Tọa đàm Sản xuất - tiêu thụ sách giả sẽ giết chết ngành xuất bản Việt Nam diễn ra hôm 18/6 tại TP HCM. Ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc công ty First News - đơn vị thực hiện tọa đàm - cho biết sách giả là vấn nạn không mới, song gần đây tăng cấp độ cao khi được bán trên nhiều sàn thương mại điện tử.
Vấn nạn "sách giả giết chết sách thật" được bàn luận tại buổi hội thảo. Ảnh: Mai Nhật. |
Nhiều sàn hiện rao bán sách theo hình thức cho các chủ sạp hàng thuê "chỗ" để kinh doanh. Tuy nhiên, do đa số sàn không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sách bị thả nổi.
Đầu tháng 6, sau nhiều lần cảnh báo các trang thương mại điện tử về việc bán sách giả, công ty First News đặt mua 128 đơn hàng sách ngẫu nhiên từ ba website. First News cho quay video từ khâu đặt sách đến lúc nhận hàng, mời thừa phát lại cùng mở bao hàng, lập vi bằng 128 đơn hàng đều là sách in lậu, giả. "Ngoài ra, chúng tôi còn hơn 500 chứng cứ sách giả của các công ty, sàn thương mại điện tử do bạn đọc gửi về", ông Phước cho biết.
Đại diện First News cho biết có 686 đầu sách của đơn vị họ bị in lậu, vi phạm bản quyền dưới mọi hình thức. Các ấn phẩm giả được bán online phổ biến như trọn bộ Hạt giống tâm hồn, Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi, Không bao giờ là thất bại - tất cả là thử thách, Hành trình về phương Đông, Nghĩ giàu làm giàu, Dám nghĩ lớn, Bảy thói quen cho bạn trẻ thành đạt...
Các nơi in lậu thậm chí cùng cạnh tranh bằng cách nâng giá bìa sách rồi giảm khi bán để đánh vào tâm lý bạn đọc. Ông Phước cho biết đơn vị xuất bản của ông có 1.000 tên sách nhưng phải "chiến đấu" với 3.000 phiên bản sách lậu. "Chỉ cần 0,001% độc giả mua nhầm rồi liên hệ đòi đổi sách thật, đơn vị chúng tôi cũng bị thiệt hại rồi", đại diện First News nói.
Nhiều NXB cũng cho biết họ đau đầu với vấn nạn sách giả bán online. Ông Thành Nam, Phó giám đốc NXB Trẻ, kể đơn vị này bị các cá nhân, tổ chức in lậu sách rồi bán qua sàn thương mại điện tử. Còn bà Vũ Quỳnh Liên - tổng biên tập NXB Kim Đồng - nói so với hành vi bán sách giả thông thường, trên môi trường internet, việc này khó phát hiện hơn vì đa phần người mua chọn sách trên mạng trước khi cầm được ấn bản.
Gần đây, NXB Trẻ phát hiện cuốn Tiếng Nhật cho mọi người xuất hiện bản lậu trên Tiki, khi được phản ánh, website này đã cho dừng tài khoản của chủ gian hàng. Tuy nhiên, cũng có sàn cho rằng họ không có trách nhiệm liên đới. "Khi chúng tôi cảnh báo một số sàn bán sách online, họ phủ nhận vì cho rằng chỉ cho thuê cửa hàng và thu 13% lợi nhuận từ người bán. Nhiều sàn nói họ là đơn vị trung gian, cung cấp nơi bán hàng chứ không lưu trữ ấn phẩm", ông Nguyễn Văn Phước cho biết.
Nhiều người trong giới xuất bản nhận xét độc giả sẽ khó nhận biết các sách in lậu vì đa phần chúng giống sách gốc. "Muốn so sánh, phải lấy tác phẩm của chính hãng đối chiếu từng trang mới phân biệt được", ông Phước nói. Đại diện First News chỉ ra một số dấu hiệu nhận biết như: Bìa sách giả mờ nhạt hơn đôi chút, giấy bìa và ruột sách mỏng hơn vài phần trăm, chữ in không sắc nét, mực in không đều, hơi lem nhem ở những trang có chữ to, bìa lót... Gáy sách giả thường chỉ bị lệch một chút...
Sách giả (hàng nằm) và sách thật được trưng bày ở hội thảo hôm 18/6. Ảnh: Mai Nhật. |
Theo bà Quỳnh Liên, để giảm thiểu việc sách giả bày bán online tràn lan, NXB, đơn vị làm sách cần bắt tay với các đơn vị kinh doanh sàn thương mại. Bà kiến nghị các chợ điện tử phải trực tiếp kiểm soát nguồn gốc ấn phẩm được kinh doanh trên sàn bằng cách yêu cầu người bán có hóa đơn hoặc chứng nhận nguồn gốc hàng hóa.
NXB Trẻ từ năm 2013 đã có phương thức quét mã QR giúp bạn đọc tìm hiểu thêm thông tin về cuốn sách. Năm 2015, đơn vị này triển khai tem thông minh - mỗi cuốn sách sẽ có một dãy số để NXB quản lý sản phẩm. "Chúng tôi phối hợp với các NXB và đơn vị làm sách khác, Hội xuất bản Việt Nam (văn phòng phía Nam) để củng cố chứng cứ, tìm ra giải pháp để đệ trình lên cơ quan cách xử lý không chỉ hành vi in lậu, phân phối sách giả, mà cả hành vi phát xâm phạm bản quyền ebook, audio book - vốn cũng đang rất nhức nhối", ông Thành Nam cho biết.
Ngoài ra, ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam - nhận định trọng tâm của cuộc chiến sách thật - giả là ở việc xử lý những "ổ" làm sách lậu. Nếu không, các đơn vị làm sách sẽ không dám đầu tư vì cuốn nào tốt, bán chạy càng dễ bị in lậu.
"Không chỉ cần có chế tài với các sàn thương mại điện tử, cơ quan chức năng cần truy tận gốc bằng cách phạt các nhà in làm sách trái phép. Luật Hình sự 2015 quy định: Hành vi vi phạm bản quyền, làm giả sách là vi phạm pháp luật, nếu đủ điều kiện có thể khởi tố hình sự", ông Hoàng nói.
Mai Nhật