Để không bất lực khi “vật lộn” với tiền bạc
Theo Paco de Leon, tiền là yếu tố đại diện cho quyền lực, và điều ngược lại cũng đúng. Trong cuộc sống, “vật lộn với tiền bạc, cảm thấy không có đủ số tiền mình muốn, hay không kiểm soát được tài chính cá nhân… về bản chất đều là những cảm giác bất lực đáng sợ đối với… tất cả mọi người”.
Làm sao để có thể quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, làm sao để không rơi vào tình trạng bất lực khi vật lộn với tiền bạc, làm sao để trang bị cho mình một góc nhìn mới về mối quan hệ giữa bạn với tiền bạc… để bạn có thể tự tin và thành công hơn trong quản lý tài chính cá nhân? Quyển sách “Tài chính cho mọi người” sẽ mang đến cho bạn nhiều kiến thức bổ ích và nhiều kinh nghiệm thú vị.
Điều đáng lưu ý là, quyển sách này có thể dành cho bất kỳ ai đã chán ngán cách tiếp cận và giảng dạy truyền thống về tài chính cá nhân, và bất kỳ ai sẵn sàng bước vào hành trình khám phá bản thân để nắm bắt quyền lực của mình.
Không chỉ bàn về kỹ năng, “Tài chính cho mọi người” sẽ buộc bạn phải xem xét lại những niềm tin và kinh nghiệm của bản thân về tiền bạc, bằng cách kết hợp các bài thực hành cực kỳ thiết thực với gần năm mươi hình vẽ minh họa và biểu đồ để các khái niệm trở nên dễ hiểu hơn…”.
Cách tiếp cận toàn diện của tác giả sẽ giúp bạn “nhổ bỏ những niềm tin sai lệch đã bám rể trong vô thức của bạn, thực hành lòng biết ơn để tư duy khác đi về chi tiêu, thoát khỏi chu kỳ nợ và bắt đầu tích lũy của cải.”
Quyển sách lần lượt dẫn dắt bạn suy nghĩ lại vấn đề tài chính cá nhân, định hình lại các quan điểm về tiền bạc, tư duy về đầu tư và cách thức bảo vệ tài sản mà mình đã có.
Đầu tiên, tác giả đưa ra một khái niệm đơn giản, dễ hiểu nhất: hoạch định tài chính là giúp người ta hoạch định tiền của cá nhân, còn tư vấn kinh doanh là giúp các doanh nghiệp hoạch định tiền của công ty. Đây là hai công việc giống nhau, chỉ khác ở đối tượng khách hàng.
Tác giả cũng giúp chúng ta vẽ nên một Kim tự tháp Thành tựu Tài chính cho riêng mình và cách sử dụng Kim tự tháp - cả lý thuyết lẫn thực hành - một công cụ thực hành tài chính trực quan, lý thú.
Thiết lập lại niềm tin
Để người đọc có thể nắm bắt tình hình tài chính của mình, tác giả dẫn dắt người đọc vào câu chuyện “Tại sao chúng ta có thái độ kỳ lạ đối với tiền bạc”. Theo tác giả, có nhiều sự tác động bên trong, bên ngoài dẫn đến thái độ đó. Ví như những người bị sang chấn tâm lý khi lớn lên trong môi trường nghèo đói, thiếu thốn và không ổn định. Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tiêu dùng khiến chúng ta có thái độ kỳ lạ đối với tiền bạc. Sự lầm tưởng các vấn đề xã hội với các vấn đề tài chính cá nhân khiến chúng ta có thái độ kỳ lạ đối với tiền bạc. Suy nghĩ định hình cái tôi - môi trường bên trong và bản sắc cá nhân của chúng ta - cũng khiến chúng ta có thái độ kỳ lạ đối với tiền bạc… Và thái độ kỳ lạ đó góp phần thúc đẩy những quyết định tài chính của chúng ta.
Vấn đề là chúng ta rất khó nhận ra những niềm tin tiềm thức của mình - những niềm tin hình thành quan điểm của chúng ta về tiền. Làm sao để khám phá niềm tin của bạn? Niềm tin của bạn về tiền là gì? Đó là những câu hỏi tác giả đặt ra, dẫn dắt người đọc lý giải, và hướng dẫn người đọc cách giải quyết. Chỉ khi bạn xác lập được niềm tin, thì những vấn đề tiếp theo mới có thể được khai mở.
Và cứ thế, lần theo trang sách, bạn sẽ được tiếp cận với cách nghĩ về chuyện chi tiêu. Sẽ biết cách ứng phó với việc “chúng ta được định hướng để tiêu dùng”, sẽ tìm ra nguyên tắc “chủ động xóa bỏ tư duy khan hiếm” bằng việc thực hành lòng biết ơn, sẽ biết cách áp dụng công cụ “dòng chảy biết ơn” khi bắt đầu lập kế hoạch chi tiêu. Bạn sẽ được gợi mở trả lời cho câu hỏi: chúng ta cần bao nhiêu tiền trước khi được hướng dẫn việc lập kế hoạch chi tiêu cụ thể. Bạn sẽ được chỉ ra việc lập kế hoạch chi tiêu hữu ích hơn lập ngân sách.
Điều quan trọng hơn là bạn được tham khảo các kinh nghiệm kiểm soát chi tiêu, cách phân bổ tiền cho từng tài khoản, bảo vệ bản thân khỏi chính mình bởi những quyết định chi tiêu mất kiểm soát.
Tác giả cũng đưa ra những góc nhìn lý thú về “nợ” để bạn tiếp cận những cách xoay sở mới mẻ, tích cực hơn với nợ. Với Paco de Leon, “nợ là thứ nguy hiểm nhưng cần thiết để đảm bảo nền kinh tế hiện đại tiếp tục tăng trưởng”. Bạn sẽ tiếp cận với quan điểm: mắc nợ không phải là sự thất bại về mặt trí tuệ hay đạo đức. Bạn sẽ học cách đối phó với nợ, cách giúp bạn thoát nợ. Tác giả cũng cung cấp cho bạn một sơ đồ “ma trận nợ” để bạn có thể hình dung những dạng nợ phổ biến, và cho bạn bài tập thực hành thay đổi quan điểm về nợ.
Và quan trọng hơn hết là bạn sẽ được hướng dẫn các nguyên tắc tài chính cơ bản về kiếm tiền, tiết kiệm và ra quyết định. Vì “kiếm tiền, tiết kiệm và ra quyết định” là những viên gạch cơ bản trong Kim tự tháp Thành tựu Tài chính. Và lời khuyên của tác giả là “bạn phải thành thạo các kỹ năng này trong đời sống tài chính của mình, vì các tầng cao hơn của kim tự tháp đều được xây dựng dựa trên những kỹ năng nền tảng này”.
Trong quyển sách có rất nhiều dẫn chứng cụ thể về cách giỏi kiếm tiền, đầu tư cho tương lai trong rất nhiều lĩnh vực, kể cả việc đầu tư vào thị trường chứng khoán, sử dụng tài khoản hưu trí… Cách tích lũy tài sản; bảo vệ những khoản tiền, tài sản mà bạn kiếm được một cách hữu hiệu.
Cuối cùng điều tác giả muốn nhắn nhủ với chúng ta thông qua quyển sách là một thứ còn vượt trên cả tiền bạc: “tôi hi vọng bạn sẽ luôn nhớ rằng quan tâm đến mối quan hệ của chúng ta với tiền bạc không chỉ có nghĩa là tích lũy của cải để trở nên giàu có. Đó cũng không phải là làm cho chúng ta phụ thuộc nhiều hơn vào chủ nghĩa tư bản để có được lợi ích vật chất. Ngược lại, đó là một cách hiệu quả để chúng ta thực thi quyền lực của mình trong một thế giới luôn muốn phủ nhận quyền lực của nhiều người. Đó là một cách dùng tiền để khuếch đại các giá trị và ý tưởng mà chúng ta muốn thấy trên thế giới này”.