Trong một thế giới mà sự chú ý là một nguồn tài nguyên khan hiếm, cuốn sách “Đơn giản mà nói” (Simply Put) của Ben Guttmann nhắc nhở chúng ta rằng đôi khi ít hơn lại là nhiều hơn – thông điệp đơn giản nhất là thông điệp mạnh mẽ nhất.
Vì sao câu nói “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Donald Trump tạo ra sức mạnh to lớn? Vì sao câu “Thưởng thức theo cách bạn muốn” của Burger King thu hút đông đảo khách hàng? Vì đó là những thông điệp chứa đựng sức mạnh của sự đơn giản.
Trong thế giới hiện đại tràn ngập thông tin, không thiếu những thông điệp marketing nhanh chóng trở thành biểu tượng văn hóa, trong khi số khác chìm vào quên lãng. Tại sao như vậy?
Chúng ta thường quên rằng cách chúng ta giao tiếp cũng cần được thiết kế. Bạn cần phải nhìn nhận rằng những thông điệp của mình như thứ gì đó có thể và cần phải được thiết kế.
Có một sự thật là loài người chúng ta vốn không hoàn hảo. Các câu chuyện sẽ rất tẻ nhạt nếu thiếu đi tình tiết xung đột, và cuộc sống sẽ vừa căng thẳng vừa nhàm chán nếu bộ não của chúng ta luôn hoạt động chính xác.
Thế giới hoàn hảo là thứ xa xỉ mà chúng ta không thể có, nhưng chúng ta vẫn cần giao tiếp trong môi trường đầy thiếu sót đó. Sự đơn giản là con đường để chúng ta tiến lên phía trước.
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, làm thế nào để lời nói của bạn không chỉ được lắng nghe mà còn đọng lại trong tâm trí người khác? Đâu là bí quyết để thông điệp của bạn trở nên nổi bật trước những đối thủ khác?
Tại sao nguyên tắc thiết kế tiện dụng và tối giản mà Apple áp dụng cho điện thoại iPhone lại thành công rực rỡ? Tại sao khẩu hiệu chỉ gồm 3 từ ngắn gọn “Just do it” của Nike lại khiến người ta phải nhớ mãi?