‘Xoay chuyển tình hình Biển Đông’ - Hãy cứu lấy san hô ở Biển Đông

TRẦN MẶC11/12/2023 08:00
‘Xoay chuyển tình hình Biển Đông’ - Hãy cứu lấy san hô ở Biển Đông

Trong vòng năm mươi năm qua, một nửa số rạn san hô trên Biển Đông đã biến mất, số lượng các loài cá lớn chỉ còn 10% và có nhiều loài đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng. James Borton cho rằng đã đến lúc cần chung tay cứu lấy vùng biển này.

Biển Đông được xem là trái tim sinh thái của Đông Nam Á với hơn 2.500 loài cá biển, 500 loài san hô tạo rạn và một số thảm cỏ biển, rừng ngập mặn thuộc loại đa dạng nhất thế giới. Một nghiên cứu đầu năm 2004 của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho thấy khu vực này tập trung rất nhiều rạn san hô, chiếm gần 34% tổng lượng san hô của thế giới, dù diện tích vùng biển này chỉ chiếm 2,5% tổng diện tích đại dương.

Theo đó, các rạn san hô tại Biển Đông đã mang đến thực phẩm, công ăn việc làm cho hàng triệu người trong nhiều thập niên. Không chỉ vậy, các loài thực vật sống trong rạn san hô còn là nguồn nguyên liệu quan trọng để bào chế các loại thuốc mới nhằm điều trị nhiều bệnh khác nhau: ung thư, viêm khớp, nhiễm khuẩn ở người, Alzheimer…

Thế nhưng, có một thực tế đáng buồn là nhiều rạn san hô hiếm có tại Biển Đông đang bị hủy hoại một cách trầm trọng bởi việc đánh bắt quá mức, ô nhiễm môi trường và những cuộc tranh chấp chủ quyền. Trong đó, các hoạt động tôn tạo mà Trung Quốc đang tiến hành để củng cố các yêu sách bành trướng của mình là nguyên nhân chính khiến cho các rạn san hô bị tàn phá nhanh chóng.

Giáo sư John McManus – một nhà sinh học biển người Mỹ, đã từng lặn sâu xuống vùng biển đầy biến động này để nghiên cứu các rạn san hô và nghề cá trong khu vực – ước tính gần 260 ki-lô-mét vuông san hô đã bị phá hủy bởi việc xây dựng căn cứ và săn trai tai tượng của Trung Quốc. Ông nói: “Những căn cứ này đã gây ra thiệt hại không thể khắc phục được. Một ki-lô-mét vuông là một triệu mét vuông. Diện tích thiệt hại vĩnh viễn không bao giờ có thể được thay thế đã lên tới 15 ki-lô-mét vuông, 90% trong số đó xuất phát từ các căn cứ mà Trung Quốc đang xây dựng và nạo vét, thậm chí cả các bến cảng và kênh đào. Nói đơn giản, những thiệt hại này trải rộng trên nhiều đảo”.

Vào ngày 15 tháng Bảy năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực tại Hà Lan đã mạnh mẽ lên án Trung Quốc vì những thiệt hại môi trường nghiêm trọng và lâu dài đối với các rạn san hô và đời sống tự nhiên ở Biển Đông. Các thẩm phán quốc tế đã nhắm vào việc Trung Quốc “giành giật các đảo san hô ở Biển Đông”, trong đó đáng chú ý là việc nước này tàn phá thô bạo hơn 100 ki-lô-mét vuông diện tích rạn san hô khỏe mạnh, nạo vét và san lấp để xây dựng các đảo nhân tạo.

Với nhiều năm kinh nghiệm thực địa và nghiên cứu, James Borton cho rằng việc mất đi các rạn san hô sẽ gây ra những mối đe dọa lớn hơn đối với an ninh lương thực và sinh kế của hàng triệu người.

Tuy đã có nhiều bài báo và bài viết học thuật về Biển Đông, nhưng hầu hết đều tập trung vào các cuộc xung đột và tranh chấp địa chính trị phức tạp tại khu vực. Trong khi đó, ở phần lớn trường hợp, Biển Đông chưa bao giờ được coi là tâm điểm của hợp tác khoa học.

Vì lẽ đó, trong “Xoay chuyển tình hình Biển Đông”, James đã đặt niềm tin của mình vào khoa học và xem xét vai trò của “ngoại giao khoa học” như một chiến lược để chấm dứt tình trạng căng thẳng vốn đang ngày càng gia tăng, góp phần giải quyết chuyện bảo vệ các rạn san hô và đánh bắt cá quá mức tại Biển Đông.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 30/10/2024