"Gặp em, anh không còn muốn cô đơn nữa!"
Cầu cứu đến một diễn đàn dành cho người trẻ, cô gái có nickname C.T suy sụp kể về tình huống bị bạn trai trong mộng lừa dối, đe dọa.
Cô nữ sinh chia sẻ, mình 14 tuổi, những tưởng trở thành "công chúa" khi gặp được "hoàng tử" cứu rỗi cuộc đời.
Cô gái được bạn bè cùng lớp giới thiệu một ứng dụng hẹn hò để tìm người trò chuyện, tâm sự. Cũng như những người bạn của mình, để tham gia, C.T khai man tuổi trên 18 và cô vô cùng choáng ngợp thích thú khi vào đây toàn gặp "các anh chàng đẹp trai, con nhà giàu".
Cô nữ sinh gặp được anh H. đẹp trai với lời giới thiệu 20 tuổi, đang học tại một trường đại học. Hai người kết nối, trò chuyện, mối quan hệ tình cảm trên mạng vô cùng êm đẹp.
C.T càng lâng lâng tin tưởng "soái ca" có tình cảm thật sự với mình khi anh hẹn gặp mặt ngoài đời.
"Ngày gặp mặt, anh H. hẹn mình ở một nhà hàng sang trọng, đi xe sang. Anh ấy nói đang tập trung học hành để kế thừa sản nghiệp của bố nên không có hứng thú với yêu đương. Nhưng từ khi gặp mình thì anh ấy không còn muốn cô đơn nữa. Thế là chúng mình chính thức quen nhau", C.T trải lòng.
Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận các thông tin tố giác hành vi xâm hại trẻ em.
Anh chàng cực kỳ ngọt ngào, hay tặng quà, nhắn tin trò chuyện hỏi han liên tục. Cô nữ sinh thấy mình như biến thành "công chúa", còn anh là "hoàng tử".
Sau vài lần gặp mặt, bạn trai đòi "quan hệ" nhưng nữ sinh không đồng ý vì ý thức được mình còn nhỏ tuổi. Bạn trai giận dỗi, nói T. không yêu, không tin tưởng mình thật lòng. Anh yêu chân thành nhưng lại không thể ngắm nhìn bạn gái một cách trọn vẹn.
C.T kể tiếp, "hoàng tử" đề nghị, nếu cô chưa sẵn sàng thì gửi ảnh "nóng" cho anh ngắm. Sợ bạn trai giận, lại cảm giác anh yêu mình thật lòng, C.T chép miệng: "Chỉ là một tấm ảnh thôi" rồi gửi ảnh khỏa thân cho bạn trai.
H. càng yêu chiều, ngọt ngào quan tâm đến bạn gái nên lần nào, anh ấy nói gửi ảnh, C.T đều nghe theo.
Ngày cuối tháng 10, nữ sinh kể là ngày đau buồn nhất cuộc đời mình. Bạn trai gửi cô cho một file Google drive toàn là ảnh "nóng" cô gửi cho anh. "Hoàng tử" ra giá 10 triệu/tấm, mình chuộc tấm nào thì tấm đấy được xóa.
"Thế giới trước mắt mình như sụp đổ khi mình hoàn toàn tin tưởng với tình yêu này. Anh ấy cho mình một tháng để gom tiền", cô gái mới lớn vừa đau khổ vừa lo sợ.
Trước tình huống cô nữ sinh gặp phải, hầu hết mọi người đưa ra lời khuyên, cô học trò cần thông báo ngay cho bố mẹ để có hướng giải quyết, không thể âm thầm xử lý.
Xâm hại trên mạng xã hội "vây" trẻ nhỏ
Ở nhiều tỉnh thành, gần đây đã có hàng loạt vụ việc các nữ sinh gửi ảnh, clip nhạy cảm cho "bạn trai" quen trên mạng xã hội, sau đó bị tống tiền hoặc ép quan hệ tình dục.
Có thể kể đến sự việc nữ sinh 13 tuổi ở Bắc Giang, thông qua mạng xã hội quen với đối tượng V.V.H có nickname "Ruby T.A" buông lời tán tỉnh, yêu đương.
Nghe lời "bạn trai" dụ dỗ, M. đã gửi một số clip có nội dung nhạy cảm của mình cho H. Từ đó, đối tượng này đã ép M. cho quan hệ tình dục nếu không sẽ gửi clip cho gia đình xem. Lo sợ bị phát hiện, M. đã nhiều lần để H. quan hệ tình dục. Sau khi biết sự việc, gia đình cháu M. đã trình báo sự việc lên cơ quan công an.
An toàn cho trẻ khi sử dụng mạng xã hội là vấn đề được đặt ra từ lâu nay. Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trẻ phải học online, mọi kết nối với thế giới bên ngoài với các em lúc này thông qua internet. Trên mạng có nhiều cạm bẫy, nguy cơ không hề kém ngoài đời thực, thậm chí trẻ còn khó nhận diện hơn.
Trong thời quan qua, các cơ quan quản lý, các tổ chức giáo dục, hoạt động vì trẻ em... liên tục có các sự kiện, chương trình lên tiếng về chủ đề an toàn trên mạng cho trẻ trong đại dịch để cảnh báo về nguy cơ này.
Tại tọa đàm "An toàn cho phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng", mới đây, ThS Nguyễn Thu Hương Phó giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam lưu ý, môi trường mạng tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm đối với trẻ em. Nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát, các em buộc phải học online, thời gian tiếp cận internet càng nhiều thì khả năng bị xâm hại, quấy rối trên mạng càng lớn.
TS Tuấn Ngọc, Trường ĐH Sư phạm TPHCM thông tin kết quả khảo sát được thực hiện trong nhóm học sinh THCS ở TPHCM cho thấy, trong các nhóm vấn đề lớn mà học sinh gặp phải, đứng đầu là xâm hại trên môi trường mạng với 30% số học sinh tham gia khảo sát trả lời.
Hoài Nam