Chữa lành đứa trẻ tổn thương bên trong - Khởi nguồn của lo âu và trầm cảm

Quìn04/03/2024 08:00
Chữa lành đứa trẻ tổn thương bên trong - Khởi nguồn của lo âu và trầm cảm

Có bao giờ bạn để ý thấy có một số người luôn cảm thấy lạc lõng, rối bời, và những bi kịch giống hệt nhau cứ tái diễn trong đời họ hết lần này đến lần khác?

Có thể bạn là một trong những người không hiểu vì sao bản thân mình cứ hay gặp những người đối xử với mình không ra gì, hoặc có thể bạn thích giao du với những người miệng thì nói là bạn tốt của bạn nhưng sau cùng lại chỉ mang đến cho bạn bi kịch. Ở đây, có nhiều khả năng là phần bị tổn thương bên trong bạn đang vô thức chọn kết giao với những người bị tổn thương khác. Những con người đau khổ thường tìm đến nhau.

Những tổn thương tinh thần hình thành ngoài ý muốn của chúng ta, thông qua những trải nghiệm trong quá trình chúng ta lớn lên, khi chúng ta bị phớt lờ, bị từ chối hay xa lánh. Với một số người, sự tổn thương diễn ra ở mức độ sâu sắc khi họ có những trải nghiệm dữ dội như bị bạo hành, bị bỏ rơi hoặc những chấn thương tâm lý khác.

Trong suốt quá trình này, chúng ta vận dụng tất cả khả năng của mình, với những công cụ tốt nhất mình có, để ứng phó với tình huống ngay tại thời điểm sự việc xảy ra. Tuy nhiên, dù chúng ta có tâm thế chủ động đón nhận sự tổn thương đến đâu, vết thương ấy vẫn lưu dấu lại sâu bên trong chúng ta, chiếm một chỗ nhất định và tác động đến cách chúng ta cảm nhận về bản thân trong mối quan hệ với phần còn lại của thế giới.

Không phải tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng bởi một biến cố hay sự kiện tổn thương theo một cách giống nhau. Với một số người, một trải nghiệm gây tổn thương chỉ như vết trầy xước trên da, trong khi đối với những người khác, vết thương có thể hằn sâu trong tâm thức. Mỗi chúng ta đều có sức bật tinh thần ở mức độ khác nhau và điều đó thể hiện ở khả năng xử lý, ứng phó và vượt qua những nỗi đau hay sang chấn tâm lý của mỗi người.

Và đôi khi, nỗi đau hay sự sang chấn cứ tồn tại, lẩn khuất ở đâu đó bên trong chúng ta trong khi chúng ta sống tiếp cuộc đời mình. Chúng ta đè nén, tìm cách phớt lờ những tổn thương nếu chúng ta cảm thấy việc nhớ lại và khơi dậy trải nghiệm đau đớn đó quá khó khăn.

Nhưng khi chúng ta chối bỏ nỗi đau và những tổn thương của chính mình, chúng sẽ bắt đầu lộ diện ở những dạng thức méo mó, tìm cách để được chúng ta thừa nhận và giải quyết. Cảm xúc là những thông điệp bên trong, đang cố thu hút sự chú ý của chúng ta. Đa số mọi người đè nén hay hoàn toàn phớt lờ những tín hiệu này.

Có thể bạn đã quen với cảm giác có nỗi đau sâu kín trong lòng, bạn gia nhập đội ngũ của những “thương binh sống sót” trở về sau cuộc chiến. Có thể bạn nghĩ: “Mình biết chuyện này đã xảy đến với mình, nhưng chuyện đã qua lâu rồi, và mình không muốn nhớ lại sự việc đó nữa”. Tuy vậy, nỗi đau vẫn ở lại bên trong bạn, cố tìm cách để được bạn thừa nhận. Nó sẽ không tự động biến mất nếu bạn không làm gì để xử lý nó. Nó sẽ liên tục thể hiện ra, thông thường bằng cách gián tiếp, đẩy bạn chệch hướng khỏi hành trình bạn đang đi, khiến bạn mất thăng bằng và góp phần đưa bạn đến tình trạng lo âu và trầm cảm.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 27/04/2024