Nói sao để người khác chịu nghe. Diễn đạt sao cho người khác hiểu. Truyền thông sao cho người khác quan tâm. Làm thế nào để việc đưa ra thông điệp mang lại hiệu quả và lợi ích cao nhất? “Đơn giản mà nói”, quyển sách chỉ hơn hai trăm trang nhưng cực kỳ thuyết phục của Ben Guttmann sẽ phân tích, lý giải, chỉ ra cách để những ai quan tâm vấn đề này đều có thể thực hiện được.
Đơn giản để thành công
Theo tác giả, có một câu hỏi đã định hình phần lớn cuộc đời và sự nghiệp của những người làm nghề marketing “Tại sao một số thông điệp thành công trong khi những thông điệp khác thất bại?”. Và “đơn giản” là điều mà ông muốn đề cập.
Ben Guttmann cho rằng, khái niệm đơn giản thì dễ nhớ, thông điệp đơn giản thì dễ tạo được ấn tượng. Nhưng não trạng của con người thì lại luôn hướng đến những điều phức tạp. Ông cho rằng chúng ta đang sống trong một thế giới vô cùng phức tạp, với các thiết bị và ứng dụng cứ liên tục bíp bíp, ting ting, khiến chúng ta phải liên tục kiểm tra suốt cả ngày. Với tư cách là người nhận thông điệp, chúng ta biết thông điệp súc tích mới hiệu quả. Nhưng khi là người truyền tải, chúng ta lại gặp không ít khó khăn trong việc diễn đạt một cách đơn giản. Vậy làm sao để đơn giản?
Tác giả đã đưa ra rất nhiều dẫn chứng, ví dụ sinh động, thú vị để người đọc hình dung. Ví dụ, câu “Và chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ứng viên Donald Trump trong bài phát biểu vận động tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2015, thật đơn giản nhưng có sức mạnh thật sự to lớn. Thông điệp đó mang đến cho cử tri câu trả lời đơn giản cho câu hỏi: “Tại sao bạn lại ủng hộ người đó?”. Trong khi thông điệp của Cruz “Cùng nhau, chúng ta sẽ chiến thắng”, cũng có vẻ ngắn gọn, nhưng nội hàm lại phức tạp hơn, người nghe phải suy nghĩ: Chiến thắng cái gì? Làm cách nào để thắng? Tại sao phải thắng?
Trong kinh doanh, sự đơn giản càng mang lại nhiều lợi ích cụ thể. Trường hợp Công ty thiết kế và xây dựng chiến lược thương hiệu Siegel+ Gale đã theo dõi và phân tích tính đơn giản trong ngành marketing suốt mười năm, chẳng hạn. Họ khảo sát hàng ngàn người tiêu dùng, hàng trăm thương hiệu trọng điểm trên toàn thế giới để đưa ra kết quả: những thương hiệu đơn giản nhất thường có thành tích vượt trội, 76% người tiêu dùng có xu hướng giới thiệu một thương hiệu đơn giản cho người khác, 57% người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một thương hiệu đơn giản, các công ty đã vuột mất những cơ hội có tổng giá trị lên tới 402 tỉ đô- la chỉ vì họ không đạt được sự đơn giản.
Đơn cử, những mẩu quảng cáo và khẩu hiệu đáng nhớ nhất trong mọi thời đại đều rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, tập trung vào người nhận, như: “Cứ làm đi” (Nike), “Tới nơi an toàn, giao hàng đúng hẹn” (FedEx), “Thưởng thức theo cách bạn muốn” (Burger King).
Ben Guttmann dẫn lời của Steve Jobs để khái quát lợi ích của sự đơn giản: “Đơn giản khó hơn phức tạp: bạn phải rất nỗ lực để có thể sắp xếp suy nghĩ của mình và khiến nó trở nên đơn giản. Nhưng suy cho cùng, công sức bạn bỏ ra cũng xứng đáng, vì một khi đã đạt đến sự đơn giản thì bạn có thể dời non lấp biển”.
Hai bí mật cần thiết
Có lẽ, điều người đọc quan tâm nhất trong quyển sách này vẫn là làm cách nào để thực hiện tốt những điều tác giả đề cập, làm sao để đơn giản, để sự đơn giản mang lại lợi ích? Tác giả đã tiết lộ chi tiết bộ công cụ gồm năm phần để phát triển các thông điệp đơn giản, giúp bạn bứt phá và trở thành người có khả năng lãnh đạo và giao tiếp đẳng cấp thế giới.
Tác giả sẽ chỉ cho bạn thấy “hai bí mật cần thiết trước khi bắt đầu”. Và sau đó, bạn sẽ được khám phá dần những điều lý thú trong quyển sách. Ví dụ, bạn sẽ được giới thiệu về những bộ não chậm chạp của con người trong thế giới hối hả. Về việc chúng ta không để ý hầu hết mọi thứ, không nhớ hầu hết mọi thứ, và chế độ mặc định của con người là phớt lờ hầu hết mọi thứ chung quanh. Chúng ta thường xuyên nghe mà không biết, nhìn mà không thấy. Chúng ta thường giải quyết mọi thứ theo hướng làm cho phức tạp hơn thay vì làm đơn giản đi. Chúng ta luôn muốn thêm vào chứ không muốn bớt ra, ngay cả khi được yêu cầu viết một thông tin sao cho đơn giản, dễ hiểu.
Chính vì vậy mà chúng ta cần tìm hiểu tại sao đơn giản lại thành công, cách để truyền thông đơn giản, cách để tạo ra hiệu quả và lợi ích lớn nhất từ sự đơn giản. Cũng như học cách loại bỏ sự phức tạp, cách tiêu diệt “kẻ thù” này và hệ quả của nó.
Nhìn xa hơn về tương lai, tác giả cho rằng: Trong kỷ nguyên sắp tới, khi người làm marketing không thể cứ đi đường tắt đến thành công bằng cách lạm dụng các công cụ marketing nhắm mục tiêu, các chuyên gia về thuyết phục và giao tiếp sẽ cần quay lại với các nguyên tắc cơ bản của việc truyền tải một thông điệp hay. Công nghệ thay đổi nhưng con người thì không. Công thức giao tiếp hiệu quả vẫn như vậy. Không khác gì cái thời con người bắt đầu viết những ký tự đầu tiên lên bia đá vào 5000 năm trước.
Tôi đặc biệt thích cái kết của quyển sách, khi tác giả dẫn sự kiện tàu Voyager 1 được thiết kế để mãi mãi du hành trong hành trình vô tận xuyên không gian giữa các vì sao. Nó đã được phóng đi vào năm 1977, mang theo một Đĩa ghi vàng.
Và đây là hình ảnh của tương lai: Nếu may mắn, có lẽ vài ngàn năm hoặc vài triệu năm về sau, một con tàu ngoài hành tinh sẽ bắt gặp vật thể đến từ hành tinh xanh nhỏ bé của chúng ta. Khi đặt nó lên một mâm đĩa, những sinh vật ngoài trái đất sẽ nghe thấy lời chào được nói tiếng Sumer, một trong những ngôn ngữ lâu đời nhất của loài người chúng ta, khi dịch ra sẽ là một thông điệp đơn giản “Cầu mong mọi điều tốt lành”. Câu chúc chứa đựng một ý tưởng đơn giản: chúng ta quan tâm đến người nhận. Một sự đơn giản dễ thấu cảm và đẹp đến nao lòng.
Tác giả cũng không quên nhắn nhủ: trong cuộc sống của chúng ta ở đây, trên hành tinh này, chúng ta cũng phải làm như vậy. Sự đơn giản không chỉ là biểu hiện của sự quan tâm mà còn là cách chúng ta tiến về phía trước.