Người Do Thái thường có 1 câu nói: "Tiết kiệm tiền cũng giống như kiếm tiền" (Money Saved is Money Earned). Vậy lý do của sự tiết kiệm và chi li của người Do Thái trong tiền bạc là gì?
Nhà sáng lập Do Thái Mark Zuckerberg của mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook có 1 cuộc sống vô cùng đơn giản. Sở hữu khối tài sản hàng chục tỷ USD nhưng vẫn ngồi lề đường ăn McDonald’s, vẫn đi chiếc xe Toyota cũ kỹ. Có lẽ, nguyên nhân chính dẫn đến lối ống này của Mark là chủ nghĩa hà tiện (Frugalism) đã ăn sâu vào tiềm thức của người Do Thái.
Nếu đến Tel Aviv, một trong những thành phố phát triển nhất của Israel có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên bởi tại đây không có vẻ gì là 1 trung tâm kinh tế của đất nước như bao thành phố lớn khác. Thay vì những chiếc xe hạng sang, những bộ quần áo đắt tiền, vàng đeo đầy người như ở Dubai, Ả Rập Xê Út hay những quốc gia xung quanh thì Tel Aviv lại khá bình dân với những chiếc Toyota của Nhật hay các dòng xe khác.
Lối sống giản dị của nhà sáng lập Mark Zuckerberg
Bạn có lẽ sẽ ngạc nhiên khi tỷ lệ người giàu Do Thái chiếm không nhỏ trong bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu nhưng tại Tel Aviv, những doanh nhân thành đạt sống cực kỳ giản dị. Họ có thể gọi taxi đi mà chẳng thèm rêu rao với lái xe riêng hay xe xịn.
Nói chính xác hơn, người Do Thái cho rằng chủ nghĩa hà tiện (Frugalism) là 1 đức tính đẹp chứ chẳng đáng chê bai. Thay vào đó, chính sự khoe khoang giàu có mới là điều ngu ngốc. Tại Israel, việc khoe khoang giàu có sẽ bị coi thường.
Không phải người Do Thái hạn chế chi tiền mà là họ thông minh trong việc tính toán chi tiêu. Thay vì bỏ tiền vào những thứ xa xỉ để khoe thì họ tái đầu tư hoặc chi tiêu cực kỳ hợp lý. Đừng nhầm lẫn việc chi tiêu thông minh với tính kiệt xỉn. Suy nghĩ hợp lý 1 món chi tiêu khác nhiều so với việc không chi tiêu gì cả.
Từ đây, chúng ta cần đặt câu hỏi liệu lối sống của người Do Thái có đáng học tập và đây liệu có phải bí quyết để họ trở nên giàu có như vậy?
Câu hỏi trên có lẽ sẽ được mọi người đưa ra cả đống lý do để trả lời. Tuy nhiên, những doanh nghiệp lại là người ghét câu hỏi này nhất và họ đưa ra cả mớ lý thuyết để làm lẫn lộn người tiêu dùng bởi mục tiêu cuối cùng của họ vẫn là để khách hàng rút tiền ra khỏi ví.
Hàng loạt những mớ lý thuyết về việc cân bằng thị trường, cán cân kinh tế, lưu thông hàng hóa… được đưa ra để khuyến khích người tiêu dùng rút ví. Chính phủ cũng tung rất nhiều chính sách kích thích để mong mọi người tăng cường chi tiêu và thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên lật ngược vấn đề, những lý thuyết về kinh tế vĩ mô hay các chính sách kích thích này không đồng nghĩa với việc bạn càng chi tiêu nhiều thì càng có thêm thu nhập. Người duy nhất hưởng lợi trực tiếp thực sự từ việc gia tăng tiêu dùng là các công ty, còn khách hàng sẽ là những người cuối cùng nhận được lợi ích ít ỏi trong tương lai "xa".
Tại sao bạn nghĩ rằng Apple vẫn ra các dòng điện thoại mới hàng năm dù chẳng có nhiều cải tiến đột phá và mẫu cũ vẫn chạy tốt? Tại sao những thị trường phát triển như Mỹ, Nhật, Châu Âu luôn kích thích người tiêu dùng chi tiêu nhưng rất nhiều hộ gia đình vẫn không hạnh phúc, vẫn nợ nần và kiệt sức để kiếm sống?
Không chỉ kích thích người tiêu dùng chi tiêu, các doanh nghiệp còn khuyến khích mọi người mắc nợ với thẻ tín dụng hay những khoản trả góp chỉ để tiêu pha vào những sản phẩm không thực sự cần thiết. Kể từ đây, người tiêu dùng bắt đầu với vòng quay trả nợ để rồi lại chi tiêu mua hàng, qua đó đem lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp.
Một quân bài mà các công ty rất hay sử dụng để đánh lừa người tiêu dùng là marketing. Trình độ marketing hiện nay đã chuyên nghiệp đến mức chơi đùa với tâm lý của khách hàng. Quảng cáo hiện nay không chỉ nhiều mà còn khéo léo đến mức chúng ta bị in sâu thương hiệu, sản phẩm của công ty lúc nào không biết.
Ông tổ của ngành marketing hiện đại, David Ogilvy đã từng nói đừng coi khách hàng là lũ ngốc, hãy coi họ như những người vợ của bạn vậy thì mới bán được hàng.
Thập niên 1970, bình quân mỗi người mỗi ngày chỉ nhìn thấy khoảng 500 quảng cáo thì đến nay, con số này đã là 5.000, mức tăng trưởng 1.000%.
Đáng sợ hơn, marketing ngày nay không chỉ khiến bạn mua hàng vì bạn cần nó mà còn vị bạn xứng đáng với sản phẩm đó. Những lời bình luận trên mạng xã hội, ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bè hay đơn giản bạn chỉ muốn chiều lòng cô bạn gái mới quen, tất cả những thứ đó khiến mọi người mua nhiều hơn dù chẳng thực sự cần thứ họ mới mua.
Tất nhiên, nói đi phải nói lại, quảng cáo là cần thiết để kết nối người tiêu dùng với doanh nghiệp. Các công ty cũng không phải những kẻ xấu trong xã hội khi họ tạo ra công ăn việc làm. Chỉ có điều, sự cạnh tranh gay gắt khiến người tiêu dùng ngày nay bị lẫn lộn và rối trí, để rồi họ luôn than vãn chưa cuối tháng sao đã hết tiền.
Vậy nên nếu bạn chưa giàu, hoặc làm cật lực và vẫn không đủ tiêu thì có lẽ bạn nên xem xét đến chủ nghĩa hà tiện của người Do Thái
Chủ nghĩa hà tiện, nói đơn giản là giảm chi tiêu và tăng tiết kiệm. Tuy nhiên để làm được điều này không hề đơn giản. Chúng yêu cầu người tiêu dùng có đầu óc tư duy với những gì mình định mua. Trong nhiều trường hợp, cuộc sống của những người theo chủ nghĩa hà tiện bị mọi người cười chê và đôi lúc bạn sẽ cảm thấy bất tiện khi phải thay đổi thói quen.
Với những người theo chủ nghĩa này, thay vì luôn ỷ lại vào việc trả thêm tiền để được phục vụ thoải mái hơn, tiện lợi hơn hơn thì họ phải sáng tạo hơn để tiết kiệm tiền. Đối với họ, hình ảnh của bản thân chỉ đáng để quan tâm khi chúng khiến bạn thực sự có giá trị hơn hoặc kiếm được thêm tiền.
Những người theo chủ nghĩa hà tiện luyện tập thói quen tiết kiệm từ những việc rất nhỏ nhặt, từ tiền ăn uống, đi lại cho đến quần áo. Họ luôn cân nhắc trước khi rút ví và luôn sáng tạo để có thể có thể thanh toán với mức giá có lợi nhất.
Thậm chí tại 1 số thời điểm, việc chi tiêu lớn cho 1 sản phẩm có thể sử dụng dài lâu và hiệu quả, đem lại lợi ích lớn lại đáng tiền hơn so với những món đồ rẻ tiền nhanh hỏng. Mark Zuckerberg sống hà tiện, nhưng anh vẫn sẵn sàng chi nhiều triệu USD để thuê dàn bảo vệ cho cuộc sống riêng tư của gia đình cũng như mua các căn biệt thự xung quanh nhà mình để có thể sống bình yên nhất với vợ con.
Tất nhiên, những cảm giác tiếc nuối, day dứt sẽ đến, hoặc những ánh nhìn lạ lẫm của xã hội nhưng có sao đâu. Khi chưa thành công thì mọi người coi chủ nghĩa hà tiện là điều đáng xấu hổ, nhưng nếu đã có sự nghiệp thì chúng lại được coi là tấm gương học tập.
Chẳng ai coi lối sống giản dị của Bill Gates, Warren Buffett hay Mark Zuckerberg là điều đáng chê cười. Trớ trêu thay, khi những người bình thường học tập họ thì lại nhận về nhiều cái nhìn coi thường. Bởi vậy, sao phải quan tâm khi đồng tiền chưa tiêu là đồng tiền khôn.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị