Đối với trẻ em và cả người lớn, điện thoại thông minh đôi khi dường như là một phần cơ thể của họ. Mặc dù những người trẻ tuổi không phải là những người duy nhất mắc chứng nghiện lướt mạng xã hội cả ngày, nhưng một nghiên cứu mới cho thấy nó có thể có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của họ. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Arkansas cho biết người trẻ càng dành nhiều phút trên mạng xã hội, họ càng có nhiều khả năng bị trầm cảm.
Cụ thể, nghiên cứu cho thấy những người trẻ tuổi dành hơn 300 phút (5 tiếng) mỗi ngày trên mạng xã hội có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn gần ba lần so với những người dành ít hơn 120 phút (2 tiếng) online mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu tin rằng nỗi ám ảnh với các nền tảng như Instagram, Twitter, Facebook… đang nhanh chóng thay thế việc hình thành tình bạn và đạt được mục tiêu trong thế giới thực.
So sánh tưởng tượng với thực tế
Các tác giả nghiên cứu cũng cho rằng thanh thiếu niên đang so sánh bản thân với lối sống hoàn hảo "đã qua chỉnh sửa" mà họ thấy trên mạng, điều không thể có được trong thực tế. Điều này khiến họ cảm thấy vô cùng tự ti khi so mình với những hình ảnh này.
Trong nghiên cứu lớn đầu tiên chỉ ra mối liên hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội và chứng trầm cảm, các nhà nghiên cứu lo ngại đại dịch COVID-19 sẽ chỉ làm tăng việc sử dụng internet và làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần. Các tác giả nghiên cứu đã khảo sát hơn 1.000 người Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 30, đo lường mức độ trầm cảm và việc họ sử dụng mạng xã hội.
Kết quả cho thấy những người trẻ tuổi sử dụng mạng xã hội hơn 5 giờ mỗi ngày có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn 2,8 lần trong vòng sáu tháng. Kết quả này tới từ việc so sánh với các đồng nghiệp của họ, những người chỉ lướt mạng dưới 2 giờ mỗi ngày.
Tiến sĩ Cesar Escobar-Viera, trợ lý giáo sư tâm thần học tại Đại học Pittsburgh, cho biết: "Thời gian dư thừa trên mạng xã hội có thể chiếm chỗ của các hoạt động quan trọng hơn như hình thành các mối quan hệ, đạt được các mục tiêu cá nhân hoặc nghề nghiệp, hoặc thậm chí chỉ đơn giản là có những khoảnh khắc suy ngẫm có giá trị".
Đồng tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Jaime Sidani, cho biết thêm: "Phương tiện truyền thông xã hội thường nhấn mạnh vào những miêu tả tích cực. Điều này có thể đặc biệt khó khăn đối với những người trẻ tuổi, những người đang ở những giai đoạn quan trọng liên quan đến sự phát triển bản sắc, họ có thể cảm thấy rằng mình không thể đạt được những lý tưởng mà họ đang thấy trên mạng xã hội."
Chứng trầm cảm hay việc sử dụng mạng xã hội quá mức bắt đầu trước?
Tác giả chính kiêm giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Arkansas, Tiến sĩ Brian Primack cho biết, trước đó, câu hỏi này hóc búa ngang ngửa câu hỏi "gà và trứng, cái nào có trước".
Tiến sĩ Primack giải thích: "Chúng tôi biết từ các nghiên cứu lớn khác rằng trầm cảm và việc sử dụng mạng xã hội có xu hướng đi đôi với nhau, nhưng thật khó để tìm ra cái xảy ra trước. Nghiên cứu mới này làm sáng tỏ câu hỏi này, bởi lẽ việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội nhiều dẫn đến việc gia tăng tỷ lệ trầm cảm. Tuy nhiên, chứng trầm cảm lại không dẫn đến bất kỳ sự thay đổi nào trong việc sử dụng mạng xã hội".
"Những phát hiện này cũng đặc biệt cần được xem xét trong thời buổi COVID-19. Giờ đây, việc kết nối trực tiếp với nhau đã trở nên khó khăn hơn, tất cả chúng ta đang sử dụng nhiều công nghệ như mạng xã hội hơn. Mặc dù tôi nghĩ rằng những công nghệ đó chắc chắn có thể có giá trị, nhưng tôi cũng khuyến khích mọi người suy ngẫm xem trải nghiệm công nghệ nào thực sự hữu ích và những trải nghiệm nào khiến họ cảm thấy trống rỗng", các nhà nghiên cứu tại đại học Arkansas cho biết thêm.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, cứ sáu người trưởng thành ở Hoa Kỳ thì có một người bị trầm cảm trong suốt cuộc đời. Khoảng 16 triệu người lớn sẽ đối mặt với tình trạng này hàng năm.
Còn ở Việt Nam, theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Theo bác sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, nếu trước đây chỉ có khoảng 20-30 bệnh nhân đến khám/ngày thì những năm gần đây, tỉ lệ bệnh nhân đến khám ngày càng tăng. Có ngày viện tiếp nhận khoảng 300 lượt bệnh nhân đến khám về các vấn đề tâm lý, tâm thần, trong đó có rất nhiều bệnh nhân ở lứa tuổi thanh - thiếu niên.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị