Thời đại thứ tư - Máy tính có thể trở nên có ý thức hay không?

12/08/2023 09:00
Thời đại thứ tư - Máy tính có thể trở nên có ý thức hay không?

Máy tính của tương lai là sự vật hay sinh vật? Nó đơn giản là tồn tại hay nó sẽ trải nghiệm thế giới này? Có hay không việc nó sẽ vừa có khả năng tự nhận thức vừa có thể suy ngẫm về khả năng đó?

Năm 1997, khi bị máy tính Deep Blue của IBM đánh bại, nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov đã tự an ủi: “Dù sao nó cũng không biết tận hưởng niềm vui chiến thắng”. Vậy máy tính của tương lai có khả năng tận hưởng chiến thắng và thậm chí là có một chút cảm giác hả hê hay không?

Ở một cấp độ nào đó, chuyện máy tính có ý thức nghe có vẻ thật kỳ lạ. Bộ nhớ máy tính chỉ là một mớ bóng bán dẫn, với một số bóng được lắp theo chiều này và một số khác được lắp theo chiều ngược lại. Tất cả những gì bộ xử lý của máy tính làm là thực hiện một loạt các câu lệnh được mặc định sẵn. Làm thế nào nó có thể chuyển từ tính toán sang suy ngẫm được? Nhưng những ai tin máy móc có thể có ý thức sẽ chỉ ra rằng nếu bộ não được mô tả theo cách giản lược, nó cũng có vẻ như không hề có ý thức.

… Có hai con đường để máy móc trở nên có ý thức. Con đường thứ nhất là máy móc tự phát triển được ý thức, con đường thứ hai là máy móc đóng vai trò là những cái vỏ rỗng để con người tải ý thức vào đó. Hai trường hợp này có khả năng xảy ra hay không? Trong cả hai trường hợp, câu trả lời đều phụ thuộc vào việc ý thức hình thành như thế nào.

Chuyện này có thể nghe có vẻ bế tắc, vì tôi đã lặp lại nhiều lần rằng chúng ta không có câu trả lời cho câu hỏi đó. Tuy nhiên, dù chúng ta không biết ý thức hình thành như thế nào, nhưng vẫn có nhiều giả thuyết đáng xem xét. Chúng ta có thể phân loại các giả thuyết này thành tám nhóm, và mỗi nhóm như vậy chính là một giả thuyết lớn. Sau đó, chúng ta sẽ xem xét từng giả thuyết để xem máy móc có thể trở nên có ý thức hoặc con người có thể truyền ý thức của mình vào máy móc hay không.

Giả thuyết 1: Đột sinh thể “lặn”

…Khi nói rằng ý thức là một hiện tượng đột sinh, nhiều người muốn ám chỉ hiện tượng đột sinh “lặn”, xảy ra khi chúng ta bị bất ngờ với kết quả của sự tương tác giữa những thứ khác nhau. (Chúng ta sẽ bàn tới đột sinh thể “trội” ở phần kế tiếp.) Ví dụ, bạn có thể nghiên cứu về khí oxy một năm, rồi nghiên cứu về hydro một năm, và không bao giờ nghĩ hai chất đó kết hợp với nhau sẽ tạo ra nước – một chất hoàn toàn không giống gì với thành phần cấu tạo của nó. Bạn sẽ không ngờ nước lại có dạng lỏng ở nhiệt độ phòng… Tóm lại, “ướt” là một đặc tính đột sinh “lặn” của nước, vì cả oxy và hydro đều không “ướt” ở nhiệt độ phòng. Đột sinh lặn có nghĩa là cho ra kết quả bất ngờ, nhưng vẫn có thể được giải thích (ít nhất là về mặt lý thuyết). Quan điểm này cho rằng mọi thứ đều là sản phẩm của quy luật nguyên nhân - kết quả, có thể được giải thích như một kết quả tất yếu khi bốn lực cơ bản tác động lên các hạt quark và lepton – những hạt cơ bản hình thành nên vật chất. Đơn giản vậy thôi. Với đột sinh thể lặn, tất cả các định luật vật lý vẫn có giá trị, nhưng chúng ta còn rất nhiều thứ phải nghiên cứu để có thể đoán điều gì sẽ xảy ra trong một số tình huống nhất định.

Nếu ý thức là một đặc tính đột sinh thể lặn, máy móc có thể có ý thức không? Câu trả lời là “có”. Tuy nhiên, chúng ta không có một chiếc máy tính có thể mô phỏng thành công sự phức tạp của não bộ. Thậm chí, chúng ta còn chưa có chiếc máy tính nào mô phỏng được bộ não của loài giun tròn [...]

Ý thức có thể là một đặc tính đột sinh, nhưng nếu vậy thì chúng ta cũng không biết được gì nhiều, bởi đến nay hiện tượng đột sinh vẫn là một chiếc hộp đen bí ẩn. Hơn nữa, dù hiểu một chút về sự đột sinh ra những hành vi phức tạp, nhưng chúng ta chưa từng phát hiện hiện tượng đột sinh tạo ra những trải nghiệm chủ quan.

Còn việc chúng ta tải ý thức lên máy tính thì sao? Nếu đột sinh thể lặn là hiện tượng quyết định ý thức, chúng ta có thể tải ý thức của mình lên máy tính được không? Câu trả lời là “được”. Vì đột sinh thể lặn mang tính cơ học thuần túy nên theo lý thuyết, hiện tượng này có thể được tái tạo trên máy tính, nhưng có thể chúng ta sẽ cần một máy tính sinh học để làm vậy. Điều này có nghĩa là xét trên khía cạnh thực tế, ý thức cơ học thông qua đột sinh thể lặn có thể sẽ không khả thi, vì chúng ta không biết các đặc tính đột sinh của ý thức được sinh ra từ nơ-ron, từ phân tử hình thành nên nơ-ron hay từ một thứ gì đó hoàn toàn khác. Quét dữ liệu – quá trình sao chép thông tin trong bộ não của chúng ta để thu thập dữ liệu – có thể là một vấn đề nằm ngoài khả năng giải quyết của khoa học hiện tại. Nói cách khác, tạo ra một đàn kiến có một số hành vi  đột sinh là một chuyện, tạo ra một bản sao y hệt như đàn kiến đó thì khó hơn rất nhiều [...].

Giả thuyết 2: Đột sinh thể “trội”

Đột sinh thể lặn là một khái niệm được chấp nhận rộng rãi. Đột sinh thể trội thì rất có khả năng là không tồn tại. Một số người tin vào sự tồn tại của hiện tượng này thường lập luận rằng ý thức là đột sinh thể trội duy nhất từng xảy ra trên thế giới. Những người khác thì cho rằng tâm trí con người và đời sống sinh học chính là những hiện tượng đột sinh thể trội. Vậy đột sinh thể trội chính xác là gì?

…Ví dụ, cơ thể chúng ta gồm có 60 nguyên tố khác nhau với tỷ lệ khác nhau. Theo giả thuyết này, không có định luật vật lý nào có thể lý giải những nguyên tố này có thể kết hợp với nhau như thế nào để tạo ra một thực thể có ý thức. Thuộc tính này – ý thức – đơn giản là không thể xuất hiện từ sự tương tác giữa 60 nguyên tố đó.

Đột sinh thể trội không phải là phép thuật hay cái gì đó phi khoa học. Thay vào đó, giả thuyết này cho rằng những đặc tính của đột sinh thể trội được tạo ra từ một hiện tượng vật lý mà chúng ta chưa thể hiểu hết. Một số người thậm chí còn đi xa hơn khi nói rằng khối lượng, không gian và thời gian là những ví dụ về đột sinh thể trội, và chính thực tế này đã khiến chúng ta không thể hiểu tường tận về ba yếu tố đó – một giả thuyết nghe như xuất phát từ một hội kín.

…Máy tính có thể trở nên có ý thức nếu đột sinh thể trội là yếu tố hình thành ý thức hay không? Không xác định được. Vậy chúng ta có tải ý thức của mình vào máy móc được không? Cũng không xác định được. Theo định nghĩa, đột sinh thể trội vốn không thể được lý giải, thế nên khả năng chúng ta nắm bắt dạng đột sinh này cũng không có gì chắc chắn.

Lập luận ủng hộ giả thuyết này nói rằng nếu nó là một quá trình cơ học, chúng ta sẽ có thể tái tạo nó một cách cơ học. Còn lập luận phản biện là bản thân những thứ được gán với đột sinh thể trội – ý thức, tâm trí và sức sống – là những khái niệm hoàn toàn không thể được giải thích bằng những gì chúng ta biết. Đó là những bí ẩn vĩ đại, có thể sẽ mãi mãi nằm ngoài tầm hiểu biết của con người chúng ta.

Giả thuyết 3: Thuộc tính vật chất

Trên trang web của Quỹ Richard Dawkins cho Lý luận và Khoa học có đăng một bài viết của giáo sư tâm lý học Galen Strawson thuộc Đại học Texas ở Thành phố Austin, theo đó chúng ta không hiểu ý thức của con người hình thành như thế nào vì chúng ta không hiểu vật lý.[...] Dưới góc nhìn này, bản chất không thể lý giải của ý thức bỗng trở nên bình thường, không có gì lạ. Thế giới vật chất đến nay vẫn có đầy những thứ kỳ lạ không thể lý giải, chẳng hạn như vật lý lượng tử, thuyết tương đối và vật chất đen.

Hãy xem xét hiện tượng liên đới lượng tử (entanglement), trong đó hai hạt có liên kết chặt chẽ đến mức dù chúng cách xa nhau cả vũ trụ thì khi một hạt bị tác động, hạt còn lại sẽ phản ứng ngay lập tức, nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Ngay cả Einstein còn phải xếp hiện tượng này vào dạng “kỳ quái”. Khi được so sánh với những thứ như liên kết lượng tử, ý thức không còn là cái gì đó quá lạ lùng.

Nếu giả thuyết này đúng, nếu ý thức là một thuộc tính vật chất, vậy máy móc có thể có ý thức không? Có. [...] Theo giả thuyết này, việc phát triển máy tính có ý thức sẽ không phụ thuộc vào những đặc tính đột sinh được tạo ra bởi một thuật giả kim đổi mới nào đó, mà vào sự hiểu biết sâu sắc về vật chất. Tất nhiên, vẫn còn nhiều quy luật vật lý chưa được khám phá hết, nhưng ý tưởng cho rằng một trong những khám phá trong tương lai sẽ lý giải được khái niệm ý thức có lẽ chỉ là một kiểu suy luận lô-gíc.

Xét về mặt triết học, quan điểm này đã từng xuất hiện trước đây. Khi các công cụ của chúng ta được cải thiện theo thời gian, chúng ta đề ra giả thuyết trước rồi sau đó mới khám phá ra nguyên tử. Rồi từ nguyên tử, chúng ta tìm ra hạt proton, neutron và electron. Nhưng khi những khái niệm đó được khám phá, vô số điều mới mẻ cũng xuất hiện cùng với những cái tên kỳ lạ chưa từng thấy. Rất có thể những gì ngành vật lý ngày nay gọi là cơ bản thật ra lại được hình thành từ những thứ nhỏ hơn nữa, bí ẩn hơn nữa.

Ngành sinh học từng chứng kiến trường hợp tương tự. Chúng ta khám phá ra tế bào, rồi bên trong tế bào là nhân tế bào, bên trong nhân tế bào là DNA, bên trong DNA là gien. Cứ mỗi bước đi sâu hơn chúng ta lại giải mã được nhiều bí ẩn hơn; nhưng đồng thời, càng giải mã được nhiều bí ẩn và khám phá ra một cấp độ nhỏ hơn của vật chất, chúng ta càng mất kết nối với những trải nghiệm thực tế từ cuộc sống hằng ngày của mình.

Vậy theo giả thuyết này, chúng ta có thể truyền ý thức của con người vào máy móc hay không? Có. Trên thực tế, chúng ta sẽ có thể tiến hành một cách thuận lợi sau khi giải quyết được vấn đề quét dữ liệu. Như đã đề cập, chuyện quét dữ liệu sẽ trở nên khó khăn hơn khi chúng ta đi sâu vào chi tiết hơn. Vậy nên, rất khó để nói chính xác việc truyền tải ý thức sẽ khó đến mức nào, nhưng ít ra chúng ta cũng biết đó là việc khả thi.

Giả thuyết 4: Hiện tượng lượng tử

Một biến thể của giả thuyết “thuộc tính vật chất” là giả thuyết cho rằng ý thức là một hiện tượng lượng tử. Nhà toán học nổi tiếng Roger Penrose của Đại học Oxford là một trong những nhà nghiên cứu hiếm hoi trong lĩnh vực này tin chắc rằng máy móc không thể nào có ý thức. Lô-gíc của Penrose là: Có những hàm toán học có thể được chứng minh là không thể được giải bằng bất cứ thuật toán nào, dẫu vậy con người vẫn giải được những bài toán đó. Ngược lại, máy tính đơn giản là hoạt động dựa vào thuật toán, nó không có thể giải những bài toán đó và cơ bản là khác với trí tuệ của con người.

…Nhà toán học này tin rằng ý thức được tạo ra từ hiệu ứng lượng tử trong các tế bào thần kinh. [...] Tế bào thần kinh có các vi ống, tức là những ống siêu nhỏ có chiều ngang chỉ bằng một phần triệu milimét, đủ nhỏ để các phản ứng lượng tử xảy ra. Đây chính là thành phần đặc biệt mà Penrose tin là góp phần tạo thành ý thức.

[...] Về cốt lõi, vật lý lượng tử được xây dựng dựa trên lý thuyết xác suất và sự ngẫu nhiên – cả hai đều không phải là nền tảng lý tưởng để bắt đầu khi bạn cố tìm cách tạo một ý chí có mục đích, độc lập và tự chủ. Do đó, hầu như mọi bằng chứng cho thấy ý thức được hình thành từ một hiệu ứng lượng tử đều chỉ hợp lý trong một tình huống cụ thể. Chúng ta muốn một giả thuyết có X và Y, và vật lý lượng tử cũng chỉ có X và Y. Thêm vào đó, chưa chắc gì chúng ta đã có thể hiểu nổi cơ chế hình thành ý thức theo cách lý giải của vật lý lượng tử. Cuối cùng, như hầu hết các giả thuyết về ý thức, giả thuyết này chưa thật sự giải thích được ý thức hình thành như thế nào hay ý thức là gì.

…Họ giải thích: “Giả thuyết của chúng tôi phù hợp với cả hai quan điểm này, theo đó ý thức xuất phát từ những rung động lượng tử trong vi ống – thứ vừa điều khiển các chức năng của tế bào thần kinh và khớp thần kinh, vừa kết nối các quá trình của bộ não với những quá trình tự tổ chức ở quy mô nhỏ, được gọi là cấu trúc lượng tử ‘tiền ý thức’ của hiện thực”. [...]

… Nếu ý thức là một hiệu ứng lượng tử, máy móc có thể có ý thức không? Không xác định được. [...]Các hiệu ứng lượng tử có thể là nguồn gốc của ý thức, nhưng ngay cả khi chúng ta biết chắc điều đó là đúng, nó cũng không liên quan gì đến việc máy móc có thể có ý thức hay không. Vậy còn câu hỏi về truyền tải ý thức vào máy móc thì sao? Câu trả lời là “không”. Nếu ý thức là một hiện tượng lượng tử, lượng thông tin bạn cần thu thập về một người để tạo ra phiên bản kỹ thuật số của người đó sẽ lớn khủng khiếp. Bạn có thể sẽ cần dữ liệu về từng nguyên tử riêng lẻ, trong đó mỗi nguyên tử có đường kính khoảng 1/10.000.000.000 mét. Tôi cũng là một người có cái nhìn rất lạc quan về công nghệ, nhưng đây có vẻ là một công trình nằm ngoài khả năng của con người.

Giả thuyết 5: Ý thức là yếu tố cơ bản

…Thang phân cấp khoa học trước nay vẫn là vật lý lý giải hóa học, hóa học lý giải sinh học, sinh học lý giải sự sống. Bất kỳ hiện tượng nào bạn muốn quan sát trong tự nhiên đều tuân theo trật tự này, và những hiện tượng phức tạp thường được lý giải là bắt nguồn từ sự tương tác của những thứ đơn giản hơn. Nhưng vậy thì cái gì lý giải vật lý? Vật lý hình thành từ những yếu tố cơ bản. Những yếu tố đó là nền tảng của thực tế, không thể được phân tích thành những nguyên nhân đơn giản hơn. Chẳng hạn, lực hấp dẫn là một trong bốn lực cơ bản chúng ta đã biết, không gian và khối lượng cũng được xem là nền tảng của vật lý. Thời gian được làm từ cái gì? Không gian được làm từ cái gì?  Những câu hỏi này chắc hẳn đều có thể được trả lời bằng những thứ đơn giản hơn, nhưng hiện tại, chúng ta sẵn sàng gom chúng vào những thứ không thể (và có lẽ là không bao giờ) được giải thích.

Ý thức thường được xem là một quá trình sinh học. Thoạt đầu, điều này nghe cũng có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, ý thức không giống gì với các quá trình sinh học khác, nó khó hiểu đến nỗi ngày càng có nhiều người xếp nó chung với các yếu tố cơ bản, và nó cơ bản đến nỗi tới giờ vẫn chưa được phân tích cụ thể hơn. Nói ý thức là yếu tố cơ bản không phải là để “bỏ cuộc”.

Đó đơn giản là sắp xếp lại thang phân cấp khoa học, trong đó: sự sống được lý giải bởi sinh học, sinh học được lý giải bởi hóa học, hóa học được lý giải bởi vật lý, vật lý được lý giải bởi không gian, thời gian, ý thức và các yếu tố cơ bản khác. Sự phân cấp mới này, hay nói cách khác là tái định nghĩa, tạo tiền đề để chúng ta sử dụng ý thức như một cách giải thích, thay vì luôn cố gắng lý giải nó như từ trước đến nay.

Nếu ý thức là yếu tố cơ bản, máy tính có thể có ý thức hay không? Không xác định được. Điều này có thể khiến bạn ngạc nhiên, vì nếu ý thức là một lực cơ bản giống như lực hấp dẫn, chẳng phải đó là lý do để cho rằng máy tính có ý thức là khả thi sao? Không nhất thiết là vậy. Ngay cả khi ý thức là yếu tố cơ bản, chúng ta vẫn không hiểu hết những thuộc tính vốn có của nó. Lực hấp dẫn là lực cơ bản, nhưng hiểu về lực hấp dẫn không có nghĩa là chúng ta kiểm soát được nó, hay thậm chí là có thể tạo ra một phiên bản lực hấp dẫn nhân tạo.

 Chúng ta có thể mô phỏng lực hấp dẫn, bằng cách sử dụng lực ly tâm trong một vật thể đang quay chẳng hạn, nhưng đó thực chất không phải là lực hấp dẫn. Điều này có thể cũng giống như AGI. Chúng ta có thể mô phỏng cái gì đó giống với ý thức chứ không thật sự tạo ra được ý thức. Và cũng vì lý do này, đối với câu hỏi về khả năng truyền tải ý thức của con người vào máy móc, chúng ta cũng phải đưa ra câu trả lời tương tự: không xác định được.

Giả thuyết 6: Ý thức là yếu tố phổ quát

[...] Nói ý thức có tính phổ quát tức là nói rằng mọi thứ đều có ý thức, ở mức độ này hoặc mức độ khác. Đây là niềm tin của các tín đồ “hạng A”, với những người cái tên vô cùng nổi tiếng như giáo sư thần kinh học Giulio Tononi của Đại học Wisconsin-Madison (cũng chính là người đã đề ra giả thuyết này), chủ nhiệm khoa học danh tiếng Christof Koch của Viện nghiên cứu Allen về Khoa học Não bộ ở Seattle, và nhà triết học người Úc David Chalmers – người đã khơi mào cuộc tranh luận về vấn đề ý thức “khó giải quyết” mà chúng ta đang tìm hiểu. Hiện tại, giả thuyết này đang là “mặt hàng nóng nhất” trên “thị trường” những lời lý giải về ý thức.

Quan điểm cho rằng mọi thứ đều có một lượng ý thức nào đó là một niềm tin tồn tại từ thời cổ xưa. Quan điểm này từng được gọi là Toàn tâm luận (Panpsychism), nhưng một trong những phiên bản mới nhất của nó có tên là Giả thuyết Thông tin Tích hợp (Intergrated Information Theory – IIT).

[...] IIT nói rằng một thực thể có ý thức khi nó có thể tích hợp thông tin. Ví dụ, khi đọc sách, bạn thấy các chữ cái và từ ngữ trong sách, nhưng đồng thời bạn cũng cảm nhận được nhiệt độ trong phòng, mùi thơm của thức ăn bay ra từ trong bếp và tiếng chim hót ngoài cửa sổ. Bạn tích hợp tất cả những thông tin đó lại với nhau thành một trải nghiệm. Càng tích hợp nhiều thông tin, bạn càng có ý thức. Trái lại, trên bàn làm việc của tôi có rất nhiều giấy tờ, sách vở và đồ dùng văn phòng, đồng nghĩa với việc có khá nhiều thông tin, nhưng cái bàn không tích hợp được bất kỳ thông tin có ý nghĩa nào.

[...] Một số người cho rằng theo giả thuyết này, chương trình quét vi-rút trên máy tính cũng có ý thức, vì nó có thể tích hợp rất nhiều thông tin. Những người khác thì cho rằng gán chuyện xử lý thông tin với ý thức vô lý không kém gì việc liên kết bơ đậu phộng và ý thức.

[...] Nói cách khác, bạn có ý thức, nếu móng tay của bạn cũng có ý thức thì bạn có đến hai cái tôi, nếu bàn tay bạn cũng có ý thức thì bạn sẽ có đến ba cái tôi, và cứ thế tăng lên.

Vậy chúng ta có thể tạo ra máy tính có ý thức nếu ý thức được định nghĩa là yếu tố phổ quát hay không? Có. Nếu ý thức thật ra là một sản phẩm phái sinh mang tính phổ quát của sự đa dạng, có khả năng là chúng ta sẽ tạo ra được thứ gì đó là hiện thân của ý thức. Vậy chúng ta có thể tải ý thức của mình vào máy móc không? Được. Tất nhiên, vẫn cần lưu ý rằng chúng ta không biết làm thế nào để sao chép một cách chuẩn xác toàn bộ dữ liệu về một con người để tiến hành việc truyền tải ý thức.[...]

Giả thuyết 7: Ý thức là mánh khóe của não bộ

[...] Giả thuyết này được đưa ra bởi giáo sư triết học của Đại học Tufts là Daniel C. Dennett. [...] Ông cho rằng, bộ não đơn giản là hoạt động, nó làm nhiệm vụ của nó, và giọng nói bên trong mà chúng ta cảm nhận chỉ là một phần trong cơ chế hoạt động của bộ não.[...] Ông nói thêm: “Ý thức đúng là tuyệt vời đến kinh ngạc, nhưng đó không phải là phép màu và cũng không phải là phép thuật. Đó là hàng loạt mánh khóe… Tôi thích cách so sánh ý thức với ảo thuật, vì ảo thuật trên sân khấu tất nhiên không phải là phép thuật. Ảo thuật là hàng loạt mánh khóe, và ý thức là hàng loạt mánh khóe trong bộ não”.

Nếu Dennett đúng thì máy móc có thể có ý thức hay không? Có. Trường hợp này rất dễ trả lời. Nếu ý thức không có gì bí ẩn – nghĩa là không cần cách giải thích nào đặc biệt và ý thức chỉ là hoạt động nhận thức bình thường do não thực hiện – thì vấn đề đã được giải quyết. Theo quan điểm này, chúng ta không cần một thời khắc “lóe sáng” của sự đột sinh hoặc một sức mạnh bí ẩn của cơ học lượng tử. Chúng ta chỉ cần hiểu nhiều hơn về bộ não và tạo ra những chiếc máy tính mạnh hơn, tốt hơn. Dần dần, từng bước một, chúng ta sẽ tạo ra được một chiếc máy có ý thức.

[...] Vậy theo giả thuyết này, chúng ta có thể tải ý thức của mình lên máy tính không? Có thể. Đây là việc tương đối đơn giản và khả thi. Đây cũng chính là tình huống mà chúng ta dễ tải ý thức của mình vào máy móc nhất. Tuy nhiên, quét dữ liệu vẫn là một vấn đề khó giải quyết, chưa kể là chúng ta còn không biết chính xác mình cần phải quét cái gì.

Giả thuyết 8: Ý thức là yếu tố tâm linh

Giả thuyết cuối cùng này cho rằng ý thức là thứ gì đó thuộc về tâm linh hoặc thuộc về một thế giới khác. Những người theo thuyết nhị nguyên có thể sẽ thấy giả thuyết này rất hợp lý.

Với thực tế là có đến 75% người dân toàn thế giới tin vào chuyện thần thánh, tôi dám chắc là nhiều độc giả sẽ chọn tin vào giả thuyết thứ tám này. Theo đó, họ cho rằng ý thức là yếu tố tâm linh, họ gán nó với linh hồn của họ, bản chất của họ, hoặc với một số thuật ngữ nào đó để chỉ một nguồn sinh lực phi vật chất. Nếu linh hồn chính là ý thức, máy móc có thể có ý thức không? Không. Linh hồn là một khái niệm quá xa lạ đối với thế giới vật chất của chúng ta và vượt ra khỏi mọi quy luật vật lý mà chúng ta biết, nó khó nắm bắt đến mức có lẽ sẽ không bao giờ có thể được tiến hành sản xuất hàng loạt. Vậy chúng ta có thể truyền tải ý thức của con người vào máy móc được không? Không. Mặc dù có những tín ngưỡng cho rằng linh hồn của một thứ gì đó sẽ có thể chiếm hữu hoặc trú ngụ trong một vật thể, nhưng tôi chưa từng nghe có một tín ngưỡng nào mà con người có thể kiểm soát và điều khiển quá trình đó để tách linh hồn ra khỏi vật chủ của nó và nhúng vào một chiếc điện thoại thông minh.

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu qua tám giả thuyết cơ bản về ý thức. Có nhiều khả năng một trong tám giả thuyết này sẽ lý giải được ý thức hình thành từ đâu.

[...] Nhà tâm lý học Steven Pinker của Đại học Harvard viết rằng các nhà khoa học đã “thu thập được rất nhiều bằng chứng cho thấy mỗi khía cạnh của ý thức đều có liên quan đến bộ não”. Ông nhấn mạnh: “Các nhà thần kinh học nhận thức gần như đã có thể đọc được suy nghĩ của người khác từ lưu lượng máu trong não”. Đối với Pinker, ý thức rõ ràng chỉ là chức năng bình thường của bộ não.

Liệu trong tương lai chúng ta có tìm được lời giải đáp cho câu hỏi này không? Có lẽ. Có lẽ các nhà khoa học sẽ “nắm bắt” được ý thức khi chúng ta hiểu rõ hơn về bộ não con người. Khi đó, chúng ta sẽ biết máy tính có ý thức có thể được tạo ra hay không. Hoặc cũng có thể là máy tính sẽ tự có được ý thức, bằng một phương pháp nào đó hoàn toàn khác với cách mà con người có ý thức.

Hoặc cũng có thể là không.[...]


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025