bằng cách trả tiền cho người ăn sau như gửi đến một món quà tặng, tạo một dây thân ái từ người này qua người khác. Ý tưởng này được khởi đầu từ vài năm trước nhưng đến nay đã lan rộng khắp nơi, khiến các chuyên gia kinh tế đã đặt cho nó cái tên: ‘Kinh tế quà tặng’ (Gift Economy) hay sự trao đổi các giá trị nhưng không phải mua bán mà cho đi vô điều kiện.”
Lời giải thích của Farnum khiến tôi nhớ lại một việc xảy ra cách đây không lâu. Hôm đó tôi lái xe đi New Jersey, có đi qua một trạm thu phí. Khi tôi dừng xe để trả tiền thì người thu phí nói rằng xe trước đã trả phí cho tôi rồi. Thấy vậy Angie nói ngay: “Nếu thế chúng tôi cũng muốn trả phí cho xe sau”. Tiếp tục cho đi khi nhận được điều gì tốt đẹp đã có truyền thống lâu đời, có cả một thành ngữ cho hành động này (Pay it forward). Tôi nghĩ quán ăn này hoạt động với sứ mệnh lan tỏa tinh thần này.
Farnum giải thích thêm: “Karma Kitchen là quán ăn không có giá biểu, thực khách đến dùng bữa muốn trả bao nhiêu cũng được, và số tiền đó là để làm quà tặng cho người ăn sau. Quán hoạt động với tinh thần phục vụ, mục đích là cho đi, không mong đợi gì hết. Việc nhận quà tặng từ người ăn trước rồi lại tặng quà cho người ăn sau, dù không ai quen biết ai, cũng là một niềm vui nhẹ nhàng, thầm lặng mà ai cũng có thể trải nghiệm. Hành động cao đẹp này trở thành phong trào lan tỏa tình thân ái đến mọi người. Nguyên lý của nó là khuyến khích các hành động tử tế để chuyển hóa sự ích kỷ thành lòng vị tha và lan tỏa tình thân ái đến những người khác.”
Không phải là quán ăn từ thiện
Tôi mỉm cười, tán thưởng: “Hay thật. Quả là một hình thức cho đi ý nghĩa. Cá nhân tôi cho rằng nó mang ý nghĩa hơn các quán ăn từ thiện.”
Farnum gật đầu: “Các quán ăn từ thiện dành cho người nghèo được điều hành bởi các hội từ thiện. Người đến ăn tuy không phải trả tiền nhưng chỉ là người tiêu thụ chứ không có dịp lan tỏa lòng thân ái đến người khác. Hiện nay, tiền bạc là yếu tố chi phối mọi sự, bất cứ việc gì cũng phải có tiền. Người ta nhìn ngắm nhau qua tiền bạc, so sánh nhau qua tiền bạc và đối xử với nhau cũng qua tiền bạc. Karma Kitchen đem lại cơ hội để mọi người đối xử tử tế với nhau một cách âm thầm qua việc trả tiền cho người đến sau như một món quà.”
Tôi gật gù tỏ ý đồng tình rồi chợt thắc mắc: “Nhưng liệu không có giá biểu mà chỉ trông cậy vào sự tử tế của mọi người thì quán có đủ kinh phí duy trì không?”
Farnum bật cười: “Anh nghĩ quán ăn như thế chắc phải lỗ vốn, đúng không? Không đâu, điều bất ngờ là số tiền thu vào thường nhiều hơn số chi ra. Hầu như ai đến ăn cũng muốn trả nhiều hơn để giữ cho quán hoạt động. Tôn chỉ của quán là ‘Hãy cho mọi người một cơ hội làm điều tử tế rồi họ sẽ lan tỏa điều này khắp nơi’. Hiện nay, đã có vài chục quán Karma Kitchen mở ra tại Mỹ, nó cũng lan ra Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Anh, Nhật Bản, Ba Lan, Pháp và Dubai. Đây là quan niệm kinh tế mới lạ về sự hào phóng cho đi mà không đòi hỏi thu lại cái gì. Mục đích của nó là làm khơi dậy những tiềm năng thân ái, tử tế sẵn có của mọi người, để họ lan tỏa sự thương yêu đến tất cả nhằm chuyển hóa chính mình cũng như người khác. Đó là lý do tôi mời anh đến đây, tôi muốn anh để ý đến phong trào này.”
Trong lúc chúng tôi nói chuyện, vài người phục vụ trong quán đi ngang qua bàn ăn thân mật chào Farnum. Tôi hỏi: “Hình như anh rất thường xuyên đến đây và rất quen thuộc với nơi này?
Farnum mỉm cười, giải thích: “Karma Kitchen là quán ăn mà từ người nấu đến người phục vụ đều làm việc hoàn toàn tự nguyện, không công. Có người làm vài ngày, có người làm nhiều tuần hay lâu hơn. Đa số đều là sinh viên, học sinh hăng say với lý tưởng phụng sự, lan tỏa lòng vị tha, thân ái. Khi nghe nói về việc này, chính tôi đã tự nguyện đến rửa bát và đổ rác tại đây trong hai tuần lễ để xem cách thức họ làm việc ra sao. Cũng vì vậy nên tôi quen biết với hầu hết mọi người ở đây.”
Farnum nói thêm: “Tôi là người của hành động. Muốn biết rõ việc gì, tôi đều đích thân đến tận nơi xem xét và nghiên cứu. Nếu cần, tôi sẵn sàng bắt tay vào làm để biết rõ cách thức hoạt động của họ. Quy tắc của Karma Kitchen là phát triển lòng tử tế, tạo một dây chuyền thân ái từ người này qua người khác. Nếu những doanh nhân như chúng ta hay đầu tư vào chứng khoán thì người làm việc tại đây cũng như khách tới ăn lại đầu tư vào lòng nhân ái và sự tử tế.”