Khi “cơn bão” mang tên thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phổ biến và quen thuộc tại Việt Nam, không những giúp người tiêu dùng trong nước bắt kịp với xu hướng của thế giới mà còn mang đến những tiện lợi đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay với việc cho thuê sàn thương mại điện tử mà một số kênh bán sách online đang áp dụng, đã vô tình nảy sinh lỗ hổng để sách lậu, sách giả có đất hoành hành. |
“Cuộc chiến” chưa có hồi kếtMới đây, Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News (gọi tắt là First News) đã công bố bằng chứng kinh doanh tiêu thụ sách giả vi phạm pháp luật của ba kênh TMĐT lớn hiện nay, gồm: Shopee, Sendo, Lazada. Theo ông Nguyễn Văn Phước (giám đốc công ty), cách đây hai tuần nhân viên của ông đặt 128 đơn hàng mua sách ngẫu nhiên từ tất cả các sàn, công ty TMĐT bán sách online và mời các công ty thừa phát lại đến tiến hành mở bao hàng và lập vi bằng. Kết quả cho thấy: tất cả 128 đơn hàng ngẫu nhiên đó đều là sách in lậu, sách giả. Đồng thời, ba đơn vị: Shopee, Sendo và Lazada là ba nơi có số lần vi phạm phân phối sách giả tiếp tay in lậu nhiều nhất. Ngoài 128 đơn hàng trên, First News còn có trong tay 500 chứng cứ bán sách giả, sách in lậu của các công ty, các sàn TMĐT bán sách trong nước do bạn đọc gửi về. Một số đầu sách bán chạy của First News bị 16 trùm in lậu cùng tranh nhau làm giả, thậm chí còn đề giá sách giả cao hơn sách thật để đánh lừa bạn đọc thích giảm giá nhiều. Ông Phước bức xúc: “Việc giảm giá sách quá sâu đó đã tạo điều kiện cho sách lậu, sách giả tràn vào các sàn bán sách online. Và quan trọng là bạn đọc và các đại lý canh mua trên các trang online để trả lại sách đã bán cho chúng tôi với chiết khấu thấp hơn, và rất nhiều lần trả sách lậu, sách giả mà chúng tôi không đủ thời gian phân loại kiểm soát”. Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam hoan nghênh việc điều tra của First News, qua đó giúp đánh động tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xuất bản: “Thiệt hại của nó không dừng ở kinh tế, ở số tiền mà đem lại nhiều tác hại, nhiều điều không mong muốn đối với những chủ thể như NXB, các công ty sách”. Kiểm soát bằng cách nào?Ông Phước cho biết, các kênh TMĐT như Lazada, Sendo, Shopee, Adayroi đều cho thuê sàn và không kiểm soát chặt chẽ đầu vào mà chỉ cho thuê 13% trên doanh số. Cuộc đấu tranh của First News đặt các công ty online phải kiểm soát nguồn hàng chất lượng và nguồn gốc của các nguồn hàng bán ra phải chính xác. Bởi vì nếu không, họ không chỉ tiếp tay cho những kẻ in lậu, làm hàng giả trốn thuế mà còn là lừa dối bạn đọc. Điều đó làm thiệt hại rất lớn cho các đơn vị xuất bản. “Chúng tôi đấu tranh việc này không chỉ cho First News mà cho cả ngành sách, ngành văn hóa. Bởi vì hiện nay, các kênh online là kênh phát hành sách giả dễ dàng nhất. Khi trưng bày ở nhà sách truyền thống, độc giả dễ dàng phát hiện ra. Nhưng với các kênh online, họ trưng bày bìa sách thật nhưng lại giao sách giả”, ông Phước bày tỏ. Theo ông Lê Hoàng, cần định danh cho tệ nạn này là tội làm sách giả, không phải sách lậu, vì “lậu” là hành vi. Khi định danh đúng tội thì đối chiếu với Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 sẽ có các quy định tại một số điều như: Điều 192 - Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Điều 225 - Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Điều 226 - Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và Điều 344 - Tội vi phạm quy định về hoạt động xuất bản. “Hành vi in sách giả này, phân phối sách giả này rơi vào Bộ luật Hình sự và bị chế tài theo 4 nội dung đó”, ông Hoàng nói. “Nếu so lĩnh vực xuất bản phẩm với lĩnh vực âm nhạc tại Việt Nam thì rõ ràng pháp quyền trong âm nhạc đã được cải thiện rất đáng kể. Thực tế với xuất bản phẩm lĩnh vực này hiện nay đang có bước thụt lùi. Luật đã có quy định nhưng vấn đề thực thi thì vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Cuộc chiến như của First News là một cuộc chiến trường kỳ, lâu dài. Nhưng việc có thành công hay không phụ thuộc vào sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông, nhận thức của bạn đọc và phối hợp của các cơ quan chức năng”, Luật sư Châu Huy Quang, Công ty Rajah & Tann LCT Lawyers, nhận định. |