Cuộc cách mạng nội tâm khai phá tiềm năng bên trong bạn
Trong quyển sách “Đánh thức trí thông minh” (tựa gốc: “The Awakening Of Intelligence”), triết gia Jiddu Krishnamurti cho rằng, khủng hoảng không nằm ở thế giới bên ngoài mà nằm trong ý thức của chính chúng ta. Chỉ đến khi nào ta hiểu được cuộc khủng hoảng này - không phải theo cách nông cạn, hời hợt, hay rập khuôn theo một triết gia nào - mà là thật sự thấu hiểu một cách thâm sâu bằng cách nhìn vào đó và xem xét nó, ta mới có thể tạo ra một cuộc thay đổi.
Quyển sách gồm 6 chương, tập hợp 23 bài nói chuyện được trình bày dưới dạng hỏi đáp giữa Krishnamurti với các giáo sư, học giả nổi tiếng và công chúng ở Mỹ, Ấn Độ, châu Âu. Trong đó, ông đã cùng họ xem xét, bàn luận các vấn đề chính yếu trong cuộc sống như: cuộc cách mạng nội tâm, thấu hiểu chính mình, về thiện và ác, sự đấu tranh của con người, trải nghiệm tôn giáo và thiền,…
Thông qua sự dẫn dắt đầy tính khai mở và cái nhìn trực diện của Krishnamurti, người đọc có thể tự suy nghiệm để thấu hiểu bản thân, nhận ra bản chất của những vấn đề chính yếu của đời sống con người, từ đó hiểu được khái niệm “trí thông minh” - yếu tố cốt lõi quyết định nhận thức của chúng ta. Đối với ông, trí thông minh là sự nhạy cảm ở mức cao nhất, khi trí não hoàn toàn tịch lặng, để không còn có khoảng cách giữa nhận thức và đối tượng được nhận thức.
Thế nhưng làm thế nào để trí não hoàn toàn tịch lặng? “Đó là khi có sự hòa hợp giữa thân, tâm và trí, không bất hòa hay xung đột”, Krishnamurti diễn giải. Lúc này, giữa ta và cái ta quan sát không còn có hình ảnh, khái niệm, kiến thức, kinh nghiệm, ký ức hay sự phán xét chủ quan nào xen vào. Chỉ khi đó, trí thông minh mới khám phá ra sự thật - loại sự thật tuyệt đối vượt lên mọi ngôn từ, khái niệm.
Với ngôn từ giản dị được trình bày bằng phương pháp tiếp cận trực diện đầy thuyết phục, Krishnamurti đã dẫn dắt cử tọa tập trung vào vấn đề chính yếu, không sa đà vào những nội dung không thiết thực, từ đó từng bước giúp người nghe nhận biết chính mình thông qua cuộc cách mạng khai phá nội tâm.
Xuyên suốt những cuộc đối thoại đó, Krishnamurti thường xuyên đặt ra câu hỏi: Chúng ta có hiểu chính mình không? Từ đó, ông hướng người nghe tập trung đi vào sâu tận gốc rễ của những vấn đề vốn đã ăn sâu vào tiềm thức con người, ngăn trở họ tiếp chạm sự thật.
Quyển sách dẫn dắt người đọc khám phá những yếu tố gây cản trở trí não đạt đến trí thông minh tột cùng – như thói quen tư duy theo khuôn mẫu, nhận thức trong giới hạn của thời gian và cái “tôi”, sự giới hạn của thói quen chia tách hay phân chia manh mún trong nhận thức của người tư duy… Bên cạnh đó, các cuộc nói chuyện còn đi sâu vào nhiều vấn đề thiết thực trong cuộc sống, như: vai trò của người thầy, trật tự, xung đột, nỗi sợ hãi, nỗi đau về thể xác và tinh thần, tình yêu, cái chết…
Tuy được viết dưới dạng những cuộc trò chuyện thân mật, “Đánh thức trí thông minh” vẫn không phải là một quyển sách dễ đọc. Những cuộc nói chuyện này, theo Krishnamurti, “không chỉ là những cuộc trao đổi ý kiến cho nhau bằng phương pháp biện chứng, mà là thật sự cùng nhau nghiên cứu, suy nghĩ thấu đáo vấn đề của mình”. Xuyên suốt quyển sách, chúng ta luôn cảm thấy bị thôi thúc phải xem xét lại những truyền thống, những lối mòn của tư duy và niềm tin cố hữu mà ta thường xuyên chấp nhận như một phần của cuộc sống.
Khép lại quyển sách, chúng ta nhận ra Krishnamurti hầu như không đưa rất bất kỳ câu trả lời rõ ràng nào hay lời khuyên rằng bạn cần phải làm gì. Điều ta thu nhận được chính là nhận thức về chính mình và khả năng tự mình xem xét để thấu hiểu những vấn đề cốt lõi trong cuộc sống. Chúng ta cũng nhận ra trí thông minh sẽ được thức tỉnh thông qua việc khám phá, học hỏi trong cuộc sống hằng ngày.
Jiddu Krishnamurti (1895 – 1986) là một triết gia, nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần, xoay quanh các chủ đề bao gồm: mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người và phương cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội.
Sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp Brahmin tại Ấn Độ, nhưng Krishnamurti khẳng định rằng mình không thuộc bất cứ quốc tịch, tầng lớp, tôn giáo hay trường phái triết học nào. Ông dành suốt quãng đời còn lại của mình đi khắp thế giới như một nhà diễn thuyết độc lập. Krishnamurti không lệ thuộc vào bất kỳ tôn giáo, giáo phái, hay quốc gia nào. Ông cũng không tán thành bất kỳ trường phái tư tưởng thuộc học thuyết hay chính trị nào. Trái lại, ông quả quyết rằng những trường phái này chính là yếu tố phân chia con người với con người và tạo ra xung đột, cũng như chiến tranh. Lời dạy của ông vượt trên mọi biên giới, ranh giới do con người tạo ra.
Krishnamurti là tác giả của rất nhiều cuốn sách, như: Tự do đầu tiên và cuối cùng, Tự do vượt trên sự hiểu biết, Đánh thức trí thông minh, Thế giới trong bạn, Cuộc đời phía trước, Đôi điều cần suy ngẫm, Bạn đang nghịch gì với đời mình, Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống. Ở tuổi 90, ông đã diễn thuyết tại Liên Hợp Quốc về chủ đề hòa bình và nhận thức, và được trao tặng Huân chương Hòa bình của Liên Hợp Quốc vào năm 1984.