Mục đích duy nhất là làm giàu cho các công ty
Cậu con trai của tôi biết rõ điều này, nhưng công bằng mà nói, hầu hết chúng ta cũng biết. Theo một nghiên cứu năm 2016, chúng ta chạm vào điện thoại di động của mình khoảng 2.617 lần mỗi ngày. Trong số những người sở hữu điện thoại thông minh, có đến 77% kiểm tra điện thoại trong vòng mười lăm phút sau khi họ thức dậy. Một phần ba người Mỹ nói rằng họ thà từ bỏ tình dục còn hơn là bị mất điện thoại di động.
Phải công nhận rằng các thiết bị của chúng ta và những gì chúng ta làm với chúng cũng gây nghiện như nicotine, thức ăn, ma túy hay bia rượu. Có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh điều này. Theo một báo cáo của Goldman Sachs, mỗi ngày một người dùng trung bình dành 50 phút cho Facebook, 30 phút cho Snapchat và 21 phút cho Instagram. Hãy thử cộng những con số này lại và nghĩ về những ảnh hưởng đối với năng suất làm việc cũng như các mối quan hệ của chúng ta.
Đây không phải là một may mắn tình cờ đối với Facebook cũng như các ứng dụng mà họ cho phép hoạt động trên nền tảng của mình. Tất cả đều được lên chiến lược và triển khai một cách cẩn thận. Các thương gia kinh doanh sự chú ý muốn chúng ta luôn dính chặt với những thiết bị thông minh của mình để họ có thể thu thập thêm dữ liệu và thói quen lướt web của chúng ta. Theo tác giả Đừng trở nên xấu xa, dĩ nhiên, sức khỏe tâm thần của con người lại giảm xuống.
Năm 2018, một nghiên cứu của Đại học Pittsburgh cho thấy thanh niên sử dụng mạng xã hội càng nhiều sẽ càng có nguy cơ bị trầm cảm. Tôi từng trò chuyện với các nhà khoa học thần kinh, và nhiều người trong số họ lo ngại rằng việc sử dụng các ứng dụng và trò chơi dành cho thiết bị di động có thể dẫn đến sự suy giảm nhận thức trên diện rộng, thậm chí là gây mất trí sớm hàng loạt.
Với tất cả những điều này, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người bắt đầu phản ứng dữ dội, và ngày càng có nhiều người chủ động tự “ngắt kết nối”. Một khảo sát gần đây của cơ quan giám sát truyền thông Anh Ofcom cho thấy 34% đối tượng khảo sát đã tham gia cai nghiện kỹ thuật số, 16% đối tượng đã chủ động đi nghỉ mát ở một địa điểm không có Internet, và 12% đã cố ý bỏ điện thoại ở nhà khi đi nghỉ mát. Tại Mỹ, những quyển sách về các chủ đề như “chủ nghĩa tối giản kỹ thuật số” và “làm việc không phân tâm” được xếp trên các kệ sách về kinh doanh hay phát triển bản thân, và điều thú vị là ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp nghiên cứu những giải pháp giúp mọi người chống lại sức hút của các thiết bị hấp dẫn.
Trong một bài phát biểu trước các lãnh đạo của Liên minh châu Âu vào năm 2018, giám đốc điều hành Tim Cook của Apple thừa nhận cuộc cách mạng Big Tech đã và đang tồn tại một mặt tối cực kỳ nghiêm trọng: “Chúng ta không nên dùng những từ hoa mỹ để che giấu các hệ quả. Đây chính là sự giám sát. Và các kho lưu trữ dữ liệu cá nhân này chỉ phục vụ một mục đích duy nhất là làm giàu cho các công ty thu thập chúng”. Vào đầu năm đó, ông còn nói bản thân ông – giống như nhiều người dùng Apple khác – đã dành quá nhiều thời gian cho điện thoại, đồng thời thừa nhận rằng đó là một vấn đề.
“Chúng tôi… khiến bạn tiết ra một chút hoóc-môn hạnh phúc”
Làn sóng chỉ trích đối với những gì công nghệ đang gây ra cho não bộ của chúng ta đang ngày càng lan rộng khắp Thung lũng Silicon, nơi một số nhân vật nổi tiếng trong ngành cũng bắt đầu lên tiếng. Sean Parker, cựu chủ tịch sáng lập của Facebook, gần đây đã thừa nhận rằng mạng xã hội này có thể kích thích các chất hóa học trong não bộ người dùng, khiến họ luôn có cảm giác thôi thúc muốn sử dụng Facebook, giống như những chú chó tự động tiết nước bọt khi nghe tiếng rung chuông báo hiệu bữa tối trong nghiên cứu của nhà tâm lý học B. F. Skinner những năm 1950.
Parker thẳng thắn chia sẻ: “Ngay từ đầu quá trình tư duy của chúng tôi khi phát triển những ứng dụng như Facebook đã là: ‘Làm thế nào để chiếm được nhiều thời gian và sự tập trung chú ý của người dùng nhất có thể?’”.
Để đạt được mục tiêu này, các kỹ sư của Facebook đã khai thác “điểm yếu trong tâm lý con người” và tạo ra thứ gì đó có tính gây nghiện đối với người dùng. Parker nói: “Chúng tôi… khiến bạn tiết ra một chút hoóc-môn hạnh phúc” bất cứ khi nào có ai đó thích hoặc bình luận về một bài đăng hoặc bức ảnh của bạn. Và như hầu hết những gã khổng lồ công nghệ khác, khi nói về “những hậu quả không mong muốn” phát sinh trong quá trình một mạng xã hội phát triển để có hơn 2 tỷ người dùng, Parker khẳng định ông không thật sự hiểu hết mọi tác động do Facebook gây ra.
Ông nhận định: “Nó thật sự thay đổi mối quan hệ giữa bạn với xã hội cũng như giữa mọi người với nhau. Nó ảnh hưởng đến năng suất theo những cách kỳ lạ. Chỉ có Chúa mới biết nó đang tác động thế nào đến bộ não của con cái chúng ta”.
Tristan Harris cũng dành nhiều thời gian để tìm hiểu về tác động của công nghệ ngày nay đối với khả năng nhận thức của con người, nhất là với bộ não chưa phát triển đầy đủ của trẻ em. Harris là cựu nhân viên Google, từng tốt nghiệp Phòng nghiên cứu Công nghệ Thuyết phục Stanford. Tại đây, Harris đã học cách phát triển một loại phần mềm thay đổi hành vi có thể khiến người dùng không ngừng vuốt màn hình điện thoại, từ chơi Candy Crush, lướt phần mềm hẹn hò Tinder đến đọc tin lá cải.
Harris từng thành lập ba công ty và làm việc cho Google; nhưng sau khi trải qua một cuộc khủng hoảng sinh tồn trước sức mạnh ngày càng tăng của Big Tech, ông đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận nhằm kiểm soát những tác động nguy hại do tình trạng nghiện công nghệ gây ra. Harris từng nói với tôi: “Mỗi công ty này đều có cả một đội quân kỹ sư đang nghiên cứu để tìm cách khiến bạn dành nhiều thời gian hơn và chi nhiều tiền bạc hơn trên mạng. Mục tiêu của họ hoàn toàn khác với mục tiêu của bạn”.
Theo Đừng trở nên xấu xa